Mượn 'đôi cánh' FDI để bước vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu
Công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực Việt Nam tập trung ưu tiên phát triển, với mong muốn tương lai không xa sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Hiện, Việt Nam đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, dựa trên 'đôi cánh' của họ để đạt được mục tiêu đó.
Nhiều “ông lớn” FDI rót vốn vào lĩnh vực bán dẫn
Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 4,29 tỷ USD. Có 405 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, dòng vốn FDI rót mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn. Ông Lê Hữu Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội đồng Thành viên - Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC), đánh giá nguồn vốn FDI vào Việt Nam không chỉ có sự tăng về lượng mà quan trọng hơn là sự tăng trưởng về chất, khi có xu hướng dần tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn - ngành mà Chính phủ đang rất chú trọng và ưu tiên phát triển trong thời gian tới.
Chú trọng phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng được đặt ra mục tiêu là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Tới đây, Samsung sẽ tăng cường hợp tác với NIC để vận hành phòng lab về đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và đào tạo nhân tài công nghệ cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo thông tin từ ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), chia sẻ thời gian qua, có nhiều tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Điển hình, Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP. Hồ Chí Minh, với tổng trị giá đầu tư tới 4 tỷ USD. Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương, với tổng vốn 1 tỷ USD…
Đặc biệt, Samsung đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại của tập đoàn về Việt Nam. Hiện 60% sản lượng điện thoại thông minh của hãng này bán ra trên toàn thế giới là đang được sản xuất tại nước ta.
Mới đây chia sẻ với báo giới, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - ông Choi Joo-ho cho biết, Samsung vẫn liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và trong năm qua đã đầu tư thêm khoảng 1,2 tỷ USD… Bên cạnh đó, hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing, Google, Walmart cũng đã thông báo tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại nước ta.
Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết thêm, hiện có rất nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ quan tâm và muốn chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam với các lĩnh vực ngành nghề mà chúng ta có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, trong đó có bán dẫn.
Xây cơ chế, tạo sức hút khó khước từ
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, kết cấu hạ tầng số ngày một phát triển…
Trên thực tế, để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, nước ta đã xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023; đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.
Đáng chú ý, vừa qua, Quốc hội đã ra nghị quyết, giao Chính phủ xây dựng nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, bán dẫn là ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, máy móc hiện đại, quy trình chuẩn mực, công suất đủ lớn và chi phí rất cao, đội ngũ nhân lực cùng chuyên gia trình độ cao.
Trong khi đó, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì thực lực của Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Năng lực vốn đầu tư của các doanh nghiệp yếu khi đa phần chỉ có quy mô vừa và nhỏ, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.
Do đó, để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, Việt Nam cần dựa vào các “ông lớn” FDI, tận dụng đôi cánh của họ, trở thành công xưởng, trung tâm của thế giới về bán dẫn. Vì lẽ đó, “chúng ta cần tạo ra những cơ chế hấp dẫn để thu hút đầu tư, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ. Sau đó cần có giải pháp để hấp thụ dòng vốn đầu tư chất lượng cao, phải tạo ra hệ sinh thái trong phát triển công nghiệp bán dẫn” - ông Lê Hữu Quang Huy nhấn mạnh.
Trước mắt, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; hỗ trợ và thúc đẩy các trường đại học lớn nghiên cứu chuyên môn, phát triển các ngành chuyên sâu về các lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị bán dẫn như: công nghệ thiết kế vi mạch, công nghệ laser, công nghệ diot phát quang…; khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp phát triển các nghiên cứu về công nghệ lõi và phát triển nguồn lực phục vụ cho nhà máy sản xuất.
Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng cơ chế thông thoáng, lợi ích lâu dài để thu hút, tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài; chính sách hỗ trợ trong các nghiên cứu công nghệ lõi, chính sách ưu tiên trong đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn…
Được biết, để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), đã ký hợp tác với 2 tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ về thiết kế chip là Synopsys và Cadence để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn.
Đồng thời, bộ này phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp với các viện nghiên cứu lớn của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để đặt các văn phòng đại diện, văn phòng nghiên cứu tại NIC.
Sẵn sàng đón "sóng" FDI
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay khi vào Việt Nam chính là khả năng cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Thực tế, thời gian qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã có sự phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện khả năng cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Nhờ đó, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện đạt khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, có hơn 100 doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia; 700 doanh nghiệp cung ứng cấp hai, cấp ba...
Tuy nhiên, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá là chưa cao, vẫn đang nằm ở phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng, mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa được chặt chẽ...
Vì vậy, để đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nước ta cần tập trung cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cung ứng thông qua các chương trình đào tạo, các giải pháp về vốn, công nghệ. "Bộ, ngành chức năng cần tạo ra nhiều chương trình kết nối hơn nữa cho doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn quốc tế; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại" - ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) kiến nghị.