Muốn thắng trận này, chúng ta phải cùng làm lại

Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tụ tập đông người, khai báo y tế, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế… là cách mà chúng ta phải cùng chung tay để thắng cuộc chiến Covid-91 mới đang có diễn biến phức tạp tại Việt Nam.

Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tụ tập đông người, khai báo y tế, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế… là cách mà chúng ta phải cùng chung tay để thắng cuộc chiến Covid-91 mới đang có diễn biến phức tạp tại Việt Nam.

Dịch tái bùng phát, bài học từ sự chủ quan

Chỉ trong sáu ngày, Việt Nam ghi nhận 43 ca mắc trong cộng đồng. Tốc độ lây lan giai đoạn này của Covid-19 tại Việt Nam nhanh hơn nhiều so với dịch ở giai đoạn 2.

PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung nhận định tình hình hiện nay diễn biến phức tạp với thực tế virus đã lan ra nhiều nơi.

Virus chủng mới lây rất nhanh vì chúng ta chưa thể tìm được ca mắc ban đầu, chưa xác định được ổ dịch từ đâu. “Đây là một đợt bùng phát mới ở Việt Nam. Virus gây nên đợt Covid-19 lần này lây rất nhanh so với giai đoạn trước. Với việc giao lưu đi lại lớn như hiện nay, sự lan tỏa càng cao. Tôi cho rằng con số nhiễm virus chưa dừng lại, có thể tăng lên trong những ngày tới”, PGS Nga nói.

Theo chuyên gia này, ổ dịch ở Bệnh viện Đà Nẵng phức tạp hơn Bệnh viện Bạch Mai vì đã có nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và có tới sáu nhân viên y tế bị lây nhiễm.

Nhận định về lý do vì sao dịch bùng phát nhanh, PGS Nga cho rằng, phần nhiều do sự chủ quan của người dân như tập trung đông người, giao lưu đi lại thường xuyên, không đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, mọi người thường ở trong phòng điều hòa cũng là môi trường cho virus phát tán.

“Thời gian qua, nhân dân có sự chủ quan, các cơ sở y tế cũng có phần lơi lỏng biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn theo yêu cầu của Bộ Y tế”, PGS Nga nhận định.

TS, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, các ca tại Đà Nẵng đều có liên quan tới bệnh viện và các ca ghi nhận tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đắk Lắk đều liên quan tới Đà Nẵng.

Số ca tăng nhanh không lạ vì có hơn 80 nghìn đi Đà Nẵng, nguy cơ lây lan lớn. “Do mình không có tư thế phòng thủ nên bệnh dễ lây lan trong bệnh viện, chủ yếu ở khoa bệnh nặng”, BS Khanh nói.

Hiện tại, dịch đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố với hai ca tại Hà Nội, hai ca tại TP Hồ Chí Minh, năm ca tại Quảng Nam, hai ca tại Quảng Ngãi, một ca tại Đắk Lắk và có tới 31 ca tại Đà Nẵng đều có liên quan đến ba bệnh viện.

PGS Nga nhận định, Việt Nam sẽ có đỉnh dịch vào đợt này bởi các ca được ghi nhận trong ngày xuất phát cùng tại địa điểm Đà Nẵng tương đối cao. Hiện biểu đồ dịch tễ số ca mắc đang đi lên nhanh. Khi nào đạt mức cao nhất rồi đi xuống, chúng ta sẽ có đỉnh dịch.

Muốn thắng trận này, phải cùng làm lại

BS Trương Hữu Khanh cho rằng, muốn thắng trận này, chúng ta phải cùng làm lại, cùng đeo khẩu trang, khai báo y tế, thực hiện cách ly và xét nghiệm cho hết người di chuyển đến Đà Nẵng trong thời gian khuyến cáo.

“Nếu chúng ta cùng làm, có thể trong 4-6 tuần nữa, mọi việc cũng sẽ dần ổn định trở lại”, BS Khanh nói.

Về virus chủng mới, BS Trương Hữu Khanh cho rằng, bản chất virus corona luôn đột biến, gen của virus này mong manh nên dễ thay đổi trong quá trình nhân lên. Tuy nhiên, độc lực hiện nay chưa có thay đổi gì so với chủng virus trước.

Trước thực tế các ca có sự tiến triển nặng nhanh, BS Khanh cho rằng, đợt ca mắc Covid-19 mới này chủ yếu đều là bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, mắc nhiều bệnh lý nền. Và những người đợt này tới bệnh viện trễ, xét nghiệm muộn vì chủ quan, không nghĩ tới những triệu chứng bệnh Covid-19.

Với nhận định dịch có nguy cơ phát tán ra khắp các địa phương lớn, PGS, TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo những người về từ Đà Nẵng trong thời gian qua nên ở nhà, tránh tiếp xúc cộng đồng, khi có việc cần hãy đi ra ngoài.

Người dân nên tiếp tục đeo khẩu trang, đặc biệt khi đi các phương tiện công cộng, tránh tụ tập nơi đông người, lưu ý đứng cách xa nhau 2 m, rửa tay, sát khuẩn theo đúng chuẩn hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi có các dấu hiệu bệnh, người dân cần đi khám, nhất là những người từ Đà Nẵng trở về.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tieu-diem/muon-thang-tran-nay-chung-ta-phai-cung-lam-lai-610668/