Mượn hình ảnh quảng cáo sữa: Cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị xử lý

Tại Nghị định 15/CP đã nêu rõ, cấm sử dụng hình ảnh bác sỹ, nhân viên y tế, hay thư tín của người bệnh rằng 'tôi đã sử dụng sản phẩm này tốt và sau bao lâu thì khỏi bệnh.'

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra kinh doanh sữa. (Ảnh: qltt)

Việc đưa thông tin không đúng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp đó. Các chủ thể tham gia vào quá trình cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, quyền và lợi ích của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh dù vô tình hay chủ ý đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Đây là ý kiến của ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tại Tọa đàm: Quản lý thị trường sữa và vấn nạn “truyền thông bẩn,” do Báo Công Thương tổ chức mới đây.

Đưa thông tin sai để tấn công đối thủ

Thị trường sữa Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp sản xuất và phân phối sữa.

Thị trường sữa Việt Nam ngày càng đa dạng về loại hình sản phẩm, từ sữa bột, sữa tươi, sữa đặc, sữa chua, đến các sản phẩm sữa chức năng, sữa hữu cơ, sữa không lactose, sữa thực vật và các sản phẩm sữa kết hợp với các nguyên liệu khác như trái cây, ngũ cốc, rau củ, thảo mộc...

Sự đa dạng của doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng cũng như sản phẩm và giá cả đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng truyền thông bẩn để tấn công đối thủ nhằm chiếm thị phần với nhiều cách thức khác nhau như đưa thông tin sai, phiến diện chưa được kiểm chứng, nhắc đi nhắc lại những lỗi sai dù đã bị xử lý…

Một hiện tượng khác là doanh nghiệp đăng tải các video quảng cáo gắn với các “bác sỹ,” các "chuyên gia" mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần xuất dày đặc trên mạng xã hội gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Theo Tiến sỹ Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, quảng cáo dù với bất kể hình thức nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là khi sử dụng hình ảnh bác sỹ, nhân viên y tế để có thể mang lại niềm tin cho người tiêu dùng bởi những phát ngôn, nhận xét của những người đó hoàn toàn là những hành vi mà pháp luật đã nghiêm cấm.

“Luật an toàn thực phẩm cũng như Nghị định số 15 cũng nêu rõ về việc cấm sử dụng hình ảnh bác sỹ, nhân viên y tế, hay thư tín của người bệnh rằng “tôi đã sử dụng sản phẩm này tốt và sau bao lâu thì khỏi bệnh” đây đều là những hành vi bị nghiêm cấm,” bà Trần Việt Nga nói.

Theo bà, với những nhóm phải đăng ký bản công bố sản phẩm, trước khi quảng cáo cũng phải xác nhận nội dung quảng cáo. Nếu nhận được giấy xác nhận nội dung quảng cáo kèm theo nội dung được duyệt thì mới được quảng cáo, đúng như nội dung đã phê duyệt và cơ quan phát hành quảng cáo cũng chỉ được phép phát hành nội dung mà Cục An toàn thực phẩm đã phê duyệt.

Tuy vậy, đại diện Cục An toàn Thực phẩm cũng thừa nhận việc kiểm soát quảng cáo trên không gian mạng là việc vô cùng phức tạp, khi phát hiện quảng cáo vi phạm Cục phải gửi ngay thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông để yêu cầu xác minh chủ website, chủ đường link đó hay với Bộ Công Thương là quảng cáo trên các sàn giao dịch Thương mại Điện tử cũng phải gửi ngay thông tin cho các sàn đó.

“Thực tế, điều này vô cùng khó khăn, vì nếu là website ẩn danh hoặc máy chủ đặt ở nước ngoài rất khó tìm đơn vị chính chủ. Còn đối với tổ chức cá nhân có sản phẩm quảng cáo vi phạm thì họ lại chối, không thừa nhận sản phẩm hay thậm chí có những sản phẩm không phải họ làm quảng cáo mà có thể do đơn vị thứ 3 đứng ở giữa, họ tự mua về bán,” bà Trần Việt Nga cho hay.

