Muốn quản lý thuế livestream phải có luật

Theo LS. NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, để tránh thất thu thuế từ các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Nhà nước cần nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện quy định pháp luật, siết chặt các chính sách về thuế, hóa đơn điện tử.

Luật Thuế livestream chưa có khiến công tác quản lý gặp nhiều vướng mắc.

PHÓNG VIÊN: - Như vậy với các luật hiện hành, chúng ta khó kiểm soát thuế từ các hoạt động này?

LS. NGUYỄN THANH HÀ: - Theo tôi, rất khó có thể giải quyết triệt để tình trạng thất thu thuế từ lĩnh vực TMĐT, nếu không có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan tổ chức trong việc quản lý và giám sát, cũng như một hành lang pháp lý chắc chắn và có tính răn đe lên các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.

Để có thể thực sự kiểm soát, tránh thất thu thuế từ các hoạt động TMĐT, Nhà nước cần nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện quy định pháp luật, siết chặt các chính sách về thuế, hóa đơn điện tử. Đồng thời các sở, ban ngành cũng cần xây dựng một công cụ thu thập dữ liệu về giao dịch TMĐT, kho hàng, ngày bán, doanh thu.

- Được biết, Bộ Tài chính đang làm đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu các sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn, trong đó có cả livestream. Đề xuất này có khả quan trong bối cảnh hiện nay không, thưa ông?

- TMĐT tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với nhiều nền tảng lớn như Shopee, Lazada, Tiki… Các sàn TMĐT lớn thường có hệ thống công nghệ mạnh mẽ, có thể hỗ trợ quá trình kê khai và nộp thuế tự động, giảm bớt gánh nặng quản lý. Việc đề xuất sàn TMĐT kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh giúp đơn giản hóa quy trình thu thuế, giảm bớt gánh nặng hành chính cho cả người kinh doanh và cơ quan thuế.

Đề xuất này giúp cơ quan thuế dễ dàng quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh của các cá nhân, hộ kinh doanh, đảm bảo tất cả các cá nhân kinh doanh đều thực hiện đúng nghĩa vụ thuế, tránh tình trạng trốn thuế, gian lận thuế. Đồng thời, nhờ dữ liệu sẵn có trên các sàn TMĐT, cơ quan thuế có thể đánh giá chính xác doanh thu, lợi nhuận của các cá nhân kinh doanh, từ đó áp dụng mức thuế phù hợp.

Tuy nhiên, khả năng thực thi đề xuất này cũng tồn tại một số thách thức nhất định. Việc kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh sẽ tạo thêm nghĩa vụ cho các sàn TMĐT, đòi hỏi hệ thống quản lý chặt chẽ, công nghệ thông tin phải tiên tiến, chi phí vận hành tăng cao.

Không chỉ từ phía các sàn, cá nhân kinh doanh cũng lo ngại việc cung cấp thông tin cho sàn TMĐT sẽ ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh và cho rằng họ bị mất quyền tự chủ trong việc kê khai thuế hoặc lo ngại về tính minh bạch và công bằng của các sàn TMĐT.

- Với đề xuất liên quan đến việc livestream bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử, theo ông có thể áp dụng với tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động này hay không?

- Đối với livestream bán hàng, việc đề xuất xuất hóa đơn điện tử cho hoạt động này có nhiều lợi ích như giúp đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động livestream, không khai khống số liệu, hạn chế gian lận thuế. Đặc biệt, đề xuất này giúp người tiêu dùng sẽ cảm thấy yên tâm hơn về tính hợp pháp và chất lượng của sản phẩm, dịch vụ.

Thế nhưng, các cá nhân và tổ chức nhỏ lẻ có thể gặp khó khăn trong việc áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử do thiếu kiến thức, kỹ năng và công nghệ cần thiết. Việc kiểm soát và đảm bảo tất cả các cá nhân và tổ chức tuân thủ quy định mới có thể là một thách thức lớn đối với cơ quan chức năng.

Con số doanh thu trên livestream chưa chắc đã là số tiền thu về thực tế do hình thức bán hàng qua livestream cũng có tỷ lệ trả hàng cao. Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh nhỏ, hộ kinh doanh qua livestream để họ có thể thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, quản lý hoạt động TMĐT, đặc biệt là livestream bán hàng, để đảm bảo việc áp dụng xuất hóa đơn điện tử được thực hiện hiệu quả và công bằng.

- Gần đây, câu chuyện truy thu thuế với một số cá nhân làm tiếp thị liên kết với số tiền khủng đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Ông có lời khuyên gì cho những cá nhân, tổ chức tham gia làm tiếp thị liên kết, livestream bán hàng để tránh gặp phải những tình huống tương tự?

- Việc chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ đúng quy định pháp luật về thuế là điều cần thiết, để tránh vấp phải các vấn đề về truy thu thuế. Các cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động tiếp thị liên kết và livestream bán hàng nên đầu tư thời gian và nguồn lực để nắm vững các quy định, thực hiện kê khai và nộp thuế đầy đủ, sử dụng công cụ và dịch vụ hỗ trợ cần thiết, đồng thời duy trì hệ thống quản lý tài chính chặt chẽ để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi và hợp pháp.

Cơ bản nhất là cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh khi cơ quan thuế kiểm tra, tự tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến thuế, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, và các loại thuế khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ. Pháp luật về thuế cũng thay đổi theo tình hình kinh tế xã hội, vì vậy việc cập nhật thông tin thường xuyên là rất quan trọng để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.

Các cá nhân và tổ chức cần kê khai đầy đủ mọi khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh, bao gồm cả tiếp thị liên kết và livestream bán hàng, đảm bảo nộp thuế đúng thời hạn quy định để tránh bị phạt do chậm trễ.

Sử dụng hóa đơn điện tử cho các giao dịch để đảm bảo tính minh bạch và tiện lợi trong việc theo dõi và quản lý thu nhập. Duy trì ghi chép sổ sách kế toán chi tiết và rõ ràng về các giao dịch kinh doanh, doanh thu, chi phí, và thu nhập để có thể cung cấp khi cần thiết cho cơ quan thuế.

- Xin cảm ơn ông.

Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, quản lý hoạt động TMĐT, đặc biệt là livestream bán hàng, để đảm bảo việc áp dụng xuất hóa đơn điện tử được thực hiện hiệu quả và công bằng.

THANH DUNG (thực hiện)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/muon-quan-ly-thue-livestream-phai-co-luat-post114883.html