Muốn đủ điện, truyền tải và công suất phải song hành

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chiều ngày 6 và sáng ngày 7/11, các vấn đề liên quan đến phát triển ngành điện là một trong những lĩnh vực nhận được nhiều chất vấn, tranh luận nhất. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng dành toàn bộ thời gian cho giải trình của Chính phủ để làm rõ thêm về vấn đề này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự án điện khí Bạc Liêu: Bộ Công thương chưa tích cực?

Dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng Bạc Liêu là một trong những chủ đề nóng ở phiên chất vấn này. Được báo cáo từ 18 tháng trước và đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. “Vì sao có sự chậm trễ như vậy và bao giờ dự án này mới triển khai được”, Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ “đã thực hiện rất khẩn trương” và có hai lần báo cáo Chính phủ về bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực. Báo cáo mới đây nhất vừa gửi Chính phủ vào cuối tháng 10. Chính phủ sẽ xem xét sau khi có tổng hợp theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về luật pháp và sẽ xem xét bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện thời gian tới.

Cho rằng đây là một dự án quan trọng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các thủ tục đầu tư, ý kiến từ Chính phủ, UBTVQH đã đầy đủ, nhưng tới bây giờ vẫn nói chung chung là sẽ xem xét thì rất khó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng cho biết là từ giờ tới cuối năm có giải quyết được dự án này hay không?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ cũng rất mong muốn là sớm có được quyết định để tổ chức triển khai dự án vì trên thực tế đã thiếu điện và đang rất cần. “Tôi chắc cũng không thể nói được là thời điểm nào cho triển khai bởi vì việc này sẽ đợi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ cho ý kiến và sau đó thì chúng ta sẽ triển khai theo đúng quy định và tôi hy vọng sẽ sớm được thực hiện vào đầu năm 2020, đó là theo hiểu biết của tôi”, ông nói.

Nhiều đại biểu sau đó vẫn tranh luận gay gắt về dự án này và cho rằng dự án chậm do Bộ Công thương chưa tích cực. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, dự án này hoàn toàn đủ điều kiện để sớm bổ sung vào quy hoạch điện VII ngay trong năm nay chứ không cần kéo dài.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) khẳng định, dự án không vướng Luật Quy hoạch nhưng Bộ Công thương đã không tích cực triển khai. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chúng ta đã thất bại với dự án Nhiệt điện Long Phú, phải tập trung vào Dự án điện Bạc Liêu để phục vụ cho đồng bằng sông Cửu Long”… Trả lời sau đó, Bộ trưởng Công thương cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ rà soát lại.

Giải trình bổ sung sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, đây là dự án nằm trong các cụm điện khí (8 cụm dự án mà Bộ Công thương đã báo cáo), gắn với phát triển các kho, cảng khí. Nhà đầu tư đề nghị xây dựng dự án với tổng công suất 3.200 MW nhưng Bộ Công thương mới trình bổ sung 800 MW, nên khó khăn trong lập quy hoạch tổng thể, đặc biệt về cảng, kho khí. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương xem xét kỹ để bổ sung quy hoạch tổng thể cụm này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có thể đầu tư đồng bộ.

“Về vấn đề khí có thể làm từng giai đoạn nhưng cảng, kho khí phải làm trước… Chúng ta cần phải đầu tư một cách hệ thống như vậy. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là rất ủng hộ những dự án đầu tư điện khí, đặc biệt là khu vực phía Nam để chúng ta bù đắp lại những phần thiếu hụt, giảm việc vận tải điện từ Bắc vào Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Truyền tải điện và giải tỏa công suất điện mặt trời