Lực lượng Quảng lý thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh sữa và bột ngũ cốc. (Ảnh: qllt)

Liên quan nội dung này, theo Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp), Luật Cạnh tranh đã có những quy định, hành vi là cấm cạnh tranh không lành mạnh, đưa ra những thông tin hoặc là những hình thức để dìm hàng đối thủ. Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung những quy định để xác định những hành vi nào là cạnh tranh không lành mạnh.

“Hiện nay, chế tài về cạnh tranh đã có chế tài hành chính và chế tài hình sự, trong Điều 217 của Bộ luật Hình sự, quy định hình phạt vi phạm quy định cạnh tranh lên đến 5 năm tù, với mức phạt tiền có thể lên đến 5 tỷ đồng, hình phạt này áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại. Chế tài và pháp luật đều đã có quy định, nhưng hiện tượng vi phạm vẫn còn nhiều nguyên nhân,” ông nói.

Cần dọn sạch thông tin không đúng

Nêu nguyên nhân, theo Luật sư Đặng Văn Cường, đầu tiên là ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn kém, hạn chế vì lợi ích cá nhân, ganh ghét đối với các đối thủ lĩnh vực. Chính vì vậy họ đã bất chấp để đưa ra truyền thông bẩn, thông tin bịa đặt, xuyên tạc để hạ gục đối thủ.

Hơn nữa, việc quảng cáo ở trên các nền tảng mạng xã hội đôi khi mang lại rất nhiều hiệu quả trực tiếp. Những người quản lý các trang mạng đó được tự do đăng tải khi chưa được kiểm duyệt. Khi cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý thì là sự việc đã bị lan truyền rộng rãi. Vấn đề tiếp theo là các đối tượng thực hiện hành vi phạm thì ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài, xóa các dấu vết khi bị có chức năng phát hiện. Nhiều đối tượng cố ý thực hiện hành vi phạm. Ngoài ra, việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn về lực lượng, hay phương tiện kỹ thuật...

“Từ những vấn đề này, chúng ta cần có những giải pháp kịp thời để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, cũng như là các thông tin liên quan đến việc hành vi cạnh tranh không lành mạnh để xử lý kịp thời,” Luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh, tất cả những hiện tượng thông tin tuyên truyền dù ở bất kỳ nền tảng nào nếu sai sự thật, gây nhầm lẫn, thậm chí nói xấu các sản phẩm thì đều đáng bị lên án và phải được xử lý.

Cơ quan chức năng sẽ rà soát, xử lý các vi phạm trong việc quảng cáo sữa. (Ảnh: qltt)

Theo ông, “truyền thông bẩn” đó là rác rưởi thì phải dọn sạch, như vậy sẽ có lợi cho xã hội. Điều này nhằm lập lại trật tự về mặt tuyên truyền quảng cáo, đảm bảo an toàn cho thực phẩm nói chung và sản phẩm sữa nói riêng, đồng thời, trả lại lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Quan trọng hơn nữa là toàn xã hội, người tiêu dùng có được môi trường sử dụng các sản phẩm lành mạnh cho chính mình.

Trước các ý kiến đưa ra, ông Lê Hoài Điệp cho biết Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước khác trong công tác giám sát, rà soát dấu hiệu vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước khác để xử lý vi phạm hoặc tự khởi xướng điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật về cạnh tranh và quy định pháp luật liên quan khác, còn với người tiêu dùng, cần cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin về sản phẩm; tìm hiểu thông tin về sản phẩm qua các kênh thông tin chính thống. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật thì phản ánh đến cơ quan quản lý để kịp thời ngăn chặn, qua đó góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

“Đối với cơ quan truyền thông, cần kiểm tra, rà soát lại nội dung khi đưa tin về sản phẩm, dịch vụ. Xem xét kỹ xem thông tin về sản phẩm đã được kiểm duyệt, kiểm chứng hay chưa tránh tiếp tay cho tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng,” đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lưu ý thêm./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/muon-hinh-anh-quang-cao-sua-canh-tranh-khong-lanh-manh-se-bi-xu-ly/906883.vnp