Muổi Nọi mùa gặt mới

Tất bật mưu sinh nên cũng khá lâu chưa được về quê hương thứ hai của tôi ở Muổi Nọi (Thuận Châu). Hôm rồi vào đầu mùa gặt, mấy đứa em gọi điện: Bác ơi về đi, về đi gặt lúa mới, về ăn cốm, xôi dẻo, cá nướng, mừng cơm mới. Thế là cồn cào thôi thúc, cuối tuần đưa cả vợ con về Muổi Nọi thân thương.

Mùa bội thu ở Muổi Nọi.

Mùa bội thu ở Muổi Nọi.

Quê tôi, nhiều thế hệ đều là người Thái, chọn đất tốt sinh sống nơi ven suối Muội, dọc theo một thung lũng bốn mùa xanh mượt cỏ cây, ruộng lúa. Mùa lúa chín là mùa của niềm vui, mùa của ấm no hạnh phúc. Một nắng hai sương cày bừa gieo hạt, cấy cày trên những thửa ruộng bậc thang xuống lên vất vả, người quê tôi già trẻ, gái trai chỉ mong đến ngày lúa chín để hưởng thành quả từ chính bàn tay mình.

Từ thuở bé thơ, đến giờ mái đầu đã bạc, tôi cũng như bao người đi đó đây, cũng không bao giờ quên cái mùi đồng ruộng, từ hăng nồng bùn nước cày bừa, đến mùi thơm quyến rũ lúa thì con gái; nồng nàn hương lúa chín đầu bờ. Người lớn tất bật trên những chân ruộng bậc thang, gặt nhanh những bó lúa vàng, đánh đống rồi trải cót, đập ngay trên ruộng. Trẻ thơ náo nức đuổi bắt những chú châu chấu, muồm muỗm béo mập, nướng rơm thơm ngậy. Thanh bình và ấm no là diện mạo quê hương tôi mỗi mùa gặt mới.

Cũng như bao bản làng khác, mùa gặt quê tôi còn là mùa tháo ruộng bắt cá. Đồng bào dân tộc Thái từ xưa khi cấy xong, lúa chắc chân là thả cá chép vào ruộng, lúa - cá cùng lớn đến ngày gặt là thu hoạch. Cá chép ruộng thơm béo, thịt dai, làm gỏi, nướng, muối chua. Đặc biệt, có món lạ đặc trưng mùa gặt tháo ruộng là pa câm (ăn gỏi cá nhảy). Cá bắt ruộng về phải còn sống, chọn những con bé bằng ngón tay cái, thả vào chậu nước sạch, để một hai ngày, khi thấy bụng cá trong ra, cá ăn ghém với lõi chuối tươi, rau thơm (mùi, húng, thì là, kinh giới...), các loại gia vị mắm, muối, mì chính, tỏi, ớt và đặc biệt là không thể thiếu hạt mắc khén. Lõi chuối thái mỏng, rau thơm, ớt tỏi băm nhỏ trộn đều với lõi chuối, nêm gia vị, cho nước măng chua ngập sâm sấp. Bát ghém này phải có độ chua vừa đủ, cay, nồng và có mùi thơm đặc trưng.

Khi tất cả đã ngồi vào mâm, ai ăn con nào thì bắt con ấy từ trong chậu, dùng dao nhỏ khía vào bụng cá, bỏ ruột rồi thả nhanh vào ghém. Con cá nhỏ khi mổ xong phải còn sống. Mỗi người ăn dùng một chiếc thìa nhỏ xúc cá kèm theo ghém chuẩn bị sẵn. Phải ăn nhanh thì thịt cá mới giòn ngọt, không có mùi tanh. Người ăn cảm nhận được rất nhiều mùi vị khác nhau của món ăn này. Có vị giòn, ngọt của thịt cá và lõi chuối, vị chua của nước măng, vị cay của tỏi, ớt, vị tê tê nơi đầu lưỡi và mùi thơm nồng của hạt mắc khén. Với những người chưa từng biết món cá nhảy thì đây quả là món ăn lạ lùng, rất khó có thể thử ăn để cảm nhận hương vị. Còn đối với người Thái thì món ăn này là sở hữu riêng biệt.

Mùa gặt còn là khởi nguồn của Lễ mừng cơm mới (chôm khảu mớ), người Thái quan niệm là để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên rất quan trọng. Vì vậy, trước khi gặt lúa, các gia đình đều làm lễ cúng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên. Lễ cơm mới là dịp để anh em trong gia đình, thông gia, bản làng hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết.

Lễ vật trong lễ cúng gồm có 2 con gà trống, 1 con gà mái, lươn, ếch, nhái, châu chấu, thịt chuột rừng, ngô, khoai sắn, gạo nếp, rượu, trầu cau... Lễ cúng được thực hiện tại bàn thờ thổ công và bàn thờ tổ tiên trong nhà. Các lễ vật được chia làm 3 mâm lễ: 1 mâm lễ để cúng thổ địa, 1 mâm lễ cúng tổ tiên, 1 mâm lễ cúng vía lúa để mừng cơm mới, mâm lễ này chỉ gồm các con vật hay phá hoại mùa màng như châu chấu và chuột rừng.

Ngoài những lễ vật như lợn, gà, các loại hoa quả, trên mâm lễ dâng lên tổ tiên còn có bát cơm mới mang đặc trưng của người Thái. Khi cúng thì dành một con gà trống để thờ tổ tiên mình. Người Thái sắm đầy đủ từ các loại củ như sắn, khoai, hoa quả... mời tổ tiên về mừng cơm mới. Thầy mo thực hiện các nghi lễ với lòng thành kính “Xin thành tâm bày tỏ lòng biết ơn đối với chư vị. Xin kính mời các vị đón nhận các lễ vật mà chúng con đã dâng lên. Cầu mong sang năm bà con làng bản lại có một mùa màng bội thu”.

Mùa gặt bội thu năm nay, bà con Muổi Nọi lại gấp gáp chuẩn bị vào mùa nước đổ trên những chân ruộng bậc thang, cấy hái cho một vụ mùa tiếp theo yên bình, no ấm.

Hoàng Khải (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muoi-noi-mua-gat-moi-40666