Muốn phát triển, thịnh vượng phải tăng năng suất lao động
Sau 3 năm không đạt, đến năm 2024 chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) xã hội của Việt Nam đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, tăng 7,09%. Các chuyên gia cho rằng, đây là tiền đề quan trọng và chúng ta có quyền kỳ vọng vào việc tăng tốc, bứt phá để tiến tới mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023). Tính theo giá so sánh, NSLĐ tăng do trình độ của người lao động được cải thiện.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, NSLĐ quyết định đến chất lượng và hiệu quả của sản xuất. NSLĐ có ý nghĩa rất quan trọng vì muốn tăng thu nhập, tăng tiền lương thì đều phụ thuộc vào NSLĐ. Nếu NSLĐ ko tăng lên thì không thể tăng được hiệu quả sản xuất, không tăng được tiền lương. Đặc biệt, NSLĐ tác động đến sự thay đổi tính chất của nền sản xuất, chúng ta có vượt qua được bẫy thu nhập trung bình hay không thì phải phụ thuộc vào NSLĐ. Do vậy, NSLĐ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nó không chỉ quyết định chất lượng, hiệu quả của sản xuất mà còn thay đổi cơ bản các chỉ tiêu cũng như chiêu thức để chúng ta có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, bước vào kỷ nguyên mới, tiến tới tăng trưởng cao để trở thành nước phát triển trong thời gian tới.
TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích, năm 2024, NSLĐ tăng 5,88%, vượt mức Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đây là năm đầu tiên sau 4 năm chúng ta ko đạt được mục tiêu về tỷ lệ tăng NSLĐ. Tăng NSLĐ trong năm qua chủ yếu là tăng năng suất ở khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước. Năng suất của khu vực kinh tế nhà nước tăng là do việc tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước, do đó hầu hết doanh nghiệp nhà nước đều có lãi. Với khu vực kinh tế tư nhân thì không chỉ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng NSLĐ mà ngay cả các doanh nghiệp tư nhân trong nước, NSLĐ cũng tăng lên một cách đáng kể. Từ đó làm cho NSLĐ của đất nước tăng lên.
NSLĐ trong năm 2024 tăng cũng giúp cho NSLĐ trong giai đoạn 2021-2024 tăng lên. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong số các nước tăng trưởng cao. Đây là tiền đề để chúng ta có thể đẩy mạnh tăng NSLĐ trong năm 2025.
Với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 mà Chính phủ đặt ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra một số khó khăn hiện hữu. Theo ông, đây sẽ là một năm có nhiều biến động và khó đoán định, bởi chính sách của nước mỹ nói riêng và của các quốc gia lớn trên thế giới chưa rõ ràng. Tuy nhiên vẫn hy vọng, trong nhiệm kỳ tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể giải quyết một cách hài hòa các xung đột trên thế giới và giảm thiểu đến mức tối đa việc bùng nổ nguy cơ chiến tranh. Làm được điều này thì kinh tế thế giới sẽ ổn định và phát triển. Nếu giải quyết được các xung đột với Nga và Trung Đông thì tăng trưởng kinh tế sẽ đột phá, nếu kinh tế nước Mỹ tăng trưởng tốt, giao thương sẽ đẩy lên, thu nhập của người Mỹ được cải thiện thì hàng hóa nhập khẩu của ta vào Mỹ sẽ tăng cao, từ đó sẽ có thu nhập cao hơn.
