Muốn nâng tầm thương hiệu, doanh nghiệp phải chuyên nghiệp, bền bỉ
Những năm gần đây, Việt Nam đã có bước phát triển tích cực trong việc nâng tầm hình ảnh, trong đó giá trị thương hiệu của nhiều doanh nghiệp đã tạo được ấn tượng nhất định. Song để duy trì, phát triển bền vững, doanh nghiệp phải có chiến lược lâu dài, bền bỉ.
Gia tăng giá trị thương hiệu doanh nghiệp Việt
Theo tổ chức Brand Finance (Vương quốc Anh), thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022, đồng thời Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019 - 2022).
Bên cạnh sự phát triển của thương hiệu quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước có mức tăng trưởng 36%.
Bộ Công Thương đánh giá, những số liệu trên là minh chứng cho thấy tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu Việt được đánh giá bằng xấp xỉ GDP của Việt Nam, trên 400 tỷ USD. Số doanh nghiệp Việt có giá trị hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD cũng đang tăng dần. Quan trọng nhất là nhiều doanh nghiệp khi có được giá trị thương hiệu ở quy mô lớn nhưng vẫn giữ và được cải thiện chứ không phải đi xuống hay biến mất.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho hay, điều tích cực hơn nữa đó là doanh nghiệp Việt ngày càng nhận thức được ý nghĩa của việc gắn liền nâng cao nền tảng văn hóa, sức cạnh tranh và giá trị thương hiệu. Nhận thức này không chỉ ở doanh nghiệp lớn mà còn gắn với rất nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Nhờ đó, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đã hiện diện tại nhiều thị trường trên thế giới; đồng thời nhiều thương hiệu đã ghi dấu ấn tại nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp một số rào cản khiến doanh nghiệp khó nâng tầm giá trị thương hiệu, trước tiên đó là rào cản xuất phát từ nội tại của doanh nghiệp mà tự thân mỗi doanh nghiệp phải không ngừng vươn lên. Bên cạnh đó, rào cản với doanh nghiệp còn là do tác động của môi trường bên ngoài. Đơn cử, nếu môi trường kinh doanh thiếu ổn định, thiếu tính dự báo và cạnh tranh không lành mạnh… doanh nghiệp sẽ bị cuốn vào vòng xoáy trước mắt, làm giảm nguồn lực phát triển bài bản, lâu dài.
Nâng giá trị sản phẩm, coi trọng văn hóa doanh nghiệp
Thế giới đã biết đến Việt Nam nhiều hơn thông qua các giao dịch, hoạt động kết nối trong chuỗi cung ứng, thương mại, xuất nhập khẩu… Đây là những cơ hội lớn để doanh nghiệp nâng cao tầm nhìn, tạo dựng khát vọng xây dựng phát triển thương hiệu quốc gia.
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, thương hiệu chính là khẳng định lòng tin và đi đến kết nối, thỏa thuận các giao dịch kinh tế. Thương hiệu cũng là một phần quan trọng của sản phẩm mà người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm.
Theo nhận định TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), việc xây dựng thương hiệu trong nước đã rất khó, xây dựng thương hiệu tại nước ngoài lại càng khó hơn do không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực, có quy trình sản xuất bài bản, kiểm soát chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường để có sản phẩm tốt nhất, có ưu việt.
Do đó để xây dựng, phát triển thương hiệu và gia tăng thị phần tại nước ngoài, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, thay đổi không ngừng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường. Cùng với đó, quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ là chìa khóa quan trọng để xây dựng chỗ đứng cho hàng Việt. Mặt khác, cần gia tăng tìm kiếm các liên kết xây dựng thương hiệu qua kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất, nhà phân phối trong và ngoài nước thu hút đầu tư để sản xuất, xuất khẩu hàng hóa chất lượng.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, trong xây dựng, nâng tầm thương hiệu, điều quan trọng nhất của doanh nghiệp là phải có tầm nhìn, khát vọng phát triển, đổi mới hệ thống để tạo nên giá trị cho sản phẩm và dịch vụ; đồng thời luôn nhận thức được các giá trị của văn hóa doanh nghiệp qua cách ứng xử, sự chuyên nghiệp, sự tử tế trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo dựng niềm tin với cộng đồng, người tiêu dùng, đối tác.
Ngoài nỗ lực doanh nghiệp, việc thăng hạng hơn về giá trị thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự nỗ lực của người dân và của các cơ quan bộ, ngành và Chính phủ. Theo đó, cần có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh qua việc tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng.
Dù doanh nghiệp có nỗ lực đến mấy mà môi trường kinh doanh không thuận lợi như chi phí giao dịch cao, thủ tục hành chính rườm rà cũng sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp, làm thui chột nỗ lực xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.