Mừng thọ - nét đẹp văn hóa dân tộc ngày đầu xuân
Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện sự kính trọng, tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Đã thành thông lệ, mỗi dịp đầu xuân, các địa phương trong cả nước lại tổ chức lễ mừng thọ trang trọng, đầm ấm cho các bậc cao niên.
Người thượng thọ - phúc lớn trời ban
Đất nước ta, triều đại nào cũng kính trọng người cao tuổi. Hội nghị Diên Hồng do nhà Trần tổ chức năm 1284 hỏi ý kiến các cụ “đánh” hay “hòa” khi giặc Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 2. Bác Hồ lúc sinh thời rất kính trọng các bậc phụ lão. Tháng 6/1941, Người viết thư cho các cụ phụ lão khẳng định: “Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”. “Trọng lão” là truyền thống của dân tộc Việt Nam, ghi nhận công lao đóng góp của lớp người cao tuổi.
Mừng thọ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, cũng như sự kính trọng người già, hiếu nghĩa, biết ơn với ông bà, cha mẹ. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của xã hội với người cao tuổi, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm. Những người già rất vui khi được con cháu mừng tuổi trong ngày tết. Đặc biệt, đối với người Việt Nam, người tuổi càng cao càng được kính trọng.
Theo quan niệm dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được phúc lớn trời ban. Vì có phúc nên mới được sống lâu và có con cháu đề huề, mừng thọ chính là mừng cái phúc ấy. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Những người được chúc thọ là những cụ cao tuổi, đó là những người được có phúc, có đức, được trời ban lộc, có con, có cháu đề huề. Thông thường, 70 tuổi gọi là thượng thọ, 80 tuổi là đại thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và tròn 100 tuổi là bách tuế hay bách niên chi lão. Vào những năm chẵn của tuổi ông bà, con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau tổ chức lễ mừng thọ với mong đợi mừng ông, chúc bà sống lâu, sống khỏe.
Tại Điều 21 Luật Người cao tuổi quy định về chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi như sau: Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà; người thọ 90 tuổi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội Người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày: Ngày Người cao tuổi Việt Nam (06/6 hằng năm), Ngày Quốc tế người cao tuổi (01/10 hằng năm), Tết Nguyên đán, sinh nhật của người cao tuổi.
Theo tục lệ xưa của người Việt, trong lễ mừng thọ, ông bà sẽ mặc trang phục trang trọng, màu đỏ hoặc màu vàng tùy tuổi thọ, thường là khăn đóng áo dài, chân đi hài. Các cụ cao niên ngồi nơi trang trọng nhất trong nhà. Con, cháu luôn dành cho bố mẹ, ông bà những lời chúc tốt đẹp, thể hiện niềm tôn kính, hiếu thảo trước công lao sinh thành và dưỡng dục, chăm lo và dạy bảo theo suốt cuộc đời. Con cháu cầu chúc bố mẹ, ông bà sống lâu, sống khỏe để làm chỗ dựa cho con cháu, gia đình. Những lời này có lúc được thêu trên bức trướng, bức tranh hay những vần thơ giàu ý nghĩa. Với các cụ già, những buổi sum vầy khi con cháu đông đủ, hòa thuận, hiếu thảo như vậy là món quà quý giá nhất đối với những người cao tuổi.
Lễ mừng thọ tiết kiệm, đậm giá trị văn hóa truyền thống
Trước đây, có một số địa phương đã tổ chức lễ mừng thọ rườm rà, lãng phí về thời gian và tiền của. Có lễ mừng thọ được gia đình tổ chức rải rác từ trong Tết âm lịch đến hết tháng Giêng. Việc ăn uống tràn lan, tổ chức cỗ lên tới vài chục mâm, gây tốn kém tiền của, thời gian, công sức. Nhiều gia đình mặc dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn cố vay mượn để tổ chức lễ mừng thọ hoành tráng. Vì có tổ chức ăn uống nên con cháu phải thức đêm làm cỗ. Họ mượn lý do thức làm cỗ, tổ chức đánh bạc sát phạt nhau mất trật tự làng xóm. Vui chẳng thấy đâu, chỉ thấy hôm sau những cặp vợ chồng trẻ cãi cọ nhau vì thua bạc. Có gia đình đi thuê loa đài xập xình, hát ầm ĩ đinh tai nhức óc. Người cao tuổi không thể nghỉ ngơi, an dưỡng. Có nhiều gia đình trong một làng thay phiên tổ chức mừng thọ suốt tháng giêng khiến người trong làng, họ hàng “chóng mặt” khi đi mừng thọ.
Trước thực trạng đó, những năm gần đây, nhiều địa phương tổ chức lễ mừng thọ bảo đảm tiêu chí: “Vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và mang đậm giá trị văn hóa truyền thống”. Hầu hết các địa phương tổ chức mừng thọ, chúc thọ tập trung vào các ngày mùng 4, 5, 6 Tết đầu xuân mới khi các con cháu sum họp đón Tết cổ truyền.
