Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện

Ngày 12/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững và sẵn sàng cho những bước tiến xa hơn trong thời kỳ mới.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP quý IV từ 7,4 - 7,6% và cả năm trên 7%. Đồng thời, yêu cầu các cấp quán triệt và thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với giữ vững ổn định vĩ mô và hoàn thành 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024.

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến kinh tế quốc tế và khu vực, đồng thời điều chỉnh kịp thời các chính sách để duy trì ổn định nền kinh tế.

Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp vào năm 2025.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được chỉ đạo chủ động điều hành tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro và đẩy mạnh tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ nhấn mạnh vai trò của đầu tư công trong việc xây dựng hạ tầng chiến lược. Các bộ, ngành và địa phương phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt với các dự án trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ phối hợp đánh giá các dự án cần kéo dài thời gian phân bổ vốn, báo cáo trước ngày 30/11/2024.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo và điện năng. Để bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực quốc gia, các bộ phải theo dõi cung cầu hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu và thực phẩm.

Bộ Công Thương được chỉ đạo tăng cường quản lý thương mại điện tử, thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài.

Chính phủ tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh doanh mới. Các bộ, ngành được yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược dữ liệu quốc gia, đồng thời đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chuyển mạnh sang cấp phép tự động và cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.

Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan tích cực xử lý những khó khăn, vướng mắc trong các dự án kinh tế yếu kém kéo dài nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và tăng cường an ninh lương thực quốc gia. Các bộ, ngành phải chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị ảnh hưởng. Các chính sách an sinh xã hội cũng được ưu tiên, bao gồm hỗ trợ giảm nghèo và bảo đảm cung cầu lao động. Chính phủ đặt mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025.

Chính phủ đề cao công tác chống tham nhũng và tiêu cực, đồng thời phòng chống lãng phí trong quản lý tài sản công và thực hiện ngân sách. Thanh tra Chính phủ được giao tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc kéo dài, phức tạp để ngăn ngừa "điểm nóng". Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan phối hợp bảo vệ ngư dân trên biển, xử lý vi phạm khai thác hải sản trái phép.

Để tạo đồng thuận xã hội và động viên người dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh tuyên truyền tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về khơi thông nguồn lực phát triển đất nước. Các cơ quan truyền thông cần tập trung lan tỏa thông tin tích cực, biểu dương các điển hình tiên tiến, đồng thời phản bác các thông tin sai lệch và luận điệu xuyên tạc.

Chính phủ cũng chú trọng tăng cường hội nhập quốc tế, khai thác các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và các khoản đầu tư FDI chất lượng cao.

Bộ Công an, Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất miễn thị thực cho một số quốc gia nhằm thúc đẩy du lịch, đầu tư. Các bộ, ngành cũng phải theo sát tình hình chính trị, quân sự khu vực và quốc tế để chủ động đối phó các nguy cơ, giữ vững an ninh quốc gia.

P.L

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/quyet-tam-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-va-phat-trien-toan-dien-157786.html