Muốn hội thi GV giỏi cấp xã mang lại hiệu quả thực chất cần rõ người, rõ tiêu chí

Nếu không có sự chuẩn bị từ sớm và rõ ràng về mặt chuyên môn, mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ GV thông qua hội thi có thể sẽ khó đạt được.

Năm học 2025-2026 là năm đầu tiên, cấp phường, xã tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi. Do đó, nhiều địa phương gặp thách thức trong công tác tổ chức, chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng để hướng tới đạt mục tiêu hội thi chất lượng, hiệu quả.

Theo lãnh đạo nhiều trường chia sẻ, để hội thi giáo viên dạy giỏi diễn ra thực chất và khách quan, yếu tố đầu tiên và cốt lõi vẫn là con người. Ngoài ra, ban tổ chức phải xây dựng các tiêu chí đánh giá mang tính thực chất, tập trung vào năng lực sư phạm, khả năng truyền đạt, sáng tạo trong giảng dạy và ứng dụng thực tế.

Hội đồng thi giáo viên dạy giỏi cấp xã, phường phải đảm bảo chuyên môn, tinh gọn nhưng chất lượng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến, thành phố Đà Nẵng) cho biết, theo quy định mới, hội thi giáo viên dạy giỏi từ năm nay sẽ không còn do cấp huyện tổ chức như trước mà chuyển về cho cấp xã, phường đảm trách. Do đó, việc tổ chức một kỳ thi có chất lượng, đúng mục tiêu đặt ra là điều không dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi bộ máy tổ chức, thiếu hụt nhân sự chuyên môn.

 Thầy Nguyễn Văn Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: website nhà trường

Thầy Nguyễn Văn Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: website nhà trường

Theo thầy Khánh, để hội thi giáo viên dạy giỏi diễn ra thực chất và khách quan, yếu tố đầu tiên và cốt lõi vẫn là con người. Cấp xã, phường hiện nay, nhất là sau khi thực hiện việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính nhiều nơi chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách về giáo dục. Nhiều địa phương bố trí cán bộ văn hóa-xã hội kiêm nhiệm mảng giáo dục, dẫn đến việc tổ chức các hoạt động chuyên môn như hội thi giáo viên dạy giỏi sẽ gặp thách thức.

Trong khi đó, để hội thi giáo viên dạy giỏi đảm bảo chất lượng và tính công bằng, quy trình tổ chức phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan từ khâu khảo sát, ra đề đến việc đánh giá phần trình bày của giáo viên. Nếu không được giám sát chặt chẽ, kỳ thi có thể bị hình thức hóa, mang tính phong trào, gây tâm lý nản lòng cho giáo viên.

Mặt khác, ở nhiều địa phương, quy mô trường học cấp xã khá nhỏ. Có nơi chỉ có 1-2 trường mầm non, tiểu học hoặc trung học cơ sở, khiến việc đánh giá chéo, khách quan giữa các giáo viên gặp khó khăn. Trong khi đó, công tác tổ chức thi giáo viên giỏi đòi hỏi phải có hội đồng chuyên môn đủ mạnh, đủ khách quan để đánh giá đúng năng lực, phẩm chất sư phạm của giáo viên.

“Chính vì vậy, tôi cho rằng, để tổ chức hiệu quả Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp xã, cần ba giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, hội đồng thi phải đảm bảo chuyên môn, tinh gọn nhưng chất lượng. Dù cấp xã là đơn vị chủ trì, giám khảo cần là cán bộ quản lý, giáo viên có kinh nghiệm, uy tín và đạo đức nghề nghiệp. Đơn cử ban giám khảo có thể mời giáo viên cốt cán, giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh tham gia góp ý hoặc chấm thi.

Thứ hai, quy trình tổ chức cần rõ ràng, minh bạch. Trong đó, ban tổ chức phải công bố kế hoạch thi sớm, nêu rõ tiêu chí chấm điểm, hình thức thi, thời gian tổ chức và công bố kết quả. Mọi khâu thực hiện phải bám sát quy định Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT.

Thứ ba, tổ chức tập huấn ngắn trước hội thi cho cán bộ xã, hội đồng thi và giáo viên dự thi về tiêu chí đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tóm lại, việc phân cấp tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi về cấp xã, phường là một chủ trương mới, mang tính đột phá trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả, cần có sự chuẩn bị chu đáo về cả nhân lực, quy trình và cơ chế phối hợp giữa các cấp. Khi đó, hội thi mới thực sự trở thành động lực nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ cơ sở”, thầy Khánh bày tỏ.

 Ảnh minh họa: website Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến, thành phố Đà Nẵng)

Ảnh minh họa: website Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến, thành phố Đà Nẵng)

Cùng bàn vấn đề này, thầy Hoàng Tiến Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bản Mế (xã Sín Chéng, tỉnh Lào Cai) bày tỏ, thực tế nhiều năm qua, nội dung thi giáo viên dạy giỏi ở một số địa phương còn thiên về hình thức, nặng về lý thuyết hơn là phản ánh đúng năng lực chuyên môn và khả năng sư phạm thực tế của giáo viên trong môi trường giảng dạy. Điều này khiến không ít giáo viên cảm thấy áp lực, thậm chí e ngại khi tham gia, bởi kỳ thi không còn là cơ hội để khẳng định chuyên môn, thay vào đó là yêu cầu quá nhiều về hình thức, giáo án mẫu, đồ dùng dạy học công phu… nhưng lại xa rời nhu cầu học thực tế của học sinh.

