Mười năm giữ 'nhịp thở' cho cao nguyên
'The Keeper of Sustainability - Hộ vệ của sự bền vững' là cụm từ ngắn gọn và đầy đủ nhất mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) miêu tả về Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) LangBiang.

Du khách trải nghiệm tại vùng lõi của Khu DTSQ LangBiang
Tròn mười năm được UNESCO công nhận, Khu DTSQ LangBiang, với sự phồn sinh nội tại, vẫn như một lá phổi khỏe mạnh giữ “nhịp thở” đều đặn, mát lành cho đại ngàn cao nguyên.
Khu DTSQ LangBiang được UNESCO công nhận vào ngày 9/6/2015, đây là khu DTSQ thứ 9 được công nhận tại Việt Nam. Khu DTSQ LangBiang nằm ở phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng, trải rộng trên 275.439 ha, ở độ cao từ 650 m đến 2.300 m so với mực nước biển và là nơi còn nhiều vùng rừng, kiểu rừng nguyên sơ phát triển.
Với phương châm “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”, kể từ khi được UNESCO công nhận mang tính toàn cầu, Khu DTSQ LangBiang bước đầu đã thể hiện được vai trò “Hộ vệ cho sự bền vững”. Thông tin về Khu DTSQ đã được người dân bản địa chia sẻ, hình ảnh của LangBiang đã được quảng bá và cảm kích bởi du khách thập phương. Các hoạt động trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, văn hóa bản địa hoặc các tour du lịch sinh thái, các chương trình giáo dục môi trường cũng nhận được sự quan tâm, đồng hành của người dân ở khắp nơi. Tất cả những hoạt động này đều giúp quảng bá giá trị của Khu DTSQ và hơn hết, nguồn lợi từ các hoạt động này trực tiếp góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng, cho địa phương, góp phần bảo tồn môi trường sống, bảo tồn các giá trị tự nhiên, cũng như văn hóa cho hiện tại và tương lai.
Khu DTSQ LangBiang đang sở hữu tài sản vô giá từ hệ sinh thái rừng đa dạng, bao gồm các hệ sinh thái rừng đặc trưng, như rừng lá rộng thường xanh, rừng lá kim, rừng hỗ hợp lá rộng và lá kim, rừng tre... Khu DTSQ LangBiang hiện đang là nơi cư trú của hơn 1.940 loài thực vật và 747 động vật khác nhau. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đã được định chứng, Khu DTSQ LangBiang được xem như một mái nhà của các loài thực vật và động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Thống kê cho thấy, có 64 loài thực vật được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam và 34 loài khác có giá trị bảo tồn và giá trị dược phẩm cao đang sinh sống tại đây. Đáng kể như cây Pơ-mu 1.300 năm tuổi, thông đỏ có giá trị kinh tế cao trong y tế.
Không những thế, Khu DTSQ còn là nơi cư trú của quần thể động vật đa dạng, bao gồm 89 loài động vật có vú, hơn 247 loài chim, 46 loài bò sát, 46 loài động vật lưỡng cư, 30 loài cá và 335 loài côn trùng khác nhau. Một vài loài đặc hữu được liệt vào nhóm đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở mức nguy cấp.
Tiến sĩ Sinh vật học Nguyễn Văn Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cho biết: Từ năm 2012 đến nay, tám cuộc khảo sát đã được tiến hành dưới sự giám sát và hỗ trợ của Bộ Môi trường Nhật Bản. Tổng cộng có 3.200 tiêu bản thực vật đã được thu thập. Trong đó, đã phát hiện và mô tả thêm 7 loài thực vật đặc hữu mới. Tháng 3.2019, sách ảnh cho hệ thực vật của Khu DTSQ LangBiang đã được xuất bản, trong đó có 19 loài đề xuất mới cho khoa học. Hiện nay, các cuộc khảo sát vẫn đang tiếp tục, còn rất nhiêu phát hiện mới lạ khác sẽ được công bố trong tương lai.
Ông Jonathan Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: Trong suốt một thập kỷ qua, LangBiang trở thành một hình mẫu tiêu biểu cho việc kết hợp giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Từ khi được công nhận, LangBiang đã đạt được sự tiến bộ rõ nét trong công tác giám sát rừng và đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, cũng như bảo tồn và phát huy tri thức bản địa.
Đồng quan điểm với ông Jonathan Baker, GS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam - UNESCO Việt Nam chắc chắn về điều này: Mặc dù mới được công nhận, nhưng Khu DTSQ LangBiang đã xây dựng được cơ chế hợp tác và phát triển bền vững vì mục tiêu chung. Đây là mô hình cần được chia sẻ rộng rãi bởi sự đóng góp đáng kể của Khu DTSQ LangBiang trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia của Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/muoi-nam-giu-nhip-tho-cho-cao-nguyen-381873.html