Muôn 'chiêu' thoát lỗ của doanh nghiệp khi kinh doanh gặp khó
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh chính gặp khó khăn do thị trường chung, các doanh nghiệp buộc phải nghĩ kế sách xoay sở để bức tranh tài chính không quá u ám.
HAG lãi từ giao dịch mua rẻ
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) ghi nhận doanh thu đạt 1.450 tỷ đồng trong quý 2/2023, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 102 tỷ đồng, giảm 62%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 14,3%, xuống còn 12,8%.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), công ty ghi nhận lỗ 259 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 160 tỷ đồng. Công ty thoát lỗ chủ yếu do ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến. Nguyên nhân chủ yếu là lãi từ giao dịch mua rẻ Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven. Công ty này được HAG mua cổ phần nâng sở hữu lên 98% từ ngày 1/4/2023.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 3.147 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 405 tỷ đồng, giảm 23%. Công ty vẫn còn lỗ lũy kế 2.947 tỷ đồng.
DIG thoát lỗ nhờ khoản phạt vi phạm hợp đồng
Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) đạt doanh thu thuần hợp nhất 161 tỷ đồng trong quý 2/2023, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là doanh thu kinh doanh bất động sản chỉ đạt 33 tỷ đồng, giảm tới 91%.
Trong kỳ, công ty có thêm 28 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 12%. Tuy nhiên, chừng đó là không đủ để bù đắp cho các loại chi phí: Chi phí tài chính 22 tỷ đồng (giảm 82%), chi phí bán hàng 9 tỷ đồng (giảm 35%), chi phí quản lý 34 tỷ đồng (giảm 17%).
Kết quả, DIG lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi thuần 87 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên DIG có quý lỗ thuần trong vòng 2 năm qua.
Tuy nhiên, công ty có được khoản lãi khác 22 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ, từ phạt vi phạm hợp đồng 18 tỷ đồng. Nhờ đó, DIG đã có thể kết thúc quý 2/2023 với khoản lãi sau thuế 9 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của DIG đạt 358 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ 2022; lãi sau thuế 85 tỷ đồng, giảm 40%.
MWG mang tiền đi gửi lấy lãi
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) thoát lỗ nhờ lãi tiền gửi. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất trong quý 2 của công ty chỉ đạt 29.465 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt tới 34.338 tỷ đồng; tỷ lệ giảm là 14%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 21,4% xuống chỉ còn 18,5%.
Với lợi nhuận gộp đạt 5.441 tỷ đồng, nếu trừ đi 397 tỷ đồng chi phí tài chính, 5.211 tỷ đồng chi phí bán hàng và 229 tỷ đồng quản lý doanh nghiệp thì MWG sẽ lỗ lớn. Tuy nhiên nhờ khoản doanh thu tài chính 585 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ, công ty vẫn có lãi 17 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính của MWG chủ yếu là lãi tiền gửi. Doanh nghiệp do ông Nguyễn Đức Tài dẫn dắt khá khôn ngoan khi tận dụng bối cảnh lãi suất cao để đưa số dư tiền gửi lên gần 21.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2. Con số này đã tăng 4.000 tỷ so với cuối quý 1 và cao hơn 11.000 tỷ so với cuối năm 2022.
Cộng thêm hơn 3.400 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, MWG sở hữu tới hơn 1 tỷ USD tiền mặt, gia nhập top 10 doanh nghiệp sở hữu tiền mặt lớn nhất trên sàn chứng khoán.
HBC, TLH thanh lý tài sản
Lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) đạt 546 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Do quý 1 thua lỗ nên lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 101 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt gần 2.300 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước nhưng biên lợi nhuận gộp bất ngờ lên tới 18%, so với mức trung bình các quý chỉ dao động quanh mức 6-9%.
Mặc dù sự đột biến này tạo ra mức lợi nhuận gộp tăng gấp đôi lên 423 tỷ đồng, nhưng công ty vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 70 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc doanh thu tài chính giảm và chi phí quản lý bán hàng tăng mạnh do trích lập dự phòng phải thu khó đòi 317 tỷ đồng.
Nhờ 673 tỷ đồng lợi nhuận khác, HBC mới có lãi. Đây là thu nhập từ thanh lý tài sản cố định là các máy móc, thiết bị.
Giống Hòa Bình, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) cũng thoát lỗ nhờ bán tài sản cố định. Công ty ghi nhận doanh thu quý 2/2023 đạt 1.233 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng cao nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 38 tỷ đồng, giảm 73%.
Sau khi cộng thêm doanh thu tài chính 5 tỷ đồng và trừ đi các loại chi phí, TLH ghi nhận lỗ gần 4 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 35 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh nghiệp thép đã thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác tăng mạnh, ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thuyết minh, thu nhập khác tăng đột biến chủ yếu do ghi nhận hơn 10 tỷ đồng liên quan đến thu nhập từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định.
L14 đầu tư chứng khoán
Doanh thu của CTCP Licogi 14 (L14) trong quý 2 chỉ đạt hơn 13 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo đó lợi nhuận gộp giảm hơn 90%, xuống chỉ còn vỏn vẹn 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính của Licogi 14 trong quý 2/2023 lại tăng đột biến hơn 467%, lên mức 5,4 tỷ đồng. Trong đó lãi từ tiền gửi, cho vay gần 2,5 tỷ đồng và lãi từ đầu tư chứng khoán gần 3 tỷ đồng.
Kết quả, Licogi 14 ghi nhận lãi ròng ở mức 5 tỷ đồng trong quý 2/2023, so với mức lỗ 33 tỷ đồng của quý 2/2022. Theo giải trình của Licogi 14, công ty đã “xem xét cân nhắc kỹ dùng một phần vốn hợp lý đầu tư vào một số mã chứng khoán có tiềm lực, có nền tài chính ổn định, uy tín trên thị trường, và xác định thời điểm chốt lời để đạt được một phần lợi nhuận trong quý 2/2023”.
Tính tới cuối quý 2/2023, L14 có 134 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng 168% so với đầu năm. Giá trị đầu tư chứng khoán là 32,3 tỷ đồng, so với cuối quý 1 không ghi nhận. Như vậy, sau một quý rời khỏi thị trường chứng khoán, Licogi 14 đã quay trở lại. Cuối năm 2021, Licogi 14 từng ghi nhận khoản đầu tư chứng khoán lên tới 486 tỷ đồng, tập trung vào 2 mã CEO và DIG.