'Muôn kiếp nhân sinh' 3: Đánh thức lương tri và tình yêu thương trong mỗi con người
Sau buổi gặp gỡ với Farnum tại Karma Kitchen, tôi trở về New York và không ngừng suy nghĩ về buổi trò chuyện của chúng tôi. Tôi bàn với Angie rằng đã đến lúc tôi phải dành nhiều thời giờ hơn để làm những việc có ý nghĩa này.
“Không gian phụng sự”
Sau khi bàn luận kỹ lưỡng, cả hai vợ chồng tôi quyết định giao việc điều hành công ty cho những cộng sự mà chúng tôi tin tưởng để chú tâm vào việc sử dụng ngân quỹ hỗ trợ cho các chương trình có thể mang lại những đổi thay tốt đẹp hơn. Chúng tôi cũng nhất trí đem toàn bộ tài sản của mình sáp nhập vào ngân quỹ của Farnum để hỗ trợ cho những dự án tương lai.
Theo đề nghị của Farnum, tôi đã yêu cầu Andrew tìm hiểu và nghiên cứu thêm về dự án Karma Kitchen hay những hoạt động tương tự. Không lâu sau, Andrew mang đến cho tôi một hồ sơ về chủ nghĩa trao tặng (Giftivism) mà anh thu thập được.
Anh nói: “Theo nghiên cứu của tôi, Karma Kitchen là một chuỗi nhà hàng hoạt động độc lập, thành lập từ năm 2007, hiện đã có mặt tại 23 quốc gia, với con số hơn nửa triệu người đến ăn mỗi năm để trải nghiệm về lòng tử tế. Nền kinh tế quà tặng hiện đã lan rộng khắp nơi. Chi tiết và các dữ kiện về quá trình vận hành của những nhà hàng này đều được ghi nhận trong bản báo cáo này.”
Tôi đưa tay đón tập hồ sơ, vừa mở ra thì Andrew nói ngay: “Có lẽ ông cần biết rằng Karma Kitchen chỉ là một chương trình nằm trong một phong trào lớn hơn gọi là “Không gian phụng sự” (Service Space). Đây là một tổ chức được khởi xướng trong thập niên vừa qua, hoạt động như một hệ sinh thái có tầm ảnh hưởng lớn đến rất nhiều người trẻ.”
Tôi ngạc nhiên: “Còn có phong trào khác lớn và ý nghĩa hơn sao? Tôi chưa nghe nói đến.”
Andrew xác nhận: “Đúng thế, ‘Không gian phụng sự’ là tổ chức gồm rất nhiều người trẻ cùng chung mục đích là góp phần xây dựng và thay đổi xã hội. Điều đặc biệt là tất cả chương trình đều được thực hiện trong tinh thần tự nguyện nhằm lan tỏa sự tử tế và lòng yêu thương đi khắp mọi nơi.”
Tôi ngạc nhiên hơn: “Tổ chức này hoạt động ra sao? Tại sao tôi lại không nghe ai nói đến bao giờ?”
Andrew bật cười: “Sở dĩ chúng ta không biết là vì trong việc nghiên cứu đầu tư thương mại của công ty thì tổ chức này sẽ không bao giờ nằm trong tầm ngắm, bởi nó chỉ là tổ chức phi lợi nhuận, việc xây dựng và điều hành hoàn toàn được thực hiện bởi các tình nguyện viên. Tổ chức này không có nhân viên, không có văn phòng hay trụ sở vật chất mà chỉ sử dụng công nghệ để khuyến khích, kêu gọi mọi người thực hiện những hành động nhỏ để lan tỏa lòng thân ái, cảm thông đi khắp mọi nơi.”
Tôi ngạc nhiên thích thú: “Một tổ chức mà không có nhân viên, không có trụ sở thì hoạt động thế nào?”
Andrew giải thích: “Tổ chức này chỉ là một website giúp mọi người tương tác và hoạt động với nhau theo các quy trình đã được soạn sẵn. Tất cả mọi việc và dự án trong tổ chức đều mang mục đích chung là làm khơi dậy lòng thương yêu, sự tử tế qua các dịch vụ để giúp mọi người chuyển hóa. Người tự nguyện sẽ hưởng nhiều niềm vui qua các hành động bất vụ lợi. Người nhận sự giúp đỡ đó cũng nối tiếp tham gia vào những dịch vụ khác để lòng tốt được lan tỏa đi khắp mọi nơi. Trong hệ sinh thái này, mọi người đều kết nối với nhau trong tinh thần phụng sự – chỉ cho đi, không mong đáp lại. Trong hệ sinh thái này, mọi hành động đều đưa đến sự kết nối giữa người với người chứ không phải để đáp ứng nhu cầu nào.
