Muốn tính bền lâu, doanh nghiệp và địa phương chung tay giải quyết!
Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội từ đầu tháng 10, hàng trăm nghìn người lao động (NLĐ) đã rời các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ để về quê. Tình trạng đó gây thiếu hụt nguồn lao động nghiêm trọng ở các địa phương này.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang đối diện với thách thức khủng hoảng nguồn nhân lực, cần sớm có giải pháp kịp thời để bảo đảm phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD). Chính câu chuyện dòng người di tản khỏi khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong những ngày đầu tháng 10/2021, không chỉ phơi bày sự chênh vênh của những số phận yếu thế giữa xã hội chật vật chống dịch, mà thực sự dấy lên nỗi lo về thiếu hụt nguồn lao động để phục hồi sản xuất sau một thời gian giãn cách kéo dài.
Bỏ phố về làng!
Chỉ trong 4 ngày đầu tháng 10/2021, đã có khoảng 60.000 công nhân từ TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương về quê ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, chỉ trong 4 ngày đầu tháng 10, có 5.247 doanh nghiệp tại TP.HCM hoạt động trở lại; hơn 25.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh mở cửa.
Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong quý III/2021, số người tham gia lao động của cả nước là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý II, giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến không ít địa phương, ngành, nghề thiếu hụt lao động sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.
Nguyên nhân khác là, tại một số địa phương lớn - thị trường việc làm trọng điểm, hàng triệu người lao động trở về quê, khiến nguồn cung lao động khan hiếm, thậm chí đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, ở nhiều địa phương, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, mức thiếu hụt lao động chiếm tới khoảng 30% so với nhu cầu sử dụng nhân lực.
“Khi 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 thì 2/3 trong số 18 triệu lao động bị ảnh hưởng về việc làm, chỉ có 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ khiến thị trường lao động rất ảm đạm”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Nguồn nhân lực lao động cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch” do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây.
Còn tại Hà Nội, tuy thị trường lao động không đứng trước nguy cơ đứt gãy, song hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn thiếu người làm việc, rõ nhất là ở một số ngành nghề, lĩnh vực, như: Xây dựng, lắp đặt nội thất, cơ khí... Chị Nguyễn Lan Hương - nhân viên phụ trách nhân sự Công ty Cổ phần Yamaguchi Việt Nam (Cụm Công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội), chuyên sản xuất, gia công cơ khí chính xác, cho biết: “Chúng tôi đang cần tuyển bổ sung cho lực lượng lao động thiếu hụt, nhưng hầu như không có lao động tham gia ứng tuyển”.
Trên thực tế, tình trạng thiếu lao động ở những thị trường trọng điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hồi phục của các đơn vị, doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội. “Để khôi phục đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phải mất từ 3-9 tháng, còn để khôi phục nguồn nhân lực, cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề, những vị trí lao động kỹ thuật, phụ trách chuyên môn sẽ phải gặp khó khăn và thời gian gấp 3 lần như thế. Đây là vấn đề thực sự nan giải cần sự nỗ lực chung của tất cả các bên”, TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhấn mạnh.
Để thị trường lao động dần hồi phục, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, tạo đà cho đơn vị, doanh nghiệp phát triển, các chuyên gia đã đề xuất nhiều ý kiến. Bà Nguyễn Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hiện nay chúng ta đã làm tốt việc chi trả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động mất việc trong mùa dịch. Nhưng về lâu dài cần giúp người lao động có việc làm bền vững, để đạt được điều đó, cần sử dụng có hiệu quả hơn nữa nguồn ngân sách từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động, giúp người lao động tiếp cận được với những cơ hội việc làm tốt hơn.
TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thì cho rằng, trước tiên, để giữ chân người lao động và thu hút họ trở lại với doanh nghiệp, cần tập trung thực hiện tiêm vắc-xin đầy đủ. Ngoài công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi, theo TS. Vũ Minh Tiến, doanh nghiệp cũng cần có chính sách khuyến khích đặc biệt đối với những người lao động đã gắn bó với doanh nghiệp lúc khó khăn.
Giữ chân, mời gọi là giải pháp trước mắt
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, việc khôi phục chuỗi đứt gãy nguồn nguyên liệu chỉ cần từ 3 đến 5 tháng, nhưng việc khôi phục chuỗi đứt gãy nguồn lao động phải cần thời gian từ 9 tháng trở lên.
