Muốn phát triển kinh tế xanh, giao thông phải đi trước

Đó là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM trong hội thảo 'Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM'.

Chiều 22/8, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp cùng HĐND TP, Trường ĐH GTVT tổ chức hội thảo "Chính sách và giải pháp về GTVT cho phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM".

Vận tải phát thải 13 triệu tấn carbon/năm

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện có hơn 9,4 triệu dân, các hoạt động kinh tế - xã hội luôn diễn ra rất sôi nổi. Điều này cũng khiến nhu cầu giao thông tại TP.HCM gia tăng nhanh chóng, gây áp lực lên hệ thống giao thông đô thị.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Theo thống kê đến cuối năm 2023, TP.HCM có khoảng 10 triệu xe, trong đó có hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu xe của người dân nhập cư. Mỗi năm, TP.HCM phát thải khoảng 35 triệu tấn carbon, trong số này, khoảng 13 triệu tấn do giao thông vận tải.

Theo bà Lệ, TP.HCM đặt mục tiêu cắt giảm 90% ô nhiễm không khí đối với ngành GTVT trong giai đoạn 2020-2030.

Toàn cảnh hội thảo "Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM". Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Toàn cảnh hội thảo "Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM". Ảnh: Mỹ Quỳnh.

"Tại hội thảo, các chuyên gia sẽ đánh giá tiềm năng, khả năng chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, nhằm hướng đến phát triển giao thông xanh, phát triển đô thị xanh và bền vững ở TP.HCM", bà Lệ nói.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT nhận định, phát triển kinh tế xanh là mô hình kinh tế tập trung, không gây ảnh hưởng đến những hoạt động khác. Đồng thời, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT nhận định muốn phát triển kinh tế xanh thì ngành GTVT phải đi trước một bước. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT nhận định muốn phát triển kinh tế xanh thì ngành GTVT phải đi trước một bước. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Năm 2023, Trường ĐH GTVT đã phối hợp nghiên cứu và cho thấy, hơn 50% lượng phát thải carbon đến từ hoạt động GTVT. Do đó, việc đặt ra chính sách, chuyển đổi xanh cho lĩnh vực GTVT là hết sức cần thiết. Để phát triển TP.HCM thành đô thị xanh thì ngành GTVT cũng phải đi trước một bước.

Theo ông Long, muốn giảm phát thải từ giao thông, cần thiết phải phát triển giao thông công cộng xanh như đầu tư xe điện, xe buýt sạch; khuyến khích sử dụng giao thông công cộng. Hoặc ưu tiên hạ tầng cho phương tiện không gây ô nhiễm như xe đạp, đi bộ...

Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP.HCM tiếp giáp biển và có hệ thống rừng ngập mặn rộng lớn. Ảnh: A.X.

Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP.HCM tiếp giáp biển và có hệ thống rừng ngập mặn rộng lớn. Ảnh: A.X.

Gần 1.000 tỷ đồng để Cần Giờ chuyển xe xăng sang xe điện

Cũng tại hội thảo, TS.Phan Thụy Kiều, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chia sẻ, đến năm 2030, Cần Giờ sẽ phát triển thành thành phố biển tăng trưởng xanh, thông minh và thân thiện với môi trường. Hiện tại, Cần Giờ đang xây dựng các chương trình phát triển giao thông xanh, sử dụng xe điện, xe nhiên liệu sạch nhằm đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2030.

Theo bà Kiều, xe máy là phương tiện gây ra lượng phát thải gây ô nhiễm không khí cao nhất tại Cần Giờ, chiếm trên 70% phương tiện lưu thông. Mỗi năm, xe máy phát thải khoảng 7.453 tấn carbon, khoảng 629 tấn khí HC. Ngoài ra, xe khách, xe buýt cũng góp phần gây ra khoảng 699 tấn/năm khí NOx.

Nhóm nghiên cứu đề xuất thực hiện thí điểm chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện tại huyện Cần Giờ cho đối tượng là hộ cận nghèo và cá nhân, hộ gia đình là chủ sở hữu phương tiện giao thông theo quy định.

Cụ thể, ưu đãi hỗ người dân, hộ gia đình chuyển đổi sang xe máy điện; phát triển giao thông công cộng xanh; phát triển hạ tầng thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng...

Tổng kinh phí chuyển đổi khoảng 974,4 tỷ đồng chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đến năm 2025 là 319 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 655,4 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách khoảng 384,1 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, xã hội hóa khoảng 590,4 tỷ đồng.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, Sở được giao thực hiện đề án phát triển vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát xe cá nhân và đề án kiểm soát khí thải.

Hiện, đề án này đang được thí điểm tại huyện Cần Giờ với hai giai đoạn. Trước mắt, trong giai đoạn một, Sở GTVT chuyển đổi phương tiện giao thông sang năng lượng xanh, sử dụng điện và CNG, thí điểm đối với phương tiện công cộng (xe buýt).

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/muon-phat-trien-kinh-te-xanh-giao-thong-phai-di-truoc-192240822164035389.htm