Muốn hôn nhân bền vững, đừng cố kiểm soát bạn đời

Hôn nhân là cam kết giữa hai người để cùng có trách nhiệm, nghĩa vụ trong xây dựng hạnh phúc gia đình. Mối quan hệ này là bình đẳng nên khi một bên kiểm soát quá mức, o ép người còn lại, sẽ khiến hôn nhân đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Trong gia đình, nếu mỗi người đều làm tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình thì sẽ không có chuyện kiểm soát lẫn nhau. Ảnh minh họa: Internet

Trong gia đình, nếu mỗi người đều làm tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình thì sẽ không có chuyện kiểm soát lẫn nhau. Ảnh minh họa: Internet

Khi bạn đời kiểm soát quá chặt

Có vợ là một người có tính kiểm soát chồng chặt chẽ, ông N.V.T (TX Đông Hòa) đã không ít lần nghĩ đến việc ly hôn. Dù vậy, nhìn các con đang dần trưởng thành, ông T dằn lòng để chịu đựng những hành động, lời nói vô lý của vợ.

“Tôi làm việc nhà nước, còn vợ ở nhà nhận đồ may và chăm sóc các con. Vì công tác ở huyện khác và phải trực đêm thường xuyên nên cuối tuần tôi mới về nhà. Dù vậy, mỗi lần về đều thấy vợ mặt nặng mày nhẹ vì nghĩ tôi ở bên ngoài sẽ nhậu nhẹt, gái gú. Lo lắng nhiều nên vợ kiểm soát tôi mọi lúc mọi nơi khi có thể. Ngoài liên tục gọi điện bất kể giờ giấc, kiểm tra điện thoại thường xuyên, vợ còn ghen tuông với những đồng nghiệp nữ xung quanh tôi. Sự kiểm soát và ghen tuông quá mức của vợ khiến tôi ám ảnh mỗi khi trở về nhà. Điều cứu vãn cuộc hôn nhân là vợ tôi chăm con rất tốt. Các con chăm ngoan, học giỏi, tình cảm nên tôi mới nhìn vào những điều tích cực này để duy trì hôn nhân”, ông T cho hay.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhưng là bị chồng kiểm soát, chị L.T.H (huyện Tây Hòa) cay đắng khi mức độ kiểm soát của chồng ngày càng tăng lên.

Chia sẻ câu chuyện của mình, chị H cho biết: “Tôi năm nay gần 40 tuổi, có hai con, đứa lớn sắp vào đại học. Từ ngày lấy chồng, tôi chỉ ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con vì chồng không muốn tôi ra ngoài làm việc. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do chồng quyết định. Như khi tôi nói muốn mua máy giặt, chồng bảo quần áo ít thì mua máy giặt làm gì cho tốn kém. Khi công việc tài xế xe tải của chồng khó khăn, thu nhập giảm sút, tôi quyết định đi làm thêm ở quán ăn để phụ kinh tế thì chồng mỉa mai rằng đi làm hay đi chơi bời. Trong khi chồng biết rõ tôi chẳng làm điều gì khuất tất nhưng vẫn cứ tấn công bằng lời lẽ xúc phạm đến lòng tự trọng và nhân phẩm của tôi. Con cái đang tuổi lớn, ly hôn thì tôi không nghĩ tới nhưng phải sống như vậy đến cuối đời với người chồng ích kỷ, khó tính, thích kiểm soát thì nặng nề quá!”.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc kiểm soát quá mức không giúp duy trì cuộc hôn nhân bền vững mà chỉ khiến cuộc sống của cả hai trở nên căng thẳng, mất đi tự do cá nhân.

Tìm cách hóa giải để lấy lại quyền kiểm soát

Những người có nhiều kinh nghiệm trong hôn nhân cho rằng, một khi nhận thấy nửa kia có những dấu hiệu muốn kiểm soát và giành quyền quyết định mọi thứ trong cuộc sống của mình, hãy tìm cách để hóa giải vấn đề.

Cuộc hôn nhân bền vững cần sự gắn kết và hòa hợp giữa hai vợ chồng. Khi một trong hai người luôn nghi ngờ và muốn kiểm soát, sẽ khiến mối quan hệ căng thẳng, mệt mỏi, dễ dẫn đến tan vỡ.

Không cố gắng chạm vào những điều riêng tư của vợ hay chồng nhưng nếu có khúc mắc nào đó, cả hai phải cùng nhau ngồi lại thảo luận, làm rõ mọi việc, tránh để mọi thứ dồn nén trong khoảng thời gian dài khiến tình cảm rạn nứt, khó cứu vãn.

Như chị L.T.B (TP Tuy Hòa), có chồng lúc nào cũng trong tư thế giám sát việc vợ đi đâu, làm gì. Đến nỗi như một thói quen, dù B ngồi với đám bạn gái thân thì 10 phút sau thể nào cũng có cuộc gọi từ chồng chỉ để hỏi thăm vu vơ, cốt là xem vợ có nói thật hay không.

Các bạn trong nhóm biết ý nên vẫy tay chào lại để chứng thực. Điều này làm B thấy ngại với mọi người. Để trị tính xấu này, cả tháng liền, chị B hạn chế ra khỏi nhà và giao việc đưa đón con đi học, mua hàng hóa về bán, hiếu hỉ… hết cho chồng.

Khi có việc ra ngoài, dù xa hay gần, chị B đều rủ chồng đi cùng. Cũng là người nhạy cảm, nên ít lâu sau, chồng B nhận ra sự thay đổi của vợ. Đến khi chồng hỏi, B mới nhẹ nhàng trao đổi thẳng thắn với chồng về những suy nghĩ trong lòng mình. Cách trao đổi này thuyết phục nên chồng B lắng nghe và sau đó tiết chế lại việc kiểm soát vợ.

Chuyên gia tâm lý Tâm Giao (tên thật Nguyễn Thị Thu Giao) cho rằng, khi xây dựng hôn nhân, mỗi người chồng, người vợ cần phải xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Đó là phải thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình, nuôi dạy con cái. Nếu mỗi người đều làm tốt nghĩa vụ của mình thì sẽ không có chuyện kiểm soát lẫn nhau.

Thực tế cho thấy, hôn nhân sẽ bất cập khi một bên bị bạn đời kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống. Mọi sự kiểm soát dù ít hay nhiều đều khiến đối phương cảm thấy ngột ngạt, nảy sinh những hành vi, suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng.

Cũng theo các chuyên gia tâm lý, trước khi phản ứng hoặc chỉ trích đối phương vì bị kiểm soát, mỗi người cần xác định xem bản thân có điều gì khiến người kia chưa tin tưởng để qua đó, dần thay đổi, củng cố giá trị bản thân làm cho đối phương tôn trọng hơn.

Sau khi bản thân đã thay đổi tích cực nhưng những hành vi kiểm soát vẫn thường xuyên và nghiêm trọng thì vợ chồng nên trao đổi thẳng thắn với nhau hoặc có thể nhờ đến chuyên gia tư vấn.

Nếu hành vi kiểm soát không cải thiện dù nhận được lời khuyên, người vợ hoặc chồng cần cân nhắc kết thúc mối quan hệ với người có thói kiểm soát để giành lại sự tự do cho chính mình.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/81/317718/muon-hon-nhan-ben-vung-dung-co-kiem-soat-ban-doi.html