Muốn có kiến thức thì phải học đều

Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh Đồng Nai và cả nước sẽ thi theo phương án mới vừa được Bộ GD-ĐT công bố. Sự thay đổi này liên quan đến quá trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 và đến năm 2025 sẽ có lứa học sinh hoàn thành chương trình mới này.

Các em học sinh lớp 11 Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa). Đến năm 2025, các em sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới. Ảnh: C.Nghĩa

Các em học sinh lớp 11 Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa). Đến năm 2025, các em sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới. Ảnh: C.Nghĩa

Theo Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ban hành ngày 28-11-2023, từ kỳ năm 2025 trở đi, thí sinh chỉ phải thi 4 môn. Cụ thể, sẽ có 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học trong chương trình lớp 12.

* Giảm áp lực

Phương án thi tốt nghiệp THPT mới (2+2, 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn) được Bộ GD-ĐT công bố đã chấm dứt những “tranh cãi” nên chọn phương án thi nào, dù trước đó Bộ GD-ĐT từng đưa ra 2 phương án thi khác để lấy ý kiến các địa phương và chuyên gia giáo dục. Cụ thể, phương án 1 (3+2), thí sinh thi 3 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ cùng với 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Còn phương án 2 (4+2), thí sinh thi bắt buộc các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử cùng với 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Với phương án thi cũ, thí sinh sẽ phải thi trong 4 buổi (2 ngày) và có buổi chỉ phải thi một bài tự chọn nhưng lại có tới 3 môn trong 1 bài nên khá áp lực. Chính vì vậy, khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi mới, nhiều trường rất ủng hộ.

Là người ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT mới 2+2, Hiệu trưởng Trường THPT Bàu Hàm (H.Trảng Bom) Hoàng Văn Bắc cho rằng: “Nhìn vào số lượng môn thi trong phương án thi mới, tôi thấy “nhẹ cả người”. Chắc chắn nhà trường, thí sinh và xã hội sẽ không còn phải chịu áp lực quá lớn của kỳ thi được thực hiện theo phương án mới này nữa”.

* Thi 4 môn vẫn phải học đủ chương trình

Học sinh đang học lớp 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 sẽ là lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới vào năm 2025. Phương án thi mới được kỳ vọng có thể làm thay đổi việc dạy và học ở các trường THPT, nhất là với những môn trước đây là môn thi bắt buộc, nay đã trở thành môn tự chọn. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia giáo dục còn kỳ vọng sẽ giảm được tình trạng học thêm, dạy thêm. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo lắng, khi đưa môn Ngoại ngữ từ bắt buộc chuyển thành môn tự chọn sẽ khiến cho quá trình dạy và học mất đi động lực cần thiết.

Quy định của Bộ GD-ĐT là thi ít môn nhưng quá trình học luôn phải đảm bảo đủ chương trình quy định. Thí sinh muốn có xếp hạng tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi thì phải học đều và đủ tất cả các môn. Lý do là bởi khi xét tốt nghiệp THPT, điểm học bạ của quá trình 3 năm học THPT sẽ quyết định đến 30% khả năng tốt nghiệp, 70% còn lại là điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, nếu điểm số học bạ của các môn thấp sẽ kéo giảm tỷ lệ 30% điểm xuống, chẳng những ảnh hưởng đến xếp loại xét tốt nghiệp mà có thể trượt tốt nghiệp THPT vì điểm học bạ thấp.

Là phụ huynh có con đang học lớp 11 tại Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa), chị Lê Thục Anh cho rằng: “Phương án thi mới, môn Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc nhưng tôi vẫn khuyến khích con học tiếng Anh một cách nghiêm túc, bởi ngày nay không “rành” ngoại ngữ sẽ là thiệt thòi. Hơn nữa, môn Ngoại ngữ dù không nằm trong các môn bắt buộc thi tốt nghiệp nhưng khi đi làm doanh nghiệp có thể vẫn đòi hỏi nhân viên phải có”.

PGS-TS HUỲNH VĂN CHƯƠNG, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, mặc dù phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn nhưng các cơ sở giáo dục phải thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của từng môn học. Cùng với đó, việc xét tốt nghiệp THPT yêu cầu phải có kết quả học tập của tất cả các môn học qua việc đánh giá quá trình.

Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Thọ (xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc) Vũ Ngọc Cường cho hay, Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 có tính định hướng, nghĩa là ngay từ đầu lớp 10 các em đã được quyền lựa chọn theo ban tự nhiên hay xã hội để hướng đến lựa chọn nghề nghiệp sau này. Do đó, giảm môn thi bắt buộc và các em được lựa chọn 2 trong số nhiều môn tự chọn đang học là rất hợp lý.

Tuy nhiên, nhà trường sẽ định hướng để các em học toàn diện theo tinh thần học để vận dụng chứ không phải là học để thi. Chẳng hạn, môn tự chọn Lịch sử, Địa lý dù không thi nhưng đây là những môn học làm giàu kiến thức cho bản thân nên rất cần học nghiêm túc. Hay môn Ngoại ngữ, muốn hội nhập buộc phải học thì mới giao tiếp được khi bước vào môi trường toàn cầu.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202312/muon-co-kien-thuc-thi-phai-hoc-deu-5705a1f/