Mười trang liệt nữ thơm ngàn năm sau
Chúng tôi tìm về mảnh đất Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam) nằm uốn mình bên dòng Châu Giang hiền hòa. Cách đây hơn 50 năm, Lam Hạ phải oằn mình hứng những trận bom địch đánh phá.
Dải đất nhỏ yên bình bỗng trở thành chiến lũy, pháo đài. 8 trận địa pháo bố trí liên hoàn ở các thôn: Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm để bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, cây cầu Sắt bắc qua dòng sông Châu và ga tàu Phủ Lý. Những con người nơi đây đã trở thành dũng sĩ giương cao nòng pháo “vít cổ” lũ giặc trời; trong đó có những nữ dân quân hiên ngang kiên cường như những đóa hoa thép trên mảnh đất Lam Hạ anh hùng.
Trận địa pháo năm xưa, nay đã ấm thêm những mái nhà, xanh thêm từng lùm cây vạt cỏ. “Qua rồi một thuở đạn bom/ Chỗ xưa trận địa nay tròn bóng trưa”. Thế nhưng những câu chuyện về một thời bi tráng thì vẫn còn được người dân Lam Hạ khắc ghi nhớ mãi. Tất cả hiển hiện trên tấm bia đá lưu danh cùng ngôi đền thờ 10 liệt sĩ nữ dân quân Lam Hạ. Thắp xong tuần hương, ông Phạm Văn Long, thủ nhang đền kể lại những câu chuyện xưa khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Với quyết tâm đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ cùng tinh thần “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, các cô gái Lam Hạ đã tình nguyện viết đơn gia nhập lực lượng dân quân, biên chế về các khẩu đội pháo phối hợp với bộ đội đánh máy bay Mỹ. Khi yên thì lao động sản xuất, có báo động chị em lại khẩn trương vào vị trí chiến đấu.
Trận đánh ngày 1-10-1966 là trận hiệp đồng chiến đấu oanh liệt nhưng cũng thương vong lớn. Giặc không phá được cầu Sắt nên điên cuồng ném bom hủy diệt trận địa. Các nữ pháo thủ kiên cường đáp trả và rồi dưới làn mưa bom, bão đạn, 6 nữ dân quân đã hy sinh. 8 ngày sau lại diễn ra trận đọ sức ác liệt giữa lực lượng phòng không của ta với máy bay Mỹ. Địch lại giở thủ đoạn đánh phá mục tiêu. Những loạt bom rải thảm oan nghiệt khiến máu 3 nữ dân quân hòa vào đất mẹ. Gần một năm sau, ngày 7-7-1967, trong một trận đánh trả địch, một nữ pháo thủ nữa hy sinh bên trận địa. Vậy là 10 cái tên: Thu, Thi, Tuyết, Lan, Tâm, Phương, Thuận, Thẹp, Oánh, Chung đã ngã xuống khi tuổi xuân phơi phới. Có những câu chuyện giờ nghe kể lại vẫn thấy tự hào về ý chí bất khuất kiên trung của những cô gái đất Lam Hạ. Đó là hai chị em ruột Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1948) và Nguyễn Thị Thi (sinh năm 1950), trước khi chạy ra trận địa còn dặn mẹ ở nhà trú bom cẩn thận, các con đi chiến đấu nhỡ có mệnh hệ gì thì chớ có buồn đau. Thế rồi loạt đạn đầu tiên chị Thu hy sinh ngay tại trận địa. Chị Thi bị mảnh bom phạt vào bụng và chân. Được anh trai Nguyễn Văn Thái chiến đấu gần đó đưa về bệnh xá, tỉnh lại chị Thi bảo anh phải về trận địa ngay không được rời vị trí chiến đấu. Khi làm phẫu thuật chị bảo bác sĩ để dành thuốc mê cho thương binh khác, một mình nén đau ra đi khi mới 16 tuổi trăng tròn.
Chúng tôi đứng lặng trước di ảnh liệt sĩ Trần Thị Thẹp trong đền thờ. Chị hy sinh ở tuổi 22. Ngày ấy chị có người yêu là bộ đội chiến đấu ở xa. Sau khi chị hy sinh, gia đình mới nhận được lá thư của người yêu chị ngỏ lời xin phép gia đình được tính chuyện trăm năm. Thư còn đó mà chị Thẹp đã đi xa để lại bao nỗi đau cho người ở lại. Giá như không có chiến tranh, chị sẽ là người vợ hiền thục đảm đang, có một mái ấm gia đình hạnh phúc. 10 liệt nữ là mười câu chuyện, mười hoàn cảnh khác nhau, song tất cả đều chung chí hướng, quyết chiến đấu hy sinh bảo vệ quê hương đất nước.
Sự hy sinh của các chị mãi được khắc ghi cùng với tên đất, tên người bên trận địa năm xưa. Đôi câu đối trong đền là minh chứng điều đó: “Trăm trận giao phong khí phách vươn cao trời Phủ Lý/ Mười trang liệt nữ hồn thiêng còn mãi đất Hà Nam”. Ở Lam Hạ bây giờ, 10 liệt nữ trở thành biểu tượng thiêng liêng trong lòng người dân. Năm 2016, Tỉnh ủy Hà Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Huyền thoại mười nữ liệt sĩ dân quân pháo phòng không Lam Hạ” khẳng định những đóng góp của các nữ dân quân trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, nêu bật ý nghĩa sự hy sinh của các chị để từ đó làm công tác giáo dục tryền thồng, khơi dậy tinh thần yêu nước, chung tay góp sức xây dựng quê hương.
Giờ đây trên nền trận địa pháo năm xưa, ngôi đền thiêng đã được dựng lên để ghi dấu chiến công, một thời máu và hoa của các nữ dân quân. Trận địa pháo phòng không Lam Hạ cũng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (năm 2016). Chúng tôi thực sự xúc động bởi những hiện vật trưng bày trong đền: 10 bộ quần áo dài trắng, 10 nón lá cùng gương lược. Đó là quà tặng của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dâng lên linh hồn 10 liệt nữ. Tất cả một màu trắng huyền thoại tưởng như các chị vừa mới ở nơi đây. Trong hậu cung 10 tấm bài vị đặt trang trọng trên án thờ. Mùi hương trầm, lung linh đăng nến như tỏ thêm công đức của 10 liệt nữ huyền thoại. Các chị đã hóa thành bất tử trong lòng nhân dân: “Rì rầm sóng nước Châu Giang/ Chiến công năm ấy kể ngàn năm sau”.
Trước cửa đền, trên thân cây nhãn treo vỏ bom máy bay Mỹ ném xuống trận địa ngày 1-10-1966, sau được đơn vị công binh trục vớt tháng 10-2008. Vỏ bom là chứng tích của một thời chiến tranh ác liệt. Bên cạnh đền thờ vẫn còn đó những khẩu pháo cao xạ nằm lặng lẽ để ngày ngày chứng kiến khách đến tham quan, để nghe kể lại về những nữ liệt sĩ bất khuất kiên cường...