Muôn hình muôn vẻ khó khăn của trường cao đẳng

Trong bối cảnh tuyển sinh ngày càng cạnh tranh, nhiều trường cao đẳng đã tìm kiếm những hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút thí sinh.

Hiện nay, nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét kết quả học tập trung học phổ thông (xét tuyển học bạ) với mức điểm chuẩn khá thấp nên việc trúng tuyển vào đại học tương đối dễ dàng với thí sinh. Đồng thời, tâm lý chuộng học đại học vẫn rất phổ biến trong đa số học sinh và phụ huynh. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng hiện nay. Nhiều trường cao đẳng đã nỗ lực tìm những hướng đi mới để giải quyết bài toán khó khăn trong tuyển sinh.

Khó khăn trong tuyển sinh dù đã đa dạng đối tượng, tăng cường truyền thông

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiên Giang cho biết: Để khắc phục những khó khăn trong công tác tuyển sinh hiện nay, bên cạnh xét tuyển các thí sinh trình độ cao đẳng dành cho đối tượng tốt nghiệp trung học phổ thông, Trường Cao đẳng Kiên Giang tập trung đẩy mạnh tuyển sinh trình độ cao đẳng 9+ và trung cấp dành cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.

“Hàng năm, chỉ tiêu tuyển sinh chính quy do Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang giao cho trường từ 1.500 - 1.600 chỉ tiêu. Đối tượng tốt nghiệp bậc trung học cơ sở xét tuyển trung cấp hoặc cao đẳng 9+ vốn là nguồn tuyển tiềm năng và chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong những năm tới khi công tác phân luồng đang ngày càng hiệu quả”, Tiến sĩ Lê Trung Kiên nhận định.

 Cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Kiên Giang tư vấn tuyển sinh. (Ảnh: NTCC)

Cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Kiên Giang tư vấn tuyển sinh. (Ảnh: NTCC)

Theo thầy Kiên, năm 2024, trường tiếp tục tuyển sinh 26 ngành trình độ cao đẳng, 15 ngành trình độ cao đẳng 9+ (hệ trung cấp) với đa dạng các nhóm ngành bao gồm: Công nghệ kỹ thuật, Kinh tế, Công nghệ thông tin, Du lịch - Khách sạn, Ngoại ngữ, Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm,... Trong đó có 10 ngành được giảm đến 70% học phí.

Ngoài ra để nâng cao hiệu quả các giải pháp tuyển sinh, nhà trường còn triển khai sớm hoạt động tư vấn tuyển sinh cao đẳng 9+ tại Thành phố Rạch Giá và mở rộng ra các huyện trong tỉnh. Đồng thời, nhà trường tổ chức các nhóm cán bộ giảng viên đến các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở để triển khai tư vấn tuyển sinh trực tiếp.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Ngọc Thành, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho biết, nhà trường luôn chủ động báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo để đăng ký xác định chỉ tiêu tuyển sinh hình thức chính quy ngành giáo dục mầm non vào tháng 3 hằng năm.

Tuy nhiên, do nhu cầu địa phương về việc đào tạo sinh viên ngành Giáo dục mầm non tương đối ít nên Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt chỉ tiêu tuyển sinh năm sau lại thấp hơn năm trước. Năm 2021 nhà trường được cấp 323 chỉ tiêu, đến năm 2022 giảm còn 83 chỉ tiêu, năm 2023 tiếp tục giảm xuống chỉ còn 67 chỉ tiêu, năm 2024 chỉ còn lại 45 chỉ tiêu.

Để thu hút sinh viên đăng ký ngành Giáo dục mầm non, nhà trường đã thành lập tổ tư vấn tuyển sinh thuộc Phòng Đào tạo - Bồi dưỡng để tăng cường công tác quảng bá, tư vấn và truyền thông về công tác tuyển sinh. Đồng thời, trường chủ động liên hệ các trường trung học phổ thông, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh để phối hợp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12.

Nâng cao chất lượng, chú trọng đầu ra cho sinh viên

Năm nay, Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội cũng triển khai nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao của thị trường lao động.

Thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: Ngay từ khi thí sinh quan tâm tìm hiểu về trường đã được tư vấn rất kỹ để các bạn lựa chọn ngành nghề phù hợp, xây dựng mục tiêu học tập, được đăng ký nhu cầu việc làm trong khi học và sau khi tốt nghiệp.

Nhà trường cũng liên kết, hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế. Từ đó mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Các em có thể ứng tuyển tùy theo nhu cầu và năng lực của bản thân.

“Nếu sinh viên muốn làm việc trong nước, nhà trường sẽ kết nối với doanh nghiệp để ngay khi học các em được trải nghiệm, thực tập, đào tạo,… và được trả lương từ 10-12 triệu đồng/tháng. Đối với sinh viên có mong muốn làm việc tại nước ngoài sau khi tốt nghiệp sẽ được tư vấn để xây dựng mục tiêu học tập. Sau đó, nhà trường kết nối với các đối tác ở nước ngoài cho các em ứng tuyển. Bên cạnh đó, các em cũng được chú trọng học ngoại ngữ để phù hợp với quốc gia sẽ làm việc”, thầy Ngọc chia sẻ.

Ngoài ra, từ năm 2024, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội triển khai chương trình thực tập tại Nhật Bản cho sinh viên năm 2 trong vòng 1 năm. Theo thầy Ngọc, đây là một giải pháp mới để sinh viên có cơ hội học tập tại nước ngoài. Từ đó sinh viên sẽ lĩnh hội được nhiều kiến thức, kỹ năng, trình độ, văn hóa Nhật Bản để ứng dụng vào quá trình làm việc sau này.

 Năm 2024, Cơ sở 1 Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã tổ chức nhập học cho hơn 600 tân sinh viên và hơn 100 học sinh học chương trình trung học phổ thông đến trình độ cao đẳng. Ảnh: NTCC

Năm 2024, Cơ sở 1 Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã tổ chức nhập học cho hơn 600 tân sinh viên và hơn 100 học sinh học chương trình trung học phổ thông đến trình độ cao đẳng. Ảnh: NTCC

Hướng đi mới nào cho các trường cao đẳng?

Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk thông tin, trường đang triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Đây là một chính sách hỗ trợ cho sinh viên khối ngành sư phạm về học phí và chi phí học tập. Nhờ chính sách này mà việc tư vấn, tuyển sinh của trường được thuận lợi, thu hút sự quan tâm của xã hội, thí sinh về khối ngành sư phạm.

“Hiện trường cũng đã được tỉnh đồng ý chủ trương sáp nhập vào Trường Đại học Tây Nguyên trong thời gian tới”, thầy Thành chia sẻ.

Cùng bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nêu quan điểm, để thu hút thí sinh vào học cao đẳng cần có sự chỉ đạo và phối hợp từ Chính phủ, các Bộ ban ngành từ trung ương đến địa phương, các cơ sở giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ quan truyền thông,... Từ đó khiến cho xã hội thay đổi nhận thức, chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với nền kinh tế thị trường.

“Thực tế không có con đường học tập nào là duy nhất để đem lại thành công và phát triển. Theo tôi cần định hướng theo năng lực và nhu cầu phát triển của giới trẻ, giảm tư duy và lấy văn bằng để làm thước đo trong tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng tiến”, thầy Ngọc nhận định.

Huyền Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/muon-hinh-muon-ve-kho-khan-cua-truong-cao-dang-post244777.gd