Những mô hình hay để xóa nghèo ở các huyện khó khăn tỉnh Nghệ An

Những mô hình hỗ trợ thoát nghèo của tỉnh Nghệ An giúp người dân được mạnh dạn thay đổi tư duy, suy nghĩ của bản thân về phát triển kinh tế.

Tương Dương là một trong những huyện nghèo của tỉnh Nghệ An. Nhờ những các chương trình, dự án với nhiều mô hình hỗ trợ thoát nghèo của tỉnh, người dân nơi đây như được tiếp thêm động lực, mạnh dạn thay đổi tư duy về phát triển kinh tế.

Điển hình là mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ hiệu quả của ông Tống Văn Chiến ở vùng Bãi Sở, xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Mô hình này đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Chiến kể cách đây hơn 10 năm, người quen ở Bình Thuận cho ông 15 gốc cây thanh long về trồng thử, thấy hiệu quả nên ông nhân rộng. Bà con trong làng thấy giá trị cao nên cũng đã theo đó mà trồng.

Bãi Sở từ một vùng đất cằn cỗi, nghèo nàn, một nửa dân làng phải ly quê đi nơi khác để mưu sinh, giờ đây đã trở thành mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp. Mỗi năm, Tam Quang bán được hơn 120 tấn thanh long ruột đỏ, trong đó chủ yếu từ Bãi Sở. Đến nay, diện tích thanh long ruột đỏ tại làng Bãi Sở đã tăng lên 10 ha, năng suất 7 tấn/ha, với khoảng 55 hộ tham gia.

Tương tự, ở xã Tri Lễ, huyện nghèo Quế Phong có gia đình ông Lỳ Nỏ Pó, dân tộc Mông ở bản Na Niếng là điển hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Được hỗ trợ về vốn, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, mô hình chăn nuôi và trồng rừng đã mang lại thu nhập bình quân 200-300 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông Pó. Hiện, tổng đàn trâu, bò, ngựa của gia đình ông lên đến hơn 100 con.

Ngoài ra, ông còn khai hoang diện tích đất trống để trồng lúa nước tại bản Pà Khốm, xã Tri Lễ. Với năng suất đạt từ 45-47 tạ/ha, mô hình này đã đem lại thu nhập khoảng 25-27 triệu đồng mỗi năm. Từ khi có "của ăn của để", ông Pó đã hỗ trợ 15 hộ nghèo trong vùng con giống, lúa và cho vay tiền không lấy lãi để phát triển kinh tế, cùng nhau thoát nghèo.

Người dân Nghệ An được chính quyền quan tâm, hỗ trợ, đồng hành phát triển các sản phẩm nông nghiệp.

Người dân Nghệ An được chính quyền quan tâm, hỗ trợ, đồng hành phát triển các sản phẩm nông nghiệp.

Tại huyện miền núi Quỳ Hợp, hơn 50% dân số là người dân tộc thiểu số, 2/3 số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của Quỳ Hợp hiện còn 11,68%, hộ cận nghèo là 15,74%.

Huyện đã triển khai dự án hỗ trợ bê cái lai Sind (là giống bò lai tạo từ con đực Red Sindhi thuần với bò cái vàng Việt Nam) tại 3 xã Văn Lợi, Hạ Sơn, Yên Hợp thuộc dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Trước đó, việc lựa chọn đối tượng nuôi đã được thông qua các cuộc họp xóm, bản và thống nhất của cấp có thẩm quyền. Tổng cộng 3 xã có 165 hộ nghèo và cận nghèo tham gia dự án, mỗi hộ được cấp 1 con bê cái Lai Sind trọng lượng mỗi con đạt từ 125kg trở lên. Trước khi nhận bê, các hộ dân đã được tập huấn đầy đủ quy trình kỹ thuật chăn nuôi và chuẩn bị điều kiện đầy đủ về chuồng trại, đất trồng cỏ làm thức ăn.

Năm 2024, sau thời gian được nuôi dưỡng, đàn bê tăng trưởng khá tốt. Hiện nay hầu hết bê cái đã mang thai hoặc đang trong giai đoạn chờ phối giống. Tại xã Yên Hợp, một hộ dân chăn nuôi thành công, bò đã sinh sản cho bê con.

Huyện Quỳ Hợp cho biết mục tiêu chính của dự án là giúp người dân có thêm tư liệu sản xuất, kiến thức kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, thay đổi dần tập quán chăn nuôi cũ, góp phần đã dạng hóa nguồn giống, tăng tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện. Đồng thời, người nghèo có cơ hội nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.

UBND tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu trong năm 2024 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2-3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%. Ước tính đến năm 2025, toàn tỉnh còn 28.963 hộ nghèo, tỷ lệ 3,13%.

Năm 2024, tỉnh Nghệ An lên kế hoạch hỗ trợ hơn 95,6 tỉ đồng để xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Tỉnh đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất. Nghệ An cũng chú trọng hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp...

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-mo-hinh-hay-de-xoa-ngheo-o-cac-huyen-kho-khan-tinh-nghe-an-2319351.html