Muôn vàn tình yêu thương với Bác kính yêu!

Ngày 20-2-1947 mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Thanh Hóa lần đầu được đón Bác về thăm. Tại Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh và gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng lớn lao: 'Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu. Phải làm sao cho mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu'.

Di tích lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) - “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Khắc ghi lời Bác dạy

76 năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên Bác Hồ vượt núi rừng hiểm trở về với Thanh Hóa và nói chuyện với Đảng bộ và Nhân dân tại Rừng Thông, huyện Đông Sơn và sau đó là những lần về thăm Thanh Hóa vào các năm 1957, 1960, 1961, cùng với những bức thư khen, những lời động viên tập thể và cá nhân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bác Hồ đã để lại cho cán bộ, Nhân dân Thanh Hóa muôn vàn tình thương yêu. Những lời dạy bảo ân cần của Người không chỉ là nguồn cổ vũ lớn lao đối với Nhân dân Thanh Hóa, Nhân dân huyện Đông Sơn, mà còn đánh dấu bước chuyển căn bản trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh về kháng chiến kiến quốc, xây dựng và phát triển quê hương.

Thanh Hóa có rất nhiều người từng được gặp Bác Hồ trong nhiều bối cảnh khác nhau. Hơn ai hết, những người may mắn được gặp Bác đều cảm nhận rất sâu sắc và luôn thôi thúc mỗi cá nhân, mỗi tập thể không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, trọn đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; đồng thời truyền lửa, giáo dục truyền thống cách mạng yêu nước cho các thế hệ sau. Đó là cựu thanh niên xung phong Cao Xuân Thọ, xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) - vua phá bom mìn; Ngô Thị Tuyển, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa); Nguyễn Bá Sáu, xã Yên Thọ (Như Thanh); Lê Sỹ Hứa, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa); Trịnh Gia Minh, xã Yên Trường (Yên Định)... Ký ức vinh dự được gặp Bác Hồ, những lời dạy chí tình của Người đã tạo động lực giúp nhiều thanh, thiếu niên, công nhân, trí thức, người lao động... luôn phấn đấu, kiên định với lý tưởng, con đường cách mạng đã chọn, phấn đấu trong công việc để phá nhiều kỷ lục, trở thành những điển hình, tấm gương sáng... góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Thực hiện lời dạy của Bác, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với trọng trách hậu phương lớn, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã tổ chức và thực hiện tốt các phong trào thi đua, dồn sức cho kháng chiến và kiến quốc. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa là hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam và xây dựng CNXH ở miền Bắc, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, trực tiếp chiến đấu, ra sức chi viện lớn nhất cho miền Nam ruột thịt; bám đất, bám làng, phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt các đợt tập kích của đế quốc Mỹ, bảo vệ thành quả xây dựng CNXH, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Thấm nhuần lời căn dặn của Bác trong những lần Người về thăm Thanh Hóa, các thế hệ người dân trong tỉnh đã truyền nhau lời hứa với Bác, cùng đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, đoàn kết chống giặc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Mỗi người dân luôn tự nhủ phải học tập và làm theo Bác từ những việc nhỏ, thiết thực. Thời kỳ nào, Thanh Hóa cũng có những tập thể, cá nhân điển hình về mọi mặt được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, động viên và là điểm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh, thành trong cả nước về phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Thực hiện mong muốn của Người

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công cuộc đổi mới, thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2022, kinh tế tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12,51%, vượt kế hoạch (11,5% trở lên), thuộc nhóm 7 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Thanh Hóa đã xác lập kỷ lục mới trên nhiều chỉ tiêu quan trọng và đã khởi công, khánh thành một số dự án công nghiệp, giao thông quy mô lớn, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp.

Nông dân xã Thiệu Công (Thiệu Hóa) tích cực lao động sản xuất, xây dựng những cánh đồng màu hàng hóa xuất khẩu có giá trị thu nhập cao.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số huyện, xã, thôn, bản đạt chuẩn NTM nhiều nhất với 904 thôn/bản đạt chuẩn NTM và 254 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thanh Hóa có huyện Đông Sơn dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng xã, thôn NTM kiểu mẫu với 3 xã và 62 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, năm 2015, huyện Yên Định được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và đầu tiên của khu vực Bắc Trung bộ.

Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội được quan tâm. Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và tăng cường. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh.

Những thành tựu trên một lần nữa khẳng định vị thế chiến lược của Thanh Hóa trong khu vực Bắc Trung bộ, Nam đồng bằng Bắc bộ và cả nước. Đây là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực cố gắng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Dù trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa vẫn luôn khắc sâu lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Bước vào giai đoạn phát triển mới, với khát vọng lớn lao: “Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định. Để làm được điều đó, mỗi chi bộ, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, là hạt nhân nòng cốt, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua, làm tốt hơn công việc của mình vì lợi ích chung, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương, đơn vị và toàn tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/muon-van-tinh-yeu-thuong-voi-bac-kinh-yeu/179289.htm