Nhiều đại biểu cũng nêu thực trạng các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời được cấp phép và triển khai quá nhiều trong thời gian vừa qua trong khi hạ tầng truyền tải điện không đáp ứng được dẫn đến các DN phải cắt giảm công suất trong khi đất nước vẫn đối mặt với thiếu điện và đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ dài hạn để xử lý tình trạng này.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, khi xây dựng cơ chế thì mục tiêu đặt ra là tiếp tục tạo ra một môi trường thí điểm để có cơ hội tổng kết và tiếp tục phát triển điện sạch, bao gồm điện mặt trời và điện gió. “Trong quá trình triển khai thực hiện, đúng là đã có sự chủ quan, đánh giá không hết về khả năng, năng lực trong triển khai thực hiện dự án đầu tư về điện mặt trời. Vì vậy, trong một thời gian rất ngắn, với sự hấp dẫn cơ chế của Quyết định 11 thì có sự phát triển bùng nổ, có tới gần 5.000MW điện mặt trời được hình thành và tham gia thị trường phát điện tới cuối tháng 6/2019”.

Tư lệnh ngành công thương cũng thừa nhận đang có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực và nguồn cung điện. Hệ quả là các dự án điện mặt trời đi vào vận hành nhưng không thể giải tỏa hết công suất. “Tôi xin nhận trách nhiệm khi chưa bao quát và dự báo kịp thời để có biện pháp quyết liệt, nhất là trong phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng, đảm bảo giải tỏa công suất”, Bộ trưởng Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, ông cũng nêu khó khăn vì Luật Điện lực quy định Nhà nước độc quyền về truyền tải điện, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đảm bảo. Đồng thời ông cũng tin tưởng: “Đến cuối năm 2020 và những năm sắp tới, chắc chắn chúng ta sẽ có điều kiện - khi có những nghị quyết mới của Thường vụ Quốc hội cũng như Chính phủ về giải thích pháp luật - để phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là về đường dây, kể cả đường dây 500 KV tới đây tư nhân sẽ đầu tư mà vẫn đảm bảo được việc độc quyền Nhà nước về truyền tải điện. Qua đó, giải tỏa hết công suất của các nhà máy điện, nhất là điện mặt trời và đáp ứng yêu cầu về điện, cân đối và cung cầu điện cho tương lai”.

Hiện công suất giải tỏa của các dự án đã được phê duyệt và đã được phát điện mới dừng ở mức khoảng 30 đến 40%. “Chúng tôi hy vọng cuối năm 2020, giải tỏa công suất cho các dự án điện sẽ đảm bảo ở mức cao và đảm bảo được hiệu quả cho nhà đầu tư cũng như cho nhà nước và cho nhân dân”, Bộ trưởng Tuấn Anh đưa ra thông điệp.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) trong phần tranh luận cho rằng, Bộ trưởng Công thương cần cân nhắc tính khả thi khi nói năm 2020 sẽ giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời. Thời gian thực hiện ngắn (chỉ còn 1 năm); cơ chế chính sách chưa rõ ràng, chưa kể quy trình đầu tư theo pháp luật đầu tư công mất thời gian; nguồn lực đầu tư cũng chưa rõ ràng và số lượng dự án còn khá lớn là những lý do để đại biểu Mai nêu ra quan ngại này.

"Giờ mới giải tỏa được 30%, nghĩa là còn 70% công suất nữa, mà Bộ trưởng nói hy vọng trong một năm giải tỏa hết công suất. Tôi nghĩ khi đưa ra một thông điệp cần đảm bảo tính chắc chắn", đại biểu Mai nói.

Giải trình bổ sung sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Luật Điện lực có quy định Nhà nước độc quyền truyền tải điện. “Nhưng điều này không có nghĩa là độc quyền cả về đầu tư mà ở đây là độc quyền về quản lý. Còn liên quan đến đầu tư, chúng ta phải huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư. Điều này phải được hiểu hết sức rõ ràng như vậy. Về nội dung này chúng ta thực hiện không máy móc. Tuy nhiên, sau đó Nhà nước phải thực hiện công tác quản lý, quản lý đường truyền tải độc quyền để không ai có thể can thiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ điện cho sản xuất và sinh hoạt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/muon-du-dien-truyen-tai-va-cong-suat-phai-song-hanh-94449.html