Tại các buổi mừng thọ, chúc thọ có sự tham dự của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương, con cháu người được chúc thọ và đông đảo người dân, có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, tạo khí thế tươi vui, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người cao tuổi. Theo số liệu thống kê, năm 2024, toàn tỉnh Bắc Ninh tổ chức mừng thọ cho hơn 22 nghìn người cao tuổi, trong đó có 120 cụ 100 tuổi, 235 cụ trên 100 tuổi. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và các ngành, các cấp trực tiếp đến thăm, trao quà của Chủ tịch nước cho nhiều người cao tuổi trên địa bàn. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người cao tuổi thực hiện tốt việc văn minh trong chúc thọ, mừng thọ, nhiều địa phương tổ chức cho gia đình có người chúc thọ, mừng thọ ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm, không mời khách khứa, ăn uống linh đình mà chỉ nội bộ gia đình.
Cũng như ở tỉnh Bắc Ninh, trong các ngày Tết Giáp Thìn, Đảng ủy - HĐND - UBND và Hội Người cao tuổi các phường, xã trên địa bàn thành phố Phủ Lý (Hà Nam) tổ chức lễ mừng thọ người cao tuổi cho các cụ tuổi tròn 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100 tuổi. Tại các buổi lễ mừng thọ năm nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ các phường, xã đã trao Giấy mừng thọ cho 3.031 cụ tuổi tròn. Trong đó có 1.209 cụ 70 tuổi, 710 cụ 75 tuổi, 416 cụ 80 tuổi, 307 cụ 85 tuổi, 214 cụ 90 tuổi, 79 cụ 95 tuổi, 27 cụ 100 tuổi và đặc biệt có 69 cụ hơn 100 tuổi.
Với quan điểm tiếp tục chăm lo, quan tâm đến người cao tuổi, dịp đầu Xuân mới Giáp Thìn năm nay, trên địa bàn thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã đồng loạt tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho gần 4.700 cụ từ 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 tuổi trở lên với quy mô trang trọng, phấn khởi, vui tươi, đầm ấm. Đồng thời, lãnh đạo thành phố còn tổ chức 06 đoàn đến thăm và tặng quà cho người cao tuổi tròn 100 tuổi trên địa bàn thành phố.
Tại lễ mừng thọ, các cụ cao niên chia sẻ, kinh nghiệm sống lâu là nhờ ăn uống khoa học, chịu khó tập một số động tác thể dục hít thở và luôn sống vui vẻ, lạc quan. Đội văn nghệ của thôn chúc mừng các cụ. Những lời ca tiếng hát cây nhà lá vườn của Hội Người cao tuổi, những vần thơ mộc mạc chân tình thể hiện lời chúc đầu xuân sức khỏe an lành: “Con mừng cha mẹ thọ trăm năm/Sống khỏe an vui gậy chẳng cần/Sầu lo phiền toái không còn vướng/Hưởng phúc thiên đường ngay tại tâm”.
Đoàn Thanh niên múa lân sư rồng mừng thọ, mừng xuân mới. Phần phục vụ trà nước, bánh kẹo đều do con cháu của những người đăng thọ đảm nhiệm. Mọi người cùng uống trà, đàm đạo vui vẻ. Các gia đình không bày đặt ăn uống linh đình. Nếu ai đông con cháu thì làm vài mâm cúng tổ tiên và thụ lộc. Cháu con quây quần đầm ấm.
Cụ Nguyễn Thị Hoa (Quế Võ, Bắc Ninh) năm nay 100 tuổi, được Chủ tịch nước tặng quà, lãnh đạo các cấp, ngành đến thăm, tặng quà, cụ chia sẻ: “Năm nay tôi tròn 100 tuổi, được mọi người chúc tết, chúc thọ, con cháu đề huề đông vui, tôi rất phấn khởi”.
Đầu xuân năm mới, việc chúc thọ ông bà, cha mẹ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của người dân Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đó đã và đang nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, mang ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc nhằm phát huy vai trò “cây cao bóng cả” của lớp người cao tuổi trong gia đình và xã hội hiện nay.
Cũng thông qua việc tổ chức chúc thọ, mừng thọ, người cao tuổi cảm thấy hạnh phúc hơn vì mình đông con, nhiều cháu lại hiếu thảo, lễ nghĩa, có nhiều cống hiến cho xã hội... Con cháu cũng cảm thấy tự hào về ông bà, cha mẹ của mình, cũng như truyền thống văn hóa của gia đình.
Ông Nguyễn Phúc - nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, mọi người đến với nhau bằng tình cảm ân tình ý nghĩa biết bao nhiêu. Lễ mừng thọ chỉ nên quây quần con cháu trong gia đình. Những người già cảm nhận được tình cảm của con cháu tri ân, còn lớp trẻ cũng hài lòng xúc động và học tập nếp sống giản dị, thanh cao của các cụ. Lòng hiếu thảo không căn cứ mâm cao, cỗ đầy hay giá trị của vật chất, mà đặt trên nền tảng sự chăm lo hàng ngày.