Mường Bang đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc
Với lợi thế có bãi chăn thả rộng, nhiều sườn đồi cỏ mọc tự nhiên, nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp dồi dào..., những năm qua, người dân xã Mường Bang (Phù Yên) đã tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định.
Thông tin về những chuyển biến tích cực trong phát triển mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, ông Phùng Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Mường Bang, cho biết: Xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng bạc màu, độ dốc lớn, kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng các mô hình nuôi nhốt gia súc. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân tiếp cận với nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, dư nợ từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện trên 22,7 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân 500 triệu đồng cho 10 hộ vay. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ thú y, khuyến nông xã hướng dẫn người dân theo dõi tình hình dịch bệnh ở trâu, bò; cách làm chuồng nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng bệnh, đỡ đẻ cho gia súc; dự trữ rơm rạ, cây ngô làm thức ăn khô, không để tình trạng trâu, bò bị đói, rét vào mùa đông... Hiện, toàn xã có trên 3.300 con gia súc, trong đó 705 con trâu, 2.451 con bò, 145 con ngựa. Chăn nuôi phát triển, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ 3 - 5%/năm.
Chúng tôi đến bản Chùng, là một trong những bản đi đầu trong phát triển đàn gia súc. Trưởng bản Hà Văn Hiếu thông tin: Cả bản hiện có 480 con trâu, bò, được nuôi theo hình thức bán chăn thả tại các bãi có rào chắn, dựng lán có mái che cho gia súc tránh mưa gió. Hằng năm, bản đã phối hợp với cán bộ thú y xã tổ chức tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; vận động bà con làm chuồng nuôi nhốt gia súc trong thời gian rét đậm, rét hại. Người dân trong bản đã chuyển đổi gần 2 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để chủ động thức ăn cho đại gia súc.
Là một trong những hộ điển hình thoát nghèo nhờ nuôi trâu, bò nhốt chuồng, anh Phàng Giàng Páo, bản Chè Mè (xã Mường Bang) chia sẻ: Năm 2015, gia đình tôi vay 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng 20 triệu đồng tiền tiết kiệm, đầu tư làm chuồng trại nuôi 2 con trâu, 4 bò sinh sản, 2 con ngựa. Đồng thời, chuyển đổi diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc; áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi... Hiện nay, gia đình có 35 con trâu, bò, ngựa, vừa nuôi sinh sản vừa nuôi vỗ béo bán thịt, mỗi năm bán từ 5 - 6 con trâu, bò, ngựa thịt, 4 - 5 con trâu, bò, ngựa giống, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Từng bước thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi từ nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, định hướng kịp thời, hiệu quả của chính quyền xã, huyện, việc phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Mường Bang đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững và nâng cao thu nhập, giảm nhanh số hộ nghèo trong xã.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-bang-day-manh-chan-nuoi-dai-gia-suc-33382