Muốn làm luật sư, phải tập sự hành nghề
Để trở thành luật sư, phải có bằng cử nhân luật, chứng chỉ đào tạo kỹ năng hành nghề luật sư và có thời gian tập sự hành nghề luật sư. Đây là điểm đáng chú ý khi Bộ Tư pháp lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư, thay thế Luật Luật sư năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2012.
Đề xuất phải tập sự hành nghề
Theo dự thảo, nếu muốn trở thành luật sư, tất cả các trường hợp (như kiểm sát viên, thẩm phán, điều tra viên...) phải qua tập sự hành nghề luật sư. Việc miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề cần phải được quy định chặt chẽ. Đối với người đang được miễn tập sự hành nghề luật sư (thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp...) sẽ phải qua khóa đào tạo nghề ngắn hạn.
“Mặc dù các trường hợp nêu trên có kinh nghiệm, kiến thức về pháp luật, có chuyên môn trong quá trình công tác, nhưng kỹ năng hành nghề luật sư, trách nhiệm, đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư có đặc thù riêng” - dự thảo báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tư pháp thông tin.
Quy định nêu trên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, tăng cường trách nhiệm tự quản, vai trò quản lý của các đoàn luật sư. Qua đó, Bộ Tư pháp đề xuất 2 phương án về việc miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư. Phương án 1, quy định về trường hợp được miễn, giảm tập sự hành nghề luật sư. Phương án 2, quy định tất cả trường hợp phải tập sự hành nghề luật sư, không được miễn.
Chỉ giảm, không nên miễn
Theo luật sư Trịnh Văn Hiệp (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam), nên bỏ trường hợp được miễn tập sự hành nghề luật sư. Theo ông, luật sư là nghề rất đặc thù, tác động và va chạm với hầu hết mọi địa vị, tầng lớp, “số phận” những con người, tổ chức trong xã hội. Luật sư phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể được thực thi đúng pháp luật, tôn trọng công lý, lẽ công bằng.
"Vì vậy, người hành nghề luật sư ngoài có kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ còn phải am hiểu nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, luật sư phải có các kỹ năng mềm như biết lắng nghe, chia sẻ, hiểu về tâm lý, cách sống… Do đó, việc miễn thời gian tập sự hành nghề luật sư cho một số trường hợp là không nên. Họ có thể am hiểu pháp luật, giải quyết vụ việc trên cơ sở pháp luật, nhưng để hành nghề luật sư thì còn nhiều yếu tố như đã phân tích. Vì vậy, có thể xem xét giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư, chứ không nên miễn" - luật sư Hiệp nêu quan điểm.
Cùng vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Văn Trung (Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh), từ thực tiễn hoạt động hành nghề luật sư, chỉ có chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật và tiến sĩ luật mới được miễn tập sự hành nghề (và miễn đào tạo nghề).
Các chức danh khác bắt buộc phải được đào tạo nghề luật sư và phải tập sự hành nghề. Lý do, thẩm phán, kiểm sát viên là người nắm vững luật, có kinh nghiệm và cùng trực tiếp tiến hành công tác xét xử tại phiên tòa với sự tham gia của luật sư. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật và tiến sĩ luật là những người thầy đào tạo cử nhân luật và thạc sĩ luật.
Từ đó, đề nghị quy định chỉ có thẩm phán, kiểm sát viên, giáo sư và phó giáo sư ngành luật, tiến sĩ luật được miễn tập sự hành nghề (và miễn đào tạo nghề luật sư). Thẩm phán, kiểm sát viên phải có thời gian công tác thẩm phán, kiểm sát viên liên tục ít nhất 5 năm (1 nhiệm kỳ) và thời gian từ lúc nghỉ làm thẩm phán, kiểm sát viên đến lúc gia nhập đoàn luật sư nhiều nhất không quá 2 năm. Còn đối với các chức danh khác đều phải qua đào tạo và tập sự hành nghề luật sư.
Nên quy định thời gian tập sự bằng 1/3
Theo luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao), các chức danh thực hành ngành luật đều có kiến thức pháp luật tổng hợp về hình thức và nội dung. Tuy nhiên, đang thực thi pháp luật mang tính chuyên sâu khác nhau, nên mỗi ngành nghề lại có lối tư duy khác nhau.
Ví dụ, viện kiểm sát tư duy theo hướng buộc tội, còn luật sư tư duy theo hướng gỡ tội. Tòa án tư duy theo hướng đánh giá chứng cứ tòa thu thập, do các bên cung cấp và áp dụng đúng pháp luật để có phán quyết đúng đắn đảm bảo tính khách quan của vụ án, còn luật sư tư duy theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một bên đương sự yêu cầu...
Thẩm phán, viện kiểm sát khi tiến hành tố tụng ở vị thế mang tính công quyền, làm việc với đương sự hay bị can, bị cáo đều mang tính xét hỏi, phán xét. Trong khi đó, luật sư mang tính tư quyền nên luôn là chỗ dựa cho thân chủ mình. Họ luôn cần luật sư tư vấn, giải thích quyền lợi, nghĩa vụ đối với mình để hiểu biết, yên tâm hơn.
Bên cạnh đó, các thành phần, nghề nghiệp khác không tham gia tranh tụng tại tòa hay trọng tài, nên sẽ thiếu kiến thức thực tiễn, từ đó “hổng” về kỹ năng tranh tụng. Trong khi nghề luật sư đòi hỏi phải thực hiện tốt kỹ năng tiếp xúc, tư vấn cho khách hàng - điều mà các đối tượng được miễn giảm tập sự hành nghề luật sư - quy định tại Điều 16, Luật luật sư. “Tôi ủng hộ phương án 2. Đối với thẩm phán và viện kiểm sát, thời gian tập sự nên khoảng 1/3 so với các trường hợp khác, vì họ có kiến thức thực tiễn qua tranh tụng tại tòa” - luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh đề xuất.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/muon-lam-luat-su-phai-tap-su-hanh-nghe-a398550.html