Vì lẽ đó, để giải bài toán lao động cho khôi phục kinh tế sau đại dịch, chúng ta đừng nghĩ lực lượng lao động “trở về” tránh dịch kia là đội ngũ thất nghiệp. Mà đó là những lao động đã được đào tạo về kỹ thuật lẫn kỷ luật để sản xuất theo dây chuyền khoa học.
Chính những địa phương đang thiếu hụt lao động cần có chính sách kêu gọi người lao động trở lại. Trong đó có thể liên hệ với những địa phương đang dư thừa, chưa bố trí được việc làm cho người lao động. Có chính sách đưa những lao động đã về quê quay trở lại làm việc.
Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ phòng chống dịch tại khu công nhân ở, kêu gọi hỗ trợ giảm giá thuê nhà cho công nhân v.v...
Mọi giải pháp cần phải nhất quán, giải quyết rất linh hoạt, vừa phòng được dịch vừa duy trì được sản xuất cho doanh nghiệp, mà người lao động vẫn có việc làm, nếu như hướng dẫn “thích ứng an toàn với dịch COVID-19” được ban hành.
Tình cảnh các doanh nghiệp, khu công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... thiếu lao động sau dịp lễ tết là chuyện “cơm bữa” diễn ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau đại dịch, tình hình nguy cấp hơn nhiều. Để hạn chế những tổn thương, đứt gãy chuỗi sản xuất sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã kêu gọi công nhân ở lại. Khu công nghệ cao TP.HCM đang có kế hoạch khẩn trương mời gọi người lao động trở lại làm việc. Thậm chí, nhiều giám đốc, quản lý nhân sự, nhân viên hành chính phải trực tiếp gọi điện cho hàng nghìn công nhân để mời gọi họ trở lại làm việc.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, mời gọi lao động chỉ là giải pháp ngắn hạn. Muốn tính bền lâu, doanh nghiệp, địa phương phải chung tay giải quyết nơi ăn, chốn ở và sinh kế cho người lao động trong dài hạn để họ coi nơi làm việc như quê hương thứ hai, gắn bó lâu dài.
“Vấn đề xây dựng các khu nhà ở cho công nhân, xây dựng ký túc xá cho các khu công nghiệp, khu đô thị gắn với khu công nghiệp được nhắc đến nhiều năm qua, nhưng ở nhiều nơi chưa được giải quyết dẫn đến lao động bậc cao, phổ thông nhập cư đều phải ở tại những khu nhà trọ tồi tàn. Điều kiện mua nhà khó khăn khiến họ chỉ coi nơi làm việc để kiếm ăn chứ chưa phải nơi sống”, bà Phạm Chi Lan cho biết.
Thực tế, thiếu hụt lao động tại các trung tâm công nghiệp là vấn đề Việt Nam gặp phải trong mấy năm trở lại đây do sự tăng trưởng nóng của các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da, chế biến gỗ, chế biến nông thủy sản và lắp ráp điện tử.
Bên cạnh đó, do áp lực tăng trưởng, thu ngân sách, nhiều địa phương chấp nhận những dự án sử dụng nhiều lao động, cho dù nguồn lao động tại chỗ không có, phải dựa vào lao động di cư. Đi cùng với giá trị xuất khẩu hàng chục tỷ USD là lượng lao động cực lớn cho các dây chuyền sản xuất.
Theo các chuyên gia kinh tế, để khắc phục tình trạng nền kinh tế thâm dụng lao động, gia tăng các vấn đề liên quan đến lao động, cần nhiều giải pháp, trong đó quan trọng là giải quyết việc làm tại chỗ. Các địa phương phải xây dựng hạ tầng tốt để mời gọi đầu tư, tránh việc đổ dồn các nhà máy xí nghiệp cần sử dụng lượng lớn lao động vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, gây áp lực cho hệ thống giao thông, an sinh và xã hội.
Ngoài ra, bài toán dài hơi hơn là cần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động để tăng năng suất, sản lượng công nghiệp; chọn lọc dự án đầu tư, nhường quỹ đất, dư địa tại các khu kinh tế, khu công nghiệp cho các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị lớn nhưng ít đòi hỏi lao động hơn.