Muộn còn hơn không

Vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng mới đây chỉ là giọt nước tràn ly trước thực trạng vấn nạn bạo hành đang diễn ra phức tạp, nhức nhối trong xã hội.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Theo ghi nhận tại tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, thời gian qua, các tư vấn viên nhận trung bình 30.000 cuộc gọi mỗi tháng chủ yếu liên quan đến bạo lực trẻ em trong các gia đình gồm cả đánh đập và bạo hành tinh thần.

Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thừa nhận, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hàng nghìn trường hợp bạo hành trẻ em, trong đó không ít trường hợp thương tích nặng hoặc thậm chí tử vong. Các hình thức bạo hành phổ biến bao gồm bạo lực thể chất, tinh thần, xâm hại tình dục và bỏ mặc trẻ. Trong đó, bạo lực thể chất chiếm tỉ lệ cao với nhiều vụ trẻ em bị đánh tại các cơ sở mầm non hoặc ngay ở gia đình mình.

Những hành động bạo lực, xâm hại trẻ em là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em và càng không bao giờ được phép xảy ra trong một cơ sở có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là nuôi dưỡng các cháu nhỏ. Tuy nhiên, bạo lực, xâm hại trẻ em có xu hướng tăng đột biến những năm gần đây, dù các cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở chăm sóc trẻ em. Còn nhiều vụ việc nghiêm trọng mà cơ quan chức năng chưa phát hiện ra bởi hành vi che giấu tinh vi của các đối tượng vi phạm pháp luật.

Theo chuyên gia, hành vi bạo hành rất khó phát hiện, có thể diễn ra ở từng ngôi nhà, sau mỗi cánh cửa, trong đêm tối... Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bất luận trẻ em được chăm sóc ở đâu, đều phải có nhân viên công tác xã hội chăm sóc, kiểm tra thường xuyên. Nếu không có đội ngũ nhân viên công tác chuyên nghiệp hoặc đội ngũ cán bộ các tổ chức chính trị xã hội được đào tạo về công tác xã hội và được giao trách nhiệm như các nhân viên công tác xã hội thì rất khó để giám sát, phát hiện sớm những trường hợp trẻ có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực bởi chính những người có trách nhiệm.

Trong khi đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chuyên nghiệp để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại hàng nghìn cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có chăm sóc trẻ em trên phạm vi toàn quốc. Qua các vụ bạo hành trẻ còn có nguyên nhân các cơ sở chăm sóc trẻ nhận nuôi dưỡng trẻ vượt năng lực chăm sóc dẫn đến trẻ không an toàn, không được chăm sóc đầy đủ. Theo quy định, các chủ cơ sở trợ giúp xã hội khi tiếp nhận trẻ phải lập danh sách báo cáo cơ quan chức năng để điều tiết, điều phối chuyển tuyến, hoặc phối hợp với chính quyền địa phương chuyển trẻ về với gia đình gốc hoặc tìm gia đình nuôi dưỡng thay thế. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này chưa được nghiêm. Đáng lo ngại, hiện nay có không ít cơ sở trợ giúp xã hội giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng xã hội, không muốn chuyển trẻ đi cơ sở khác.

Để không tái diễn các trường hợp đau lòng như vụ việc Mái ấm Hoa Hồng, dư luận cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý, đặc biệt là sự giám sát thường xuyên của chính quyền, cơ sở nuôi dạy và chăm sóc trẻ, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng và tăng cường dịch vụ bảo vệ trẻ em qua hệ thống camera nội bộ nhằm phát hiện sớm các trường hợp bạo hành, ngược đãi trẻ. Song song giải pháp nâng cao nhận thức của người chăm sóc trẻ, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ lực lượng lao động này có môi trường làm việc thuận lợi và cải thiện thu nhập.

Bên cạnh đó, để giữ an toàn cho trẻ em, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng ngoài tăng cường xử lý vi phạm hành chính cần kiên quyết xử lý hình sự đối với tất cả các trường hợp vi phạm quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em. Như vậy, pháp luật mới có đủ sức răn đe và giáo dục.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/muon-con-hon-khong-post480948.html