Muốn nhanh làm chủ công nghệ, hãy chọn công nghệ mở
Việt Nam đã theo đuổi xu hướng công nghệ mở từ những năm 2000, nhưng kết quả không đáng kể. Trong khi đó, 60% các dự án AI (trí tuệ nhân tạo) trên thế giới năm 2024 dựa trên nền tảng công nghệ mở.
Ông Ngô Hồng Sơn, Chủ tịch Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) chia sẻ với Báo VietNamNet về hiện trạng và mong muốn phát triển công nghệ mở tại Việt Nam.
Lựa chọn đột phá trong thời đại AI
- Vì sao công nghệ mở là lựa chọn đột phá trong thời đại AI, thưa ông?
Ông Ngô Hồng Sơn: Theo thống kê, năm 2024 có hơn 70.000 dự án AI tạo sinh nguồn mở công khai mới, chiếm khoảng 60% tổng số dự án AI. Hơn 100 quốc gia ưu tiên ứng dụng phần mềm nguồn mở trong cơ quan chính phủ, và 69% các nhà công nghệ trong khu vực công muốn tăng cường sử dụng phần mềm nguồn mở.
Để làm chủ công nghệ, cần hiểu biết sâu về công nghệ đó. Kế thừa và phát triển các nền tảng mở, sau đó công bố “mở” để cộng đồng cùng đánh giá và phát triển tiếp là cách hiệu quả để làm chủ công nghệ. Nếu mua công nghệ đóng hoặc tự phát triển từ đầu, rất khó để nhanh chóng bắt kịp thế giới.
- Việt Nam đã làm gì trong hành trình ứng dụng công nghệ mở trong các dự án AI?
Việt Nam đã bắt nhịp nhanh với xu hướng công nghệ mở từ những năm 2000 và gần đây cũng nhanh chóng “bắt trend” AI.
Người Việt có thế mạnh về nguồn nhân lực trình độ cao với năng lực nghiên cứu chuyên sâu và khả năng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều nhóm nghiên cứu AI của Việt Nam đã công bố công trình nghiên cứu khoa học chất lượng tại các hội nghị hàng đầu thế giới về AI.
Một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư hạ tầng để huấn luyện các mô hình AI, phục vụ phát triển sản phẩm và cung cấp dịch vụ toàn cầu.
- Cộng đồng doanh nghiệp Việt đang ở mức độ nào trong việc nắm bắt cơ hội từ công nghệ mở?
Lấy ví dụ về giai đoạn phát triển của Cloud Computing (điện toán đám mây), các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều có thị phần khá lớn sử dụng nền tảng mở.
Ứng dụng công nghệ mở và AI mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp cả nhỏ và lớn. Quan trọng là doanh nghiệp có tận dụng được đúng thời cơ để gia tăng lợi thế kinh doanh hay không.
Nhìn ra thế giới, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh tay cho công nghệ mở, nên tính chủ động về công nghệ cao hơn doanh nghiệp Việt. Ví dụ, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư rất "khủng" cho công nghệ mở để làm chủ công nghệ.
Việt Nam cũng đã quan tâm từ sớm nhưng tiến độ chậm do thiếu sự chia sẻ. Nhiều doanh nghiệp sau khi phát triển sản phẩm từ công nghệ mở lại đóng lại, không hỗ trợ cộng đồng phát triển tiếp, làm giảm sức mạnh của cộng đồng nguồn mở.
Cần chính sách ưu tiên cho công nghệ mở
- Việt Nam đã có nhiều văn bản, chính sách đề cập tới công nghệ mở hay chưa?
VFOSSA đã đóng góp ý kiến và thuyết phục người làm chính sách đưa công nghệ mở vào nhiều văn bản pháp luật. Tại Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: “Công nghệ mở là lựa chọn để làm chủ công nghệ”. Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 cũng ưu tiên công nghệ mở.
