Muốn tập trung phát triển kinh doanh, Dây cáp điện Việt Nam (CAV) dự kiến rời sàn HoSE

Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã cổ phiếu CAV) dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch hủy tư cách công ty đại chúng; đồng thời, hủy niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE).

Dây cáp điện Việt Nam hiện là đơn vị dẫn đầu ngành dây cáp điện Việt Nam.

Dây cáp điện Việt Nam hiện là đơn vị dẫn đầu ngành dây cáp điện Việt Nam.

Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã cổ phiếu CAV) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông, dự kiến diễn ra vào ngày 3/5 tới đây.

Ban lãnh đạo Dây cáp điện Việt Nam đánh giá, tình hình kinh doanh năm nay tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Do đó, công ty sẽ tập trung vào nhiệm vụ giữ vững thị trường thông qua việc củng cố hệ thống đại lý, tập trung các sản phẩm truyền thống có tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận cao.

Với thị trường xuất khẩu, Dây cáp điện Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ với các khách hàng truyền thống, hướng tới thúc đẩy doanh thu. Bên cạnh đó, công ty sẽ chủ động tìm kiếm đối tác mới, khai thác thị trường tiềm năng, mục tiêu mở rộng quy mô.

Theo đó, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Dây cáp điện Việt Nam dự kiến trình cổ đông xem xét kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 11.068 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với thực hiện năm 2023, nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 13%, còn 460 tỷ đồng.

Đáng chú ý, HĐQT Dây cáp điện Việt Nam dự kiến trình cổ đông xem xét việc hủy tư cách công ty đại chúng; đồng thời, hủy niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE).

Nếu kế hoạch trên được thông qua, toàn bộ hơn 57 triệu cổ phiếu CAV đang niêm yết tại HoSE sẽ bị hủy niêm yết và hủy đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).

HĐQT Dây cáp điện Việt Nam cho biết, việc hủy niêm yết nhằm mục đích tập trung nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển các dự án trọng điểm và tối ưu hóa hiệu quả.

Việc hủy niêm yết có thể tiềm ấn một số rủi ro đối với cổ đông của Dây cáp điện Việt Nam như mất đi tính thanh khoản của cổ phiếu CAV, khả năng tiếp cận vốn từ thị trường chứng khoán bị hạn chế, và tính minh bạch trong quản trị công ty có thể giảm xuống.

Trên thị trường chứng khoán, sau thông tin trên, cổ phiếu CAV đã chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh. Kết thúc ngày 11/4, thị giá cổ phiếu CAV đạt 71.000 đồng/cổ phiếu.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu CAV của Dây cáp điện Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu CAV của Dây cáp điện Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Về phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông sau khi hoàn tất việc hủy niêm yết cổ phiếu, Dây cáp điện Việt Nam cho biết đã chủ động đề nghị và làm việc trước với cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Điện lực Gelex (mã cổ phiếu GEE) về việc cổ đông này đồng ý cam kết mua lại toàn bộ số lượng cổ phiếu CAV mà các cổ đông còn đang nắm giữ nếu cổ đông còn lại có nhu cầu chuyển nhượng.

Về giá mua lại theo đàm phán và thống nhất giữa bên bán và bên mua tại thời điểm giao dịch, phù hợp với quy định pháp luật. Công ty Cổ phần Điện lực Gelex hiện là công ty con của Tập đoàn GELEX (mã cổ phiếu GEX).

Với hơn 48 năm kinh nghiệm, Dây cáp điện Việt Nam hiện là đơn vị dẫn đầu ngành dây cáp điện Việt Nam, có tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm và lợi nhuận, chia cổ tức bình quân 30%/năm. Doanh nghiệp này chính thức niêm yết trên sàn HoSE vào năm 2014.

Lan Anh

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/muon-tap-trung-phat-trien-kinh-doanh-day-cap-dien-viet-nam-cav-du-kien-roi-san-hose-119536.htm