Quy định về tuyển dụng, điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo từ 1/1/2026

Phương thức tuyển dụng nhà giáo thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.

Luật Nhà giáo có hiệu lực từ 01/01/2026, với rất nhiều điểm mới kỳ vọng sẽ xác lập vị thế pháp lý đầy đủ cho nhà giáo, cả trong và ngoài công lập, và quy định các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, bảo vệ nhà giáo.

Trong phạm vi bài viết xin được nêu những điểm mới về tuyển dụng, điều động, biệt phái nhà giáo từ 01/01/2026.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các quy định mới về tuyển dụng nhà giáo từ 01/01/2026

Tại Điều 14. Tuyển dụng nhà giáo

1. Nội dung và phương thức tuyển dụng nhà giáo được quy định như sau:

a) Nội dung tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo;

b) Phương thức tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.

Điểm mới là việc tuyển dụng nhà giáo là bắt buộc phải có thực hành sư phạm. Việc tuyển dụng nhà giáo bắt buộc thực hành sư phạm có nghĩa là trong quá trình tuyển dụng, bên cạnh việc xét tuyển hoặc thi tuyển, ứng viên phải tham gia vào các hoạt động thực tế, mô phỏng việc giảng dạy, để thể hiện năng lực và kỹ năng sư phạm của mình. Điều này giúp đánh giá khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tế, khả năng truyền đạt, tương tác với học sinh, và quản lý lớp học, những yếu tố quan trọng của một nhà giáo giỏi. Việc thực hành có thể gồm các nội dung soạn kế hoạch bài dạy, đứng lớp, xử lý tình huống,…

2. Thẩm quyền tuyển dụng được quy định như sau:

a) Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện;

b) Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục;

c) Đối với trường của lực lượng vũ trang nhân dân, thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an;

d) Đối với cơ sở giáo dục không thuộc quy định tại các điểm a, b và c khoản này, thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, đối với giáo viên mầm non, phổ thông việc tuyển dụng sẽ theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo các quy định về thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên mầm non, địa phương để lấy ý kiến trước khi ban hành chính thức.

3. Đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng bao gồm:

a) Người đã làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại vị trí việc làm phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng;

b) Đối với giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên người có kỹ năng nghề cao, có kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành, nghề giảng dạy;

c) Trường hợp ưu tiên tuyển dụng khác theo quy định của pháp luật.

4. Những người không được đăng ký tuyển dụng bao gồm:

a) Người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

c) Người đã có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự.

5. Hợp đồng đối với nhà giáo bao gồm hợp đồng làm việc thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức và hợp đồng lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này; quy định điều kiện, trình tự, thủ tục tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài.

Quy định về điều động nhà giáo từ 01/01/2026

Tại Điều 17. Điều động nhà giáo

1. Việc điều động nhà giáo được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Bố trí nhà giáo do sắp xếp lại cơ sở giáo dục hoặc giải quyết tình trạng thừa, thiếu nhà giáo;

b) Giải quyết chính sách đối với nhà giáo sau khi kết thúc thời gian được điều động đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

c) Hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục, quản lý của cơ sở giáo dục;

d) Theo yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan quản lý giáo dục.

Đây là điểm mới đáng chú ý giúp các cơ quan quản lý giáo dục và các địa phương chủ động điều động, bố trí giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, giúp các cơ sở giáo dục ổn định, tránh thừa thiếu cục bộ.

2. Nguyên tắc điều động nhà giáo được quy định như sau:

a) Nhà giáo được điều động phải đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm sẽ đảm nhận;

b) Công tác điều động nhà giáo phải được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

3. Các trường hợp không thực hiện điều động bao gồm:

a) Nhà giáo nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhà giáo có vợ hoặc chồng đang được điều động, biệt phái hoặc cử làm nhiệm vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Việc điều động nhà giáo vẫn thực hiện đối với đối tượng quy định tại điểm này nếu nhà giáo có nguyện vọng được điều động;

b) Nhà giáo thuộc trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, đối tượng điều động nhà giáo; quy định việc bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo.

Dưới 3 năm công tác không được thuyên chuyển từ 01/01/2026

Điều 18. Biệt phái nhà giáo

Biệt phái nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo quy định về biệt phái viên chức của pháp luật về viên chức.

Điều 19. Thuyên chuyển nhà giáo

1. Việc thuyên chuyển nhà giáo phải được sự đồng ý của cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đi và chuyển đến. Cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đi và chuyển đến có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật.

2. Các trường hợp không được thuyên chuyển bao gồm:

a) Nhà giáo đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử;

b) Nhà giáo chưa đủ 03 năm công tác tính từ ngày được tuyển dụng nhà giáo, trừ trường hợp tự nguyện thuyên chuyển công tác đến cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Cơ sở giáo dục nơi nhà giáo chuyển đi chấm dứt hợp đồng với nhà giáo; cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đến thực hiện việc nhận nhà giáo.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/quy-dinh-ve-tuyen-dung-dieu-dong-biet-phai-thuyen-chuyen-nha-giao-tu-112026-post252892.gd