Muốn làm được'điều gì đó' ở Olympic
Ánh mắt của cô gái người dân tộc Giáy sáng lên khi nghĩ tới hành trình sắp tới ở Olympic Tokyo. Trong lần đầu tiên được tham dự Thế vận hội, Hoàng Thị Duyên muốn ghi được dấu ấn, giống như những gì mà cô từng làm được ở sân chơi SEA Games hay giải vô địch thế giới.
Nín thở chờ vé đi Olympic
Trong sự nghiệp thi đấu của mình, Hoàng Thị Duyên thừa nhận cô chưa bao giờ hồi hộp, lo lắng và có cả sự phấn khích trong thời gian chờ tấm vé dự Thế vận hội. Thật ra lực sĩ người Lào Cai đã gần như chắc chắn được đi Olympic sau khi xuất sắc giành hai tấm HCĐ tại giải châu Á 2021, tổ chức ở Uzbekistan hồi tháng 4. Trước giải đấu này, Hoàng Thị Duyên xếp hạng bảy trên bảng xếp hạng tích điểm tới Tokyo. Tuy nhiên, với việc mỗi quốc gia chỉ được cử một VĐV tham dự ở một hạng cân, cùng đoàn Triều Tiên rút lui, Duyên vươn lên thứ năm. Với hai tấm HCĐ, Hoàng Thị Duyên chắc suất dự Olympic 2020 (dành cho tám VĐV có thứ hạng cao nhất) ở nội dung 59 kg nữ.
Thế nhưng, Hoàng Thị Duyên vẫn chưa thể ăn mừng với tấm vé dự Thế vận hội do án phạt dính doping của bốn đô cử Việt Nam trong thời gian diễn ra vòng loại Olympic 2020, nên cô và các đồng đội phải thấp thỏm chờ đợi. Đây đều là những trường hợp không liên quan gì đến Hoàng Thị Duyên, nhưng Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) quy định, bất kỳ quốc gia nào vi phạm doping từ ba lần trở lên trong thời gian diễn ra vòng loại Olympic đều có thể bị mất số lượng hạn ngạch hoặc bị cấm tham dự. “Tôi và các đồng đội như ngồi trên đống lửa, thấp thỏm, lo lắng. Nếu án phạt được đưa ra, mọi công sức của chúng tôi sẽ bị đổ xuống sông, xuống biển. Cứ nghĩ tới chuyện này tôi lại khóc...”, Hoàng Thị Duyên nghẹn ngào.
Cuối cùng, cử tạ Việt Nam bị IWF phạt giảm một suất góp mặt ở Olympic Tokyo. Trước đó, Việt Nam có ba suất đủ tiêu chuẩn gồm Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên và Vương Thị Huyền. Với án phạt trên, Ban huấn luyện buộc phải lựa chọn bỏ ai, lấy ai ở các hạng cân của nữ. Và Hoàng Thị Duyên là người được lựa chọn. Đây là kết quả không quá bất ngờ bởi theo giới chuyên môn nhìn nhận, cô gái quê Lào Cai có nhiều cơ hội hơn ở đấu trường Olympic.
“Ngay khi biết tin vui, tôi đã gọi điện báo với gia đình và thông báo với bạn bè trên trang Facebook cá nhân. Cảm xúc thật khó tả, sau những ngày rất dài chờ đợi trong lo lắng, tấm vé Olympic đến với chúng tôi càng trở nên ý nghĩa”, đô cử người dân tộc Giáy chia sẻ trong niềm vui mà cô chưa từng trải qua.
Phá giới hạn bản thân
Hoàng Thị Duyên thừa nhận tấm HCV SEA Games là mơ ước mà cô quyết thực hiện sau hơn 10 năm theo nghiệp cử tạ. Phải tới kỳ SEA Games 30 được tổ chức tại Philippines năm 2019, lực sĩ sinh năm 1996 mới làm được điều mà mình mong mỏi.
Duyên đạt tổng cử 210 kg, đồng thời thiết lập kỷ lục của đại hội. Tấm HCV của lực sĩ người Lào Cai giúp đội tuyển cử tạ Việt Nam vượt chỉ tiêu HCV và có thêm điểm số cho một giấc lớn hơn rất nhiều: Olympic. Hình ảnh Hoàng Thị Duyên bước lên bục nhận huy chương, rồi bật khóc nức nở khi nhạc quốc ca vang lên, khiến tất cả phải xúc động.
Tấm HCV lịch sử đó đã tiếp thêm rất nhiều động lực cho Hoàng Thị Duyên. Tại Cúp thế giới diễn ra ở Roma năm 2020, trước nhiều đối thủ mạnh, lực sĩ người Việt Nam đã xuất sắc giành cả ba HCV với thành tích tốt nhất ở nội dung cử giật (97 kg), cử đẩy (116 kg) và tổng cử (213 kg). “Mặc dù thành tích trên đã tốt hơn so với khi giành HCV SEA Games 30 cuối năm ngoái, nhưng đấy chưa phải thành tích tốt nhất của tôi. Thực tế, thành tích tốt nhất tôi đạt được là tại giải Vô địch thế giới 2018 với tổng cử 223 kg (103 kg, 120 kg). Còn trong quá trình tập luyện để chuẩn bị cho SEA Games 30 tôi cũng từng đẩy được tổng cử lên tới 228 kg (103kg, 125 kg). Đấy cũng là mức tốt nhất của tôi từ trước đến nay”, Hoàng Thị Duyên chia sẻ.