Theo thầy Hải, để kỳ thi giáo viên dạy giỏi thực sự mang ý nghĩa thiết thực, phát huy đúng vai trò trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo cần đảm bảo nội dung thi bám sát thực tiễn giảng dạy và phù hợp với năng lực nghề nghiệp của giáo viên các cấp. Trong đó, nội dung thi cần tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: năng lực sư phạm thực tế của giáo viên, khả năng xử lý tình huống sư phạm linh hoạt và tư duy đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy học.

“Theo tôi, bài giảng của giáo viên không nên bị ép buộc phải dạy thật hay, trình bày thật đẹp để phục vụ giám khảo mà phải được xây dựng trên nền tảng nhu cầu học sinh, với mục tiêu học sinh hiểu bài, yêu thích môn học và phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những bài giảng tốt không chỉ cần có trình chiếu hiện đại mà còn là cách giáo viên tạo ra không khí học tập tích cực, kết nối được với học sinh và giúp các em chủ động tiếp thu kiến thức.

Bên cạnh đó, việc thi giáo viên dạy giỏi cần hạn chế yếu tố áp đặt, máy móc. Hiện nay, một số tiêu chí đánh giá còn mang tính rập khuôn, chưa tạo điều kiện cho giáo viên thể hiện sự sáng tạo và đổi mới trong dạy học. Đồng thời, hội thi cũng nên có những hình thức đánh giá linh hoạt hơn như phân tích hồ sơ học tập của học sinh, báo cáo một sáng kiến trong thực tiễn giảng dạy, hoặc trình bày kinh nghiệm tổ chức một hoạt động giáo dục hiệu quả. Điều này vừa giúp giảm áp lực thi cử, vừa khuyến khích giáo viên tập trung vào hiệu quả giáo dục thay vì chạy theo thành tích.

Bởi trên thực tế, nhiều giáo viên có năng lực thực sự trong giảng dạy nhưng không có điều kiện hoặc không đủ thời gian đầu tư cho một kỳ thi mang tính hình thức quá cao, dẫn đến sự thiệt thòi trong đánh giá và ghi nhận. Ngược lại, có những trường hợp đầu tư rất nhiều vào phần trình bày, chuẩn bị nhưng khi áp dụng trong thực tế giảng dạy thì hiệu quả lại không cao. Do đó, bên cạnh phần thi thực hành giảng dạy, ban tổ chức cần bổ sung thêm phần đánh giá qua sản phẩm giáo dục cụ thể của giáo viên trong năm học như kết quả học sinh đạt được, mức độ hài lòng của phụ huynh, đồng nghiệp, hay sự tiến bộ trong lớp học được ghi nhận qua thời gian.

Như vậy, dù cấp xã, phường tổ chức thì đều cần đảm bảo nội dung kỳ thi giáo viên dạy giỏi thực chất, gắn với thực tiễn và hướng đến phát triển năng lực giáo viên lâu dài. Bởi cuộc thi là để học hỏi, phát triển và lan tỏa điều hay chứ không nên thi chỉ để lấy danh hiệu hay ‘làm đẹp’ hồ sơ cá nhân. Chỉ khi hội thi tập trung vào giá trị cốt lõi thì mới thực sự trở thành động lực để mỗi giáo viên không ngừng rèn luyện, sáng tạo và cống hiến cho sự nghiệp trồng người”, thầy Hải bày tỏ.

Cần xây dựng tiêu chí đánh giá thực chất, tập trung vào năng lực sư phạm của giáo viên

Theo thầy Võ Văn Quyến - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (phường Nhiêu Lộc, thành phố Hồ Chí Minh), việc tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp xã, phường từ năm học 2025–2026 là một bước thay đổi lớn khi cả nước chuyển sang thực hiện chính quyền địa phương hai cấp.

Theo thầy Quyến, để hội thi giáo viên dạy giỏi thực sự đạt hiệu quả, phản ánh đúng năng lực giáo viên thì cần đảm bảo một số yếu tố nền tảng. Trước hết, là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt chuyên môn, kế hoạch tổ chức bài bản, rõ ràng và công khai. Ban tổ chức phải xây dựng các tiêu chí đánh giá mang tính thực chất, tập trung vào năng lực sư phạm, khả năng truyền đạt, sáng tạo trong giảng dạy và ứng dụng thực tế, thay vì sa vào các hình thức trình diễn hoặc chạy theo thành tích. Bên cạnh đó, hội thi phải tạo ra cơ hội để giáo viên được chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, qua đó lan tỏa những phương pháp hay, cách làm tốt trong nhà trường.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy ở nhiều địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường, cơ cấu bộ máy hành chính đã thay đổi, nhưng hệ thống tổ chức và đội ngũ cốt cán phục vụ cho giáo dục lại chưa theo kịp. Điều này dẫn đến nguy cơ hội thi dễ mang tính hình thức, thiếu khách quan nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ cấp trên.

“Để khắc phục thực trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Giáo dục và Đào tạo và chính quyền địa phương, xây dựng phương án tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, xã, phường có thể cân nhắc mời cán bộ cốt cán từ các trường học uy tín hoặc giáo viên có kinh nghiệm tham gia hội đồng giám khảo.

Vì vậy, việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp xã, phường cần được triển khai một cách thận trọng, minh bạch và đặt yếu tố chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu. Chỉ khi đó, hội thi mới thực sự trở thành động lực phát triển chuyên môn cho giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở”, thầy Quyến bày tỏ.

Yên Đan

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/muon-hoi-thi-gv-gioi-cap-xa-mang-lai-hieu-qua-thuc-chat-can-ro-nguoi-ro-tieu-chi-post252870.gd