Muốn dựa vào sức mạnh răn đe của Mỹ, Hàn Quốc khẳng định không chọn sở hữu vũ khí hạt nhân

Hàn Quốc đang thận trọng trước những lời kêu gọi ngày càng tăng rằng, nước này nên lựa chọn sở hữu vũ khí hạt nhân riêng.

Lựa chọn sở hữu vũ khí hạt nhân không phải là lập trường của chính phủ Hàn Quốc. (Nguồn: Bulletin of the Atomic Scientists)

Lựa chọn sở hữu vũ khí hạt nhân không phải là lập trường của chính phủ Hàn Quốc. (Nguồn: Bulletin of the Atomic Scientists)

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, ngày 17/7, phát biểu trong phiên họp Quốc hội Hàn Quốc, Ngoại trưởng Cho Tae-yul nhấn mạnh, lựa chọn sở hữu vũ khí hạt nhân không phải là lập trường của chính phủ.

Theo ông, những vấn đề liên quan vũ khí hạt nhân cần được xem xét thêm, ngoài việc sửa đổi thỏa thuận Hàn Quốc-Mỹ về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Vấn đề vũ khí hạt nhân cũng cần được cân nhắc cẩn thận và toàn diện, xét đến khả năng mâu thuẫn với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và rủi ro kinh tế.

Ngoại trưởng Cho Tae-yul đưa ra tuyên bố này trong bối cảnh ý tưởng về việc Hàn Quốc cân nhắc sở hữu vũ khí hạt nhân riêng lại được thổi bùng gần đây và đang thu hút sự chú ý trong giới chính trị khi Nga và Triều Tiên tăng cường quan hệ quân sự.

Trong báo cáo về chính sách trình lên Quốc hội, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Seoul đang nỗ lực củng cố liên minh với Mỹ. Việc tăng cường khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân của Mỹ là lựa chọn thực tế và mong muốn của Hàn Quốc.

Trước đó, hôm 12/7, Hàn Quốc và Mỹ đã ký tài liệu "Hướng dẫn răn đe hạt nhân và hoạt động hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên", sẽ mở rộng đáng kể việc phân bổ các khí tài chiến lược của Washington ở quốc gia đồng minh Đông Bắc Á lên mức “liên tục”.

Đây là nỗ lực chung nhằm đảm bảo độ tin cậy của cam kết của Mỹ đối với Hàn Quốc về việc "răn đe mở rộng" theo cách tổng hợp, bao gồm cả sự hỗ trợ thông thường của Seoul cho các hoạt động hạt nhân của Washington trong trường hợp khẩn cấp.

Răn đe mở rộng đề cập cam kết của Mỹ huy động toàn bộ khả năng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ đồng minh của mình, đồng thời mở đường cho các đồng minh nâng cao khả năng thực tế của họ trước các mối đe dọa hạt nhân thông qua việc chia sẻ thông tin tình báo, lập kế hoạch, đào tạo và thực hiện các hoạt động chung.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/muon-dua-vao-suc-manh-ran-de-cua-my-han-quoc-khang-dinh-khong-chon-so-huu-vu-khi-hat-nhan-279128.html