Muôn kiểu chống nóng ngày hè

Những ngày này, khi nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội liên tục ở mức cao, nhiều phương pháp chống nóng đã được người dân áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những cách thức chống nóng hiệu quả, hiện có những cách làm phản khoa học, thậm chí có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chăm sóc cho không gian sống xanh sẽ làm mỗi người cảm thấy mát mẻ hơn khi về nhà.

“Ngàn lẻ một” cách chống nóng

Hà Nội đang trong những ngày nóng oi ả và chống nóng luôn là điều được quan tâm nhiều nhất. Chị Đoàn Thị Mai (32 tuổi, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết, khi thời tiết nóng nực, chúng ta thường nghĩ uống nhiều nước để giải nhiệt nhưng như vậy là chưa đủ. “Gia đình tôi thường bổ sung các loại trái cây, rau củ nhiều nước để cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể, như nước dừa, lá bạc hà, dâu tây, cam, chanh, lê, dứa, cà chua, cà rốt, mướp đắng, nha đam... Ngoài ra, gia đình tôi cũng rất chú trọng trong việc chọn nhóm chất đạm cho bữa ăn. Chúng tôi chọn các loại thực phẩm ít chất béo vì thực phẩm nhiều chất béo sẽ khiến cơ thể mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, hơn nữa chất béo cũng hấp thụ lượng muối cao hơn nên có thể gây tăng nhiệt cho cơ thể” - chị Mai nhấn mạnh.

Còn theo chị Nguyễn Thị Quỳnh Vân (30 tuổi, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai), việc chăm sóc cho không gian sống sẽ làm mỗi người cảm thấy mát mẻ hơn khi về nhà. “Ngoài việc chống nóng cho tường bằng các nguyên vật liệu chuyên dụng thì gia đình tôi lựa chọn cách trồng nhiều cây dây leo bám xung quanh nhà và treo các chậu hoa. Diện tích nhà tôi chỉ vỏn vẹn 40m2, ban công khoảng 5m2 nhưng hễ có không gian trống nào là tôi lại trồng những chậu cây. Để tăng tính thư giãn cũng như giảm hấp thụ nhiệt, nhanh giải nhiệt, tôi đã sơn lại tường phù hợp với hướng nắng, như với những không gian có nắng gắt chiếu vào thì có thể chọn màu tường nhà bớt màu ấm, thêm màu lạnh như xanh ngọc, kem cốm, trắng xanh...” - chị Vân thông tin thêm.

Đã nhiều năm sinh sống ở Khu tập thể bóng đèn phích nước Rạng Đông (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân), bà Nguyễn Thị Liệu (62 tuổi) cho rằng, nhà tập thể khá bí, khi mùa hè đến thì rất nóng nực. “Các thiết bị điện khi sử dụng sẽ tỏa nhiệt vào không khí nên càng nóng hơn. Vào mùa hè, tôi sử dụng thiết bị điện trong nhà một cách hài hòa, hợp lý, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện một lúc. Đặc biệt, gia đình tôi nói không với các bóng đèn sợi đốt. Một trong những cách chống nóng mà gia đình tôi sử dụng là chọn rèm cửa sáng màu và luôn bật quạt thông gió trong nhà” - bà Liệu chia sẻ.

Chống nóng cũng phải đúng cách

Tuy nhiên, vẫn có một số cách chống nóng được nhiều người áp dụng nhưng lại có thể gây hại cho cơ thể. Theo thầy giáo Lê Xuân Thê, nguyên giảng viên khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều người đi ngoài nắng về lại có thói quen giải nhiệt bằng cách uống ngay một cốc nước đá, đặc biệt là các loại nước ngọt có gas rồi bật điều hòa với nhiệt độ thấp hay đi tắm ngay. “Đây là những thói quen hết sức nguy hiểm do cơ thể con người chưa thể thích ứng ngay được với sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ. Nhiều trường hợp tắm ngay sau khi đi ngoài trời nắng về làm mạch máu tự co lại, huyết áp tăng nhanh, có thể gây đột quỵ hoặc tai biến, thậm chí có thể gây tử vong” - thầy Thê nhấn mạnh.

Theo bà Bùi Thị Hồng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Thanh Nhàn thì hằng năm, cứ vào dịp hè là số ca sốc nhiệt lại tăng đột biến. Bà Hồng nhận định, thời tiết nắng nóng khiến người già và trẻ em dễ bị sốc nhiệt, nhưng điều đáng nói là sốc nhiệt một phần do người dân sử dụng biện pháp chống nóng chưa đúng cách, điển hình là vừa đi ngoài nắng về đã bật điều hòa quá thấp hoặc đi tắm ngay lập tức, khiến cơ thể bị sốc nhiệt, dẫn đến đột quỵ. Bà Hồng bày tỏ: “Chúng tôi khuyến cáo người dân nên nghiên cứu áp dụng những phương pháp chống nóng khoa học. Người già và trẻ em nếu thực sự không có việc gì cần thiết thì nên ở nhà; không nên bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp vì khi đó cơ thể con người sẽ khó thể thích nghi được với sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ trong phòng và ngoài trời”.

Đặc biệt, một trong những cách “giải nhiệt” của trẻ em là kéo nhau đến khu vực ao, hồ, sông để tắm. Theo chị Đào Thu Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Long Biên, những sự cố đáng tiếc với trẻ có thể xảy ra khi các em được nghỉ hè, nhiều khi vui chơi mà không có sự trông nom của phụ huynh. Những năm gần đây, phong trào tắm sông ở khu vực bãi giữa sông Hồng (trên địa bàn quận Long Biên) được một bộ phận giới trẻ cổ xúy. “Thực tế cho thấy các em còn chưa hiểu biết về mức độ nguy hiểm của sông hồ, dòng xoáy và sự sụt lở của bờ sông. Vì vậy, các cấp hội phụ nữ đã tập trung tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống đuối nước cho phụ nữ, trẻ em, đồng thời xây dựng các mô hình, sân chơi cho các em có chỗ vui chơi lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với nhà trường, Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận hằng năm mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn quận. Tuy nhiên, phòng chống đuối nước cho trẻ em trong những ngày hè là công việc cần có có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng” - chị Hải nhấn mạnh.

Cũng trao đổi về vấn đề nói trên, ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, tình trạng đuối nước xảy ra trên toàn quốc là rất nghiêm trọng, nhất là khi mùa hè đến. Ông Bốn khẳng định: Tháng 6 là Tháng hành động vì trẻ em, bởi vậy, mỗi bậc phụ huynh, mỗi gia đình, mỗi tổ dân phố cần phải thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền để các em nhận thức được hành vi tắm tự phát ở các ao, hồ, sông là rất nguy hiểm. Trẻ em tắm ở ao hồ thì phải có sự theo dõi, giám sát của người lớn; nên cho trẻ đến tắm ở những hồ (bể) bơi đã được cấp phép.

Có thể thấy, giải nhiệt, chống nóng là nhu cầu bức thiết của con người. Vấn đề là chúng ta phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về giải pháp chống nóng và áp dụng một cách khoa học, bài bản. Có như vậy thì chúng ta mới có được những ngày hè an toàn, khỏe mạnh.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/muon-kieu-chong-nong-ngay-he-623065.html