'Muốn cho hàng xóm vuông tròn...'

Ngày làm lễ nhập trạch đến nơi rồi mà cái cột tai ương ấy vẫn đứng chềnh ềnh ở chính giữa, phía trước sát cửa nhà, còn người làm sai thì cố tình chây ỳ. Chị Hằng không còn đủ kiên nhẫn nữa. Chị lên thẳng trụ sở tổ dân phố, gặp ông tổ trưởng:

- Báo cáo bác! Em cũng nghĩ “vắng anh em xa có láng giềng gần” nên đã nghe các bác, kiên trì ngọt nhạt thuyết phục. Thế nhưng ông ấy bảo, đất của công, không liên quan đến nhà ai, ông ấy không tháo dỡ... Còn 5 ngày nữa là em nhập trạch, bác xem thế nào, giúp em với...

Ông tổ trưởng lần lại sự vụ... Cái ngõ ấy là lối đi chung của 10 hộ gia đình cùng vừa được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất. Ông Hưng, người ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) mới chuyển hộ khẩu thường trú về đây, là chủ thửa đất ở trong cùng. Ông Hưng làm nhà trước tiên và tự cho mình cái quyền đua mái tôn ra che hết phần ngõ chung ở trước nhà ông, sang cả phần đất của chị Hằng đối diện qua con ngõ. Mái tôn ấy được chống bằng cái cột bê tông.

Chị Hằng, dân sở tại, là người thứ hai trong ngõ ấy làm nhà. Ngay từ đầu, chị nhắc ông Hưng dỡ bỏ phần mái tôn mà ông đua ra trái phép, nhưng ông Hưng chỉ xén phần lấn sang khoảng không trên thửa đất nhà chị, còn để nguyên phần che lối đi và cái cột bê tông đỡ mái. Lãnh đạo tổ dân phố đã gặp, vận động hai gia đình bảo nhau cùng giải quyết sự vụ thấu tình đạt lý nhằm xây dựng tình dân nghĩa phố lâu bền. Vậy mà...

Không thể chần chừ. Ông tổ trưởng mời đồng chí Chi ủy viên-Trưởng ban Công tác mặt trận của tổ dân phố cùng gặp ông Hưng và chị Hằng tại hiện trường vụ việc. Nghe phân tích kỹ của cán bộ tổ dân phố, ông Hưng dù biết rõ là mình vi phạm luật về đất đai và quyền sử dụng đất, cũng như sự thiếu đàng hoàng trong cư xử với láng giềng, song vẫn tỏ ra kiên quyết không sửa sai. Ông kể lể mình tốn kém bao nhiêu tiền của, công sức vào cái mái tôn ấy. Ý ông là, chị Hằng phải đưa cho ông một khoản tiền, gọi là bồi thường tài sản! Ông còn đưa đẩy với giọng nói đậm chất thách thức: “Tôi làm việc ở ngành thanh tra trên trung ương nên cũng bận, chưa thể sắp xếp thời gian để thu xếp việc này”, rồi “có mấy anh em được việc lắm, nhưng chúng nó đang xử lý sự vụ ở xa. Chúng nó về thì sẽ đâu vào đấy”...

Ông tổ trưởng vốn là người từng trải, nói chắc nịch:

- Ông Hưng ạ! “Mấy anh em được việc” ấy là quan hệ riêng của ông với họ. Chúng tôi chỉ quan tâm khi họ liên quan đến tổ dân phố này. Giống như chúng tôi xử lý hai côn đồ ăn vạ ở chốt phòng, chống dịch Covid-19 hồi đại dịch giữa năm ngoái. Sự vụ ấy đã được nhiều người biết. Chúng tôi được cấp trên khen thưởng vì đã góp phần thiết thực, hiệu quả vào phòng, chống dịch, còn vụ này, chúng tôi cũng chỉ “Muốn cho hàng xóm vuông tròn/ Đói-no, sướng-khổ, mất-còn có nhau” như truyền thống của bà con nơi đây...

Ông Hưng bỗng đổi giọng: “Là tôi có mấy anh em thường hay ăn cơm với nhau thôi mà”, song vẫn không sửa sai.

Ngay hôm sau, Đội Quản lý trật tự đô thị của phường thông báo cho ông Hưng nội dung: Trong vòng 3 ngày tới, nếu ông không tiến hành dỡ bỏ phần mái tôn và cây cột dựng trái phép thì cơ quan chức năng của phường sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Sự vụ cũng sẽ được thông báo tới cơ quan nơi ông đang công tác để phối hợp giải quyết những nội dung liên quan!

Và, trước hạn chót, ông Hưng đã tự sửa sai. Chị Hằng, nhân tiện cánh thợ đang hoàn thiện nhà, đã cho họ sang tháo dỡ mái tôn giúp ông Hưng. Chị mua chục quả bưởi Diễn để anh em ăn, nói chuyện cho vui vẻ. Lúc cùng với ông Hưng đào cột bê tông, chị nói chân thành: “Bác ngại thì để tôi có ý kiến với phường cho. Chứ nếu họ gửi giấy thông báo việc này về cơ quan bác thì chẳng hay ho gì. Mà tôi cũng buồn”. Ông Hưng nhìn chị Hằng, bảo chị tránh ra để một mình ông vác cái cột, “kẻo phụ nữ chân yếu tay mềm khiêng cột bê tông, nhỡ trượt ngã thì khổ”...

PHAN GIA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/muon-cho-hang-xom-vuong-tron-715304