Muốn xuất bản sách phải có thời gian 'thử' và 'sai'
Đó là ý kiến của nhà văn Phan Hồn Nhiên bên lề chương trình 'Trò chuyện văn chương' với độc giả do NXB Trẻ tổ chức vào sáng 27/8 tại Quận 3, TPHCM.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ như hiện nay, bên cạnh việc tiếp cận với những trào lưu mới, một bộ phận giới trẻ vẫn đam mê với công việc viết lách, sáng tác và họ luôn muốn tác phẩm của mình được xuất bản. Tuy nhiên, để xuất bản một tác phẩm cần phải có quá trình cùng nhiều yếu tố khác.
Chia sẻ bên lề chương trình “Trò chuyện văn chương”, nhà văn Phan Hồn Nhiên (giám khảo Giải thưởng “Văn học tuổi 20” lần 6 và 7) cho rằng, điều đầu tiên mà tác giả cần chú ý để được xuất bản sách là chọn nhà xuất bản.
“Các bạn phải biết tác phẩm của mình hướng đến nhà xuất bản nào, vì mỗi nhà xuất bản có một tiêu chí, tôn chỉ, mục đích riêng, ví dụ các bạn viết cho người trẻ, những vấn đề của giới trẻ thì chắc chắn tìm tới NXB Trẻ, NXB Thanh niên; viết cho thiếu nhi, trẻ em thì tìm đến NXB Kim Đồng…”, nhà văn Phan Hồn Nhiên gợi ý cho các bạn trẻ.
Bên cạnh việc chọn đúng nhà xuất bản tương thích với đối tượng đang hướng đến, nữ nhà văn lưu ý các bạn trẻ khi viết truyện hoặc tác phẩm phải có bản thảo, trong quá trình viết nên tiếp xúc với biên tập viên hoặc người viết khác, đó là cách làm việc chuyên nghiệp để có sách.
“Trước khi hoàn thành tác phẩm nên tiếp xúc, hẹn gặp biên tập viên của nhà xuất bản đó trao đổi, thảo luận về đề tài mình làm để có hình thức, kết cấu phù hợp với nhà xuất bản, sau đó triển khai câu chuyện, trang viết của mình thì khả năng xuất bản cao hơn, còn cứ ngồi nghĩ thấy hay và viết thì khả tương thích với yêu cầu của nhà xuất bản rất thấp và khó xuất bản được”, nữ nhà văn chia sẻ thêm.
Cũng theo nhà văn, những người viết phải có thời gian “thử” và “sai”, các bạn nên thử nhiều, viết nhiều, gửi nhiều nhà xuất bản, việc gửi tác phẩm nhiều lần cũng là hình thức gây chú ý với biên tập viên, đến thời điểm nào đó khi tác phẩm đạt được mức gần như xuất bản được thì nhà xuất bản sẽ mời tác giả tới làm việc để đẩy bản thảo tốt hơn nhằm đạt được mức độ có thể xuất bản được.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên cho biết thêm, hiện nay nhiều bạn trẻ đang phung phí trải nghiệm, vốn sống, thời gian của mình trên các nền tảng mạng xã hội, đây là những nơi dễ bị lãng quên nhất. Do đó, nhà văn lưu ý các bạn trẻ nên tận dụng các trải nghiệm, vốn sống của mình để làm tư liệu cho một cuốn tiểu thuyết hoặc truyện ngắn.
Tại buổi trò chuyện, nhà văn Phan Hồn Nhiên cũng dành thời gian chia sẻ, giải đáp thắc mắc của các bạn trẻ liên quan đến đề tài văn chương như sáng tác, kỹ thuật viết, đọc cũng như quá trình trở thành một người viết trong bối cảnh hiện nay.
Chương trình “Trò chuyện văn chương” lần này diễn ra đúng dịp tác phẩm Vụn ký ức của tác giả Yang Phan (giải nhì Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 – 2022) được tái bản, đây là tác phẩm được đông đảo bạn đọc đón nhận trong thời gian qua.
"Vụn Ký Ức được tái bản là điều mà tôi không nghĩ tới vì đề tài có phần xa lạ và lối viết cũng mới mẻ hơn”, tác giả trẻ Yang Phan nói.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên thuộc thế hệ 7X, bà là tác giả của những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn hiện đại và tưởng tượng. Bà bắt đầu viết sách từ năm 1992 và đã có nhiều tác phẩm được đông đảo công chúng trên cả nước đón nhận, có thể kể đến Hồi phục, Ngựa thép, Máu hiếm, Xuyên thấm…
Còn tác giả Yang Phan (tên thật là Phạm Anh Tuấn), thuộc thế hệ 9X. Trong cuộc thi "Văn học tuổi 20” lần 7, anh là một trong hai tác giả đoạt giải nhì (không có giải nhất) với truyện dài Vụn ký ức.