Muốn ăn chung, phải làm cùng

Để kích cầu du lịch nội địa cũng cần thêm sự liên kết giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng du lịch, như tạo những combo từ vé tham quan, nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm dịch vụ…

Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia, trong 7 tháng đầu năm 2024, cả nước đón hơn 79,5 triệu lượt khách nội địa, gần 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 51% so với cùng kỳ.

Có điều, một diễn biến "lạ" của du lịch nội địa mùa hè 2024 là không ít điểm đến ở vùng biển lại vắng khách hoặc không đông như kỳ vọng, bất chấp những số liệu lạc quan về khách quốc tế và khách nội địa kể trên.

Trong bức tranh chung của kinh tế còn khó khăn, thói quen chi tiêu của người dân và du khách giảm so với các năm trước. Nhu cầu đi du lịch liên tục, đi xa, dài ngày có hạn chế là điều dễ thấy. Theo đó, những điểm đến gần với nơi du khách sinh sống, điểm đến lân cận thị trường nguồn khách lớn ở Hà Nội, TP HCM được lựa chọn nhiều hơn và xu hướng du lịch nội vùng lên ngôi. Ngoài ra, các tour du lịch nước ngoài (outbound) có chi phí thấp và có sức hút về mặt sản phẩm, điểm đến mới lạ nên cũng đang ngày càng hấp dẫn khách Việt.

Từ xu hướng và lựa chọn trên của du khách cho thấy du lịch nội địa đang gặp khó chứ không quá lạc quan.

Để giải quyết bài toán này, thực tế đã có rất nhiều hội thảo, cuộc họp, phương án bàn về kết nối giữa hàng không và du lịch với mục đích chính là kết nối để hàng không có giá vé máy bay thấp hơn, hợp lý hơn, kích cầu du lịch nội địa. Nhưng bài toán này không dễ trong bối cảnh hàng không cũng đang bị lỗ và chưa khỏe lại từ sau dịch COVID-19; tình trạng thiếu máy bay…

Liên kết giữa hàng không và du lịch là yếu tố quan trọng góp phần giảm chi phí du lịch nội địa. Tuy nhiên, để kích cầu du lịch nội địa cũng cần thêm sự liên kết giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng du lịch, như tạo những combo từ vé tham quan, nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm dịch vụ… Bởi ai cũng dễ dàng nhận thấy chính sách giá bán theo combo trọn gói không chỉ giúp sản phẩm du lịch có giá mềm hơn mà còn kích cầu mua sắm, tiêu dùng ở từng điểm đến nơi du khách đặt chân tới.

Chẳng hạn, khi tới Bảo Lộc (Lâm Đồng), du khách sẽ được trải nghiệm sản phẩm mới là ngoài tham quan phong cảnh còn được trải nghiệm thực hành sản xuất nông nghiệp - tìm hiểu về trà, văn hóa trà, mua sắm trà; tìm hiểu văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số… Khi liên kết được các chuỗi từ điểm tham quan, điểm mua sắm, điểm sản xuất nông nghiệp sẽ giúp tour sinh động. Làm du lịch, chúng ta không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả câu chuyện văn hóa cho khách.

Để liên kết vùng, liên kết giữa các ngành đạt hiệu quả nhất thiết phải có một đầu mối để có thể huy động nguồn lực từ cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương ở các điểm đến… Nếu mỗi nơi có một đầu mối linh hoạt gắn kết chuỗi cung ứng giúp tạo sức sống, sức hấp dẫn cho điểm đến thì du lịch nội địa không khó để bứt phá cũng như ngày càng phát triển bền vững. Làm được điều này, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xúc tiến du lịch rất quan trọng vì sản phẩm du lịch phải được quảng bá tới du khách trong nước và quốc tế.

Thái Phương ghi

TS DƯƠNG ĐỨC MINH (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Du lịch TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/muon-an-chung-phai-lam-cung-196240731213849949.htm