Từ các hành động tự nguyện, bất vụ lợi đó mà người ta trải nghiệm được những sự chuyển hóa mầu nhiệm từ bên trong, đồng thời thiết lập mối quan hệ bên ngoài giữa những người có cùng lý tưởng, chí hướng với nhau. Vì thế, ngoài các dữ kiện nghiên cứu về Karma Kitchen, tôi cũng ghi nhận thêm các chi tiết về tổ chức Service Space và chương trình hoạt động của họ trong bản báo cáo này.”
Chủ nghĩa trao tặng
Tôi không ngờ những điều Farnum nói với tôi mấy tháng trước về nền kinh tế quà tặng này đã có người thực hiện từ nhiều năm trước. Khi tôi dự định góp phần sức mình vào quá trình chuyển hóa tâm thức nhân loại thì mọi nền tảng hầu như đã sẵn sàng. Quả là có sự trùng hợp lạ lùng, tôi chợt nhớ đến câu nói của ông Kris: “Một khi đủ duyên thì mọi sự xảy ra nhanh hơn anh nghĩ”.
Andrew tiếp tục: “Theo thông tin trên trang mạng của tổ chức này, với địa chỉ truy cập ServiveSpace.org, bất cứ ai cũng có thể đề xuất dự án và sử dụng công cụ của riêng họ để lập kế hoạch theo quy trình được soạn sẵn. Ai cũng có thể tự nguyện tham gia các chương trình được công bố. Đa số những người tham gia đều là sinh viên, học sinh với quan niệm “Thay đổi bản thân, thay đổi thế giới”. Phần lớn chương trình đều là những dự án với quy mô nhỏ, chỉ khoảng vài ba người đến mười người là nhiều. Những việc làm này tuy nhỏ nhưng mang lại nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả, giúp truyền cảm hứng đến người khác. Khi tìm hiểu về tổ chức này, tôi đã bàn với Connie và cuối cùng hai vợ chồng tôi cũng đã quyết định tham gia vào các hoạt động ý nghĩa trong tổ chức này để có thể học hỏi thêm.”
Tôi nhớ ông Kris từng nói: “Để thay đổi thế giới, trước hết phải thay đổi chính mình. Khi tâm không còn ích kỷ, tham lam, sân hận hay giận dữ nữa thì thế giới mới chuyển hóa, trở nên thanh bình được”. Đúng là mọi thay đổi cần bắt đầu từ chính mình rồi lan tỏa dần sang những người xung quanh.
Tôi hỏi Andrew: “Vậy anh và Connie đã tham gia vào dự án gì?”
Andrew hào hứng kể: “Tạm thời chúng tôi chỉ mới tham gia được một dự án nhỏ trên KarmaTube. Đây là một trang web chuyên sản xuất và chiếu các phim ngắn, nội dung chủ yếu là chuyển tải những câu chuyện về lòng tử tế, khuyến khích mọi người làm điều tốt để truyền cảm hứng hướng thiện cho người xem.”
Andrew sung sướng chia sẻ thêm: “Khi tham gia vào việc nhỏ nhưng chứa đầy ý nghĩa này, vợ chồng tôi ngoài việc có thể chia sẻ với nhau niềm hạnh phúc, thì còn học được về sự chuyển hóa bản thân. Cũng như việc ném một hòn sỏi nhỏ xuống hồ sẽ tạo thành những làn sóng từ từ lan tỏa rộng hơn. Chúng tôi tin rằng khi nhiều người cùng nhau làm những điều lành, dù bé nhỏ, chúng cũng sẽ lan tỏa khắp nơi và có thể thay đổi thế giới.”
Sau khi Andrew rời khỏi phòng, tôi cầm bản báo cáo chi tiết về tổ chức Service Space rồi cho gọi người chuẩn bị phi cơ đến để bay đi Chicago. Tôi muốn gặp Farnum ngay ngày hôm đó để chia sẻ và báo cho ông biết quyết định của chúng tôi trong việc sáp nhập tài sản của chúng tôi vào ngân quỹ của ông. Tôi cũng muốn trao đổi với ông về tổ chức Service Space này và những dự định sắp tới để bắt đầu từ nhiều việc nhỏ nhưng thiết thực, có ý nghĩa lớn và góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng, đánh thức lương tri và tình yêu thương trong mỗi con người.