Mừng và tiếc cho bóng chuyền

Trên tinh thần nâng cao tính cạnh tranh, từ mùa giải 2025, bóng chuyền Việt Nam chỉ còn 8 đội nam, 8 đội nữ ở hạng đấu cao nhất (ít hơn 1 so với trước). Tuy nhiên, thể thức thi đấu lại không có gì thay đổi khi vẫn chia thành 2 giai đoạn diễn ra ở 2 thời điểm khác nhau và tại một địa điểm tập trung. Nghĩa là dù đã cố gắng tinh gọn, nhưng cho đến thời điểm này bóng chuyền vẫn chưa thể thi đấu theo mô hình League (vòng tròn 2 lượt sân nhà và sân khách) giống như môn bóng đá.

Trên thực tế, ngoài 2 giai đoạn của giải vô địch quốc gia, thì hệ thống chính thức của bóng chuyền nội địa chỉ có thêm một giải nữa là Cúp Hùng Vương tại Phú Thọ (tổ chức giữa 2 giai đoạn). Như vậy, về số lượng trận đấu, các câu lạc bộ chỉ có dưới 10 trận chính thức cho mỗi mùa, ít hơn số trận đấu nếu giải vô địch quốc gia được tổ chức theo mô hình League (tối đa 14 trận).

Bóng chuyền Việt Nam đang có những bước phát triển rõ nét. Bóng chuyền nữ đã vươn tầm châu Á, nằm trong nhóm các đội có thể tranh chấp suất tham dự World Cup. Còn bóng chuyền nam đã vào tốp 3 Đông Nam Á một cách ổn định. Đây là điều đáng mừng vì bóng chuyền là môn thể thao có tính đặc thù về thể chất, lại khá phổ biến trên thế giới nên rất khó phát triển nóng như các môn cá nhân.

Chúng ta cũng đang sản sinh nhiều thế hệ vận động viên tài năng một cách liên tục, nhiều vận động viên ra nước ngoài thi đấu ở các quốc gia hàng đầu, nên về lý thuyết, môn bóng chuyền vẫn còn dư địa để phát triển.

Song cũng chính vì vậy mà càng thấy tiếc cho bóng chuyền. Là môn chơi có tính xã hội hóa khá sớm, được ưu ái trên truyền hình, có lượng vận động viên đông đảo và đặc biệt là thành tích thi đấu quốc tế được cải thiện mạnh mẽ, nhưng yếu tố chuyên nghiệp của bóng chuyền vẫn chưa cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ có 2 trong số 16 đội bóng chuyền đỉnh cao hiện nay do doanh nghiệp đầu tư 100% kinh phí (Hóa chất Đức Giang Hà Nội và Ngân hàng Công thương ở giải nữ).

Công tác vận động tài trợ vẫn rất khó khăn, trở thành lý do khiến mô hình League vẫn chưa thể triển khai, mặc dù nhiều câu lạc bộ bóng chuyền không thiếu nhà thi đấu đạt chuẩn. Ngay ở cấp độ đội tuyển quốc gia, trong nhiều năm vẫn chưa có các nhà tài trợ chính ổn định giống như ở môn bóng đá.

Nói cách khác, dù là môn “đi trước” về thành tích cũng như có các điều kiện thuận lợi, song bóng chuyền lại đang có nguy cơ “về sau” về tính chuyên nghiệp so với một số môn phổ biến khác tại Việt Nam.

Dù vậy, cơ hội để bóng chuyền thay đổi vẫn chưa quá muộn. Việc tinh gọn số lượng đội đỉnh cao, đẩy nhanh áp dụng công nghệ vào thi đấu cho thấy những người làm bóng chuyền Việt Nam đang nỗ lực để giúp cho môn chơi này tiến nhanh vào... chuyên nghiệp hơn!

YẾN PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mung-va-tiec-cho-bong-chuyen-post781806.html