Muối hột

Tôi chẻ bắp cải thảo làm đôi, vốc từng ngụm muối nhỏ rắc đều từng kẽ lá. Muối trong thau đã tan hết vào nước lạnh, tôi ấn mớ cải thảo đã ngậm đủ muối vào thau nước. Món kim chi này phải dùng muối hột mới ngon, tôi nhìn đôi bàn tay ươn ướt của mình, cảm giác như từng hạt muối li ti vẫn đang đọng lại trên da thịt.

Má tôi có thói quen nấu gì cũng bỏ muối, làm gì cũng thấy muối hiện diện. Luộc rau nêm muối đã đành, chiên trứng cũng bỏ muối, súc miệng nước muối, nước cắm hoa cũng pha muối, mà phải là muối hột thì má mới thuận lòng. Má nói muối hột mới đủ mặn, má ăn mặn xưa giờ đã quen. Nhiều lúc tôi can, nói má cũng dần lớn tuổi, ăn mặn quá sau có bệnh khó chữa. Má nhịn được hai bữa cho tôi vui, tới bữa thứ ba, ăn được nửa chén cơm thì má bỏ ngang, than cơm canh lạt lẽo quá má nuốt không nổi. Má còn tuyên bố cứng: “Bắt má ăn lạt thà má chết cho xong!”. Má đâu cần chết vì tôi đã chịu thua, không ép má kiêng ăn mặn được nữa.

Khuyên như vậy song thật ra tôi cũng ghiền muối không thua gì má, ghiền từ nhỏ nữa là khác. Hồi đó vườn nhà nào cũng đầy ngò tàu, é trắng với rau răm, chúng tôi bứt vài lá vo cho nhàu, thêm trái ớt đỏ, một muỗng muối hột bỏ vào chén đất. Sau tiếng giã chạch chạch là bữa tiệc xoài non, ổi già hoặc một mớ me chua. Sở dĩ chúng tôi ăn trái cây là bởi chén muối quá ngon. Nói cách khác, trái cây chỉ là phụ, chén muối ớt cay xè mới là món chính. Có bữa ăn sạch trái non trái chín rồi, bọn trẻ chúng tôi còn lấy ngón tay quẹt vào thành chén muối, chấm mút hít hà như đang thưởng thức một món đặc sản hiếm thấy.

Tôi nhớ bịch muối hột cũ kỹ nằm sâu trong góc gạc-măng-rê ám đầy tro bếp. Mỗi nhà thường có những bịch muối lem luốc như vậy, rất dễ bị lãng quên. Cuối năm nào các bà, các mẹ cũng mua một bịch muối mới để dưng lên cúng cùng đĩa gạo cho đủ lễ. Đối với những gia đình ít giỗ chạp thì bịch muối hột chỉ dùng để cúng một lần rồi thôi, năm sau phải mua bịch muối mới. Thế nên đám trẻ con lúc nào cũng phải lấy muối hột mà giã. Muối hầm được đổ trong hũ nhựa và cất thật cao, tiết kiệm cho bữa chính, đâu tới lượt chúng tôi lấy nó ra giã muối ớt. Tôi vẫn nhớ rõ trưa mùng ba tháng Giêng hàng năm, ba sơ vin chỉnh tề khi nhang đã tàn, chắp tay khấn rồi bưng đĩa gạo muối rải khắp bốn phía. Ba nói: “Gửi cho người khuất mặt để họ được no đủ cả năm”.

Tôi nhớ từng đọc đâu đó trên mạng một câu chuyện rất dễ thương. Chàng trai nói: “Anh làm một ngày mà đủ cho em ăn cả năm”, cô gái hỏi lại anh làm nghề gì thì chàng ta cười hềnh hệch nói anh làm muối. Đó, hạt muối mặn mà dễ thương như thế. Nó đã đi vào đời sống, nếp nghĩ và tư duy tình cảm của rất nhiều người, không chỉ mình tôi.

PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/236538/muoi-hot.html