“Bất ổn về mặt kinh tế, chính trị vẫn đang hiện hữu, chưa nói đến việc nếu Mỹ đánh thuế quá cao các mặt hàng nhâp khẩu… Nói chung còn nhiều bất ổn, chưa kể đến các xung đột trên thế giới tiếp tục kéo dài sẽ gây bất ổn tình hình thế giới, giá cả hàng hóa không ổn định. Hoạt động kinh tế của chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp, đang trong thời kỳ tinh giản, tinh gọn bộ máy. Nếu chúng ta làm tốt việc này thì sẽ là động lực để thúc đẩy NSLĐ cũng như tăng trưởng kinh tế tốt hơn”, ông Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2024, tăng trưởng của nền kinh tế tương đối tốt, với mức tăng 7,09%. Tuy nhiên, so với thế giới thì mức tăng trưởng này vẫn là thấp, Việt Nam vẫn ở trong nhóm các nước đang phát triển. Với mức tăng trưởng đạt và vượt chỉ tiêu đều ra, chúng ta vui nhưng không nên “lạc quan thái quá” vì còn phải làm rất nhiều việc nữa để đưa NSLĐ của nền kinh tế đất nước lên mức cao hơn. Việt Nam đã vào nhóm trung bình của các nước có thu nhập trung bình, tới đây có thể vào nhóm cao của các nước có thu nhập trung bình. Tuy vậy vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước trong nhóm cao của nhóm thu nhập trung bình và phải phấn đấu nhiều hơn nữa để có thể đạt được NSLĐ cao cũng như cải thiện GDP bình quân đầu người.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, NSLĐ luôn là chỉ tiêu quan trọng vì chúng ta phải có con số định lượng để hiểu rằng, NSLĐ của Việt Nam đang ở đâu và so với các nước xung quanh thế nào. Chỉ tiêu về định lượng là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất để quyết định vị trí của NSLĐ trong vị trí toàn cầu. Ngoài ra, cũng cần những chỉ tiêu mang tính định tính để xác định sự tăng tiến của người lao động trên tất cả mọi phương diện, nhất là trong bối cảnh chúng ta bước vào giai đoạn mới của sự phát triển.
“Điều quan trọng, chúng ta không chỉ nhìn về con số mang tính chất định lượng mà phải nhìn về các chỉ tiêu định tính. Chẳng hạn, nói về người lao động thì phải nói đến chất lượng cuộc sống của người lao động, nơi ăn chốn ở, môi trường sống của họ, phương tiện di chuyển, chế độ đãi ngộ người lao động, rồi tiếng nói của người lao động, những yếu tố đó cần phải quan tâm chứ không chỉ có nhìn vào con số tăng trưởng”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Năm 2025 mục tiêu của chính phủ đặt ra là tăng trưởng kinh tế 8%, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu này tương đối cao so với “sức khỏe” cũng như tiềm năng, khả năng của nền kinh tế. Việt Nam có tiềm năng và dư địa tăng trưởng cao nhưng quan trọng là có thay đổi được cơ chế hay không và nhìn vào những động lực gì để tăng trưởng thì đây là bài toán không hề đơn giản.
Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, trước hết chúng ta phải ổn định về cơ cấu lãnh đạo và phải bắt tay ngay vào quá trình thực hiện tổ chức quản lý sản xuất cũng như kinh doanh thì mới có thể ổn định và phát triển được. Cùng với đó, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế phải quyết tâm giữ vững, bởi nếu không giữ được cân đối vĩ mô này thì kinh tế đất nước rất khó có thể phát triển mạnh. Việc ổn định giá trị VNĐ so với đồng USD phải được coi là quyết sách để từ đó ổn định các cân đối vĩ mô, ổn định nền kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu để tăng trưởng kinh tế.
"Cần đổi mới, cải cách các cơ chế, đặc biệt là áp dụng số hóa nền kinh tế, thực hiện liên thông về số giữa các bộ, ban, ngành, xây dựng kho dữ liệu số về các vấn đề kinh tế - xã hội để đổi mới quản lý hành chính, giảm thiểu các chi phí tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường cũng như các yêu cầu tăng NSLĐ. Tiếp đó là đẩy mạnh công cuộc tinh giản bộ máy, tinh gọn bộ máy, chọn những người đủ tầm, đủ tâm, đủ tài để thực hiện việc quản lý nhà nước, từ đó góp phần tăng NSLĐ, đây cũng là động lực để tăng NSLĐ trong các nền kinh tế”, TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Chính phủ cần có kịch bản khác nhau, nếu tăng trưởng không đạt được 8% hoặc đạt được thấp hơn thì cần có những biện pháp như thế nào để mà ứng phó; Với kịch bản tăng trưởng cao hơn 8%, để đạt được mức tăng trưởng này thì cần có những biện pháp gì để hỗ trợ?
NSLĐ là vấn đề quan trọng và cần được đặc biệt quan tâm. Bởi nâng cao NSLĐ là biện pháp hiệu quả để đạt được sự tăng trưởng nhanh, bền vững và là con đường đưa đất nước tiến tới sự thịnh vượng. Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng NSLĐ và yếu tố quan trọng để tăng NSLĐ là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phù hợp. Xác định được các nhiệm vụ như vậy thì mới có thể đưa nền kinh tế phát triển mạnh, lên một tầm cao mới và là hành trang tiến bước vào kỷ nguyên mới.