Tuy nhiên, gần đây sự quan tâm của cộng đồng tới công nghệ mở chưa được như mong đợi. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia khẳng định quyết tâm “Việt Nam phải làm chủ công nghệ”. Điều này cần hiểu là muốn làm chủ công nghệ thì cần chọn các giải pháp, trong đó ưu tiên công nghệ mở.
VFOSSA sẽ tiếp tục kiên trì góp ý chính sách để công nghệ mở được áp dụng rộng rãi hơn trong mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong kỷ nguyên AI.
- Mong muốn lớn nhất của ông khi đề cập tới chính sách liên quan công nghệ mở là gì?
VFOSSA mong muốn các dự án đầu tư công hoặc đề tài khoa học công nghệ, nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước đều phát triển dựa trên nền tảng công nghệ mở để tăng cường tính minh bạch.
Nhìn ra thế giới, Thụy Sĩ đã yêu cầu tất cả các dự án đầu tư công phải công bố mã nguồn và sử dụng công nghệ mở để giám sát sự minh bạch.
Trong năm 2024, VFOSSA đã tư vấn cho Tập đoàn công nghệ Vietsens triển khai mở hóa mã nguồn trong dự án OpenHIS, hiện đã được dùng trong nhiều cơ sở như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam... Đây là một nỗ lực đóng góp cho cộng đồng nguồn mở từ một doanh nghiệp.
Nếu nhiều hơn nữa các doanh nghiệp của Việt Nam cũng có các dự án phần mềm nguồn mở, đặc biệt là trong các dịch vụ công, sẽ có lợi cho Việt Nam về lâu dài.
- Ông dự đoán thế nào về vị thế của Việt Nam trong khu vực về phát triển công nghệ mở đến năm 2030?
Nếu Việt Nam có chính sách ưu tiên cụ thể, sẽ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mở, từ đó nâng cao khả năng làm chủ công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Đến nay, số lượng dự án nguồn mở của Việt Nam vươn ra thế giới vẫn chưa nhiều.
Hy vọng đến năm 2030, với sự chung tay của cả cộng đồng và chính sách hỗ trợ từ nhà nước, Việt Nam sẽ có những dự án nguồn mở xứng tầm, đóng góp tích cực cho cộng đồng thế giới.
Ông Bùi Quốc Huy, Founder & CEO Công ty TNHH Edtech Cole: 5 cấp độ phát triển AI
+ Cấp độ 1: AI hoạt động theo quy tắc (1950-1980), dựa trên những câu lệnh lập trình do con người cài đặt. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang ở cấp độ 1, ứng dụng AI trong nhà máy sản xuất, trong thiết bị, máy móc IoT, hoặc các hoạt động liên quan việc lập trình dựa theo nguyên tắc.
+ Cấp độ 2: AI liên quan học máy (1980 - 2010), có khả năng tự học dựa trên dữ liệu đầu vào đã được định nghĩa và dán nhãn. Ứng dụng AI cấp độ 1 rất phổ biến trong việc phân tích dữ liệu khách hàng, quản trị rủi ro, đầu tư tự động (chẳng hạn bot đầu tư chứng khoán)…
+ Cấp độ 3: AI liên quan học sâu (2010 - 2020), đang rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là sau khi Chat GPT ra đời, nâng cao hiệu quả xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hình ảnh. Cấp độ này sử dụng AI dựa trên mô hình mô phỏng não người, có thể đưa ra gợi ý hoặc những bài toán gần sát với dự đoán của con người.
+ Cấp độ 4: AI tổng quát (2028-2029). Ứng dụng AI có khả năng mô phỏng được não người một cách thông minh và chính xác hơn so với cấp độ 3.
+ Cấp độ 5: AI siêu thông minh (đến 2045). AI sẽ làm thay con người những công việc như tự lập trình, xây dựng robot, tự thiết kế những bài toán đầu vào - đầu ra... mà không cần sự tham gia của con người.