Tập cử tạ là luôn xác định dính chấn thương bất cứ khi nào, khi mỗi ngày các VĐV phải giật, phải gánh, đẩy hàng nghìn cân tạ. Năm 2017, Hoàng Thị Duyên gặp phải chấn thương nặng rách sụn trên khớp gối khi Giải vô địch cử tạ thế giới đang gần kề. Đứng trước sự lựa chọn hoặc phải phẫu thuật và rồi nghỉ thi đấu trong vòng sáu tháng hoặc kết hợp vừa tập luyện vừa trị liệu, Hoàng Thị Duyên đã quyết định chọn phương án thứ hai.
Luôn chuẩn bị tâm lý để đối mặt với những chấn thương, nhưng đó là khoảng thời gian Duyên cảm thấy suy sụp và chán nản nhất. “Sau khi biết tin, mẹ đã nhắn với tôi rằng thành tích cũng quan trọng, nhưng sức khỏe của con quan trọng nhất, mệt mỏi thì về nhà nhé. Nhưng khi chứng kiến các đồng đội đã từng chấn thương rồi trở lại mạnh mẽ, tôi đã tự động viên vượt qua chướng ngại tâm lý, chiến thắng chính mình”, Duyên kể lại.
Với khát khao chinh phục đỉnh cao và chiến thắng bản thân mạnh mẽ, Hoàng Thị Duyên cho biết niềm vui mà thể thao mang lại cho cô chính là khám phá giới hạn của bản thân và nỗ lực từng bước phá vỡ nó.
“Đây là môn thể thao đòi hỏi sức khỏe, thể chất đặc biệt, bởi cường độ tập luyện rất cao mỗi ngày khi nâng lên hạ xuống nhiều lần các trọng lượng tạ khác nhau, mà lần sau thường nặng hơn trước và tất nhiên nặng gấp nhiều lần cân nặng bản thân. Có nhiều khi cơ thể không hồi phục kịp, kéo theo tình trạng cơ bắp bị mỏi mệt rã rời. Nó khiến tôi nhiều đêm mất ngủ và tất nhiên sáng hôm sau trở lại sàn tập quả thật mệt mỏi vô cùng.
Ngoài ăn bữa chính tối đến tôi còn ăn bữa phụ. Nhiều lần không thể nuốt nổi vì thức ăn đã đầy lên đến cổ họng, cố gắng ăn là bị nôn và công sức hôm đó coi như bỏ phí. Đôn cân và sức ép ăn uống đã trở thành nỗi ám ảnh với tôi một thời gian dài sau đó”, Duyên chia sẻ về những gian khổ trong tập luyện.
“Tuổi đời VĐV thể thao chuyên nghiệp tuy ngắn và rất khắc nghiệt, nhưng lại mang tới rất nhiều niềm vui. Tôi đã đánh đổi nhiều thứ, đánh đổi cả tuổi thanh xuân cho việc tập luyện, thi đấu, để có một chút thành công như ngày hôm nay, như thế cũng là hạnh phúc lắm rồi khi mình đã là một trong số ít VĐV Việt Nam dự Olympic”, Hoàng Thị Duyên nghẹn ngào nói.
Nghề chọn người
Nói về cái duyên đến với cử tạ, nữ lực sĩ trẻ ngậm ngùi: “Ngày nhỏ, tôi thường trốn nhà, mỗi ngày cuốc bộ gần 15 km để đi tập tạ do bố mẹ ngăn cấm, kịch liệt phản đối suốt khoảng thời gian dài. Sau đó HLV và tôi liên tục tìm cách thuyết phục. Bản thân tôi cũng luôn cố gắng tập luyện và nỗ lực hết sức thi đấu giải trong nước mang về tấm huy chương để bố mẹ tin tưởng và chấp nhận cho tôi theo cử tạ. Mình chọn nghề không bằng nghề chọn mình. Vậy nên, tôi nghĩ mình đến với cử tạ thật là duyên số và cái nghề này đã chọn mình. Nếu được chọn lại tôi vẫn sẽ đi theo cử tạ”.
Từ một cô bé trốn bố mẹ đi tập tạ, giờ đây Hoàng Thị Duyên đường hoàng bước tới Olympic - giải đấu đỉnh cao, nơi quy tụ những VĐV hàng đầu thế giới. Dù thành tích của Duyên vẫn còn khoảng cách xa với các đối thủ tranh huy chương, nhưng sau bao lần vượt qua biến cố, vượt qua những thử thách lớn, cô gái người dân tộc Giáy muốn làm nên bất ngờ ở sân chơi Thế vận hội. “Cơ hội sẽ đến khi mình nỗ lực hết sức. Cử tạ Việt Nam từng giành được hai huy chương trong quá khứ và đây chính là động lực để tôi quyết làm được điều gì đó ở Tokyo”, Hoàng Thị Duyên tự tin nói.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/the-thao-hangthang/muon-lam-duocdieu-gi-do-o-olympic-657206/