Mường Bang phát huy truyền thống cách mạng

Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Bang, huyện Phù Yên đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, thi đua lao động sản xuất, xây dựng bản mường giàu đẹp.

Một góc bản Sọc, xã Mường Bang (Phù Yên).

Một góc bản Sọc, xã Mường Bang (Phù Yên).

Ngược dòng lịch sử, năm 1947, tỉnh Sơn La phát động chiến tranh du kích, phong trào đã lan rộng ở nhiều nơi của châu Phù Yên. Tại Mường Bang, từ đội tự vệ phát triển thành đội du kích với 41 chiến sĩ, do đồng chí Hà Xuân làm chỉ huy đã lập nhiều chiến công vang dội. Những trận chiến đấu chống lại các cuộc càn quét của Pháp ở đây được ghi lại, như: Tháng 11/1947, một trung đội lính dõng có hai tên Pháp cầm đầu càn vào bản Chùng, đội du kích đã bí mật dùng nỏ, súng kíp, súng trường đánh úp phía sau, diệt 1 tên lính Pháp, 4 lính dõng, 2 tên lính khác bị thương.

Giữa năm 1950, địch phát hiện Châu ủy Phù Yên đóng tại căn cứ Mường Bang nên đã mở cuộc tấn công lớn. Hai trung đội du kích do xã đội trưởng Hà Xuân chỉ huy đã bày trận phục kích lấy mìn địch gài để diệt lại địch, đặt bẫy sắt vào đường mòn và đặt bẫy đá tại hẻm đường Đung La (bản Cải). Địch bị đánh bất ngờ, ta tiêu diệt 7 tên địch, bắn bị thương 4 tên. Tháng 8/1950, địch cho 2 trung đội lính càn xuống bản Bang rồi vòng lên suối Ua, tiến ra bản Khoáng và đánh lên khu cơ quan Châu bộ. Bộ đội địa phương và du kích đã phối hợp chặn đánh quyết liệt, ta diệt 10 tên địch. Do thất bại, quân địch bất ngờ tấn công từ hướng Mường Do để đánh úp cơ quan Châu bộ. Song nắm được ý đồ, bộ đội ta đã đón lõng đánh địch từ ngoài căn cứ, chúng tháo chạy đến dốc Cam, vướng mìn do du kích gài, diệt 2 tên, bị thương 2 tên... Đến tháng 2/1952, các mũi tấn công của ta đồng loạt nổ súng tấn công Đồn bản Cải. Sau 15 phút, ta diệt 38 tên, bắn bị thương 4 tên, bắt sống 4 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang của địch và làm chủ Đồn bản Cải...

Lập nhiều chiến công oanh liệt, Mường Bang đã góp sức giải phóng huyện Phù Yên vào ngày 18/10/1952 và giải phóng tỉnh Sơn La vào ngày 22/11/1952. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, Mường Bang đã góp 856 tấn lương thực; 58 tấn thực phẩm; 146 người tham gia du kích; 69 thanh niên nhập ngũ, 272 lượt dân công phục vụ kháng chiến. Xã có 19 liệt sĩ, 28 thương binh, bệnh binh và 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Mường Bang hôm nay có nhiều đổi thay trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Ông Phùng Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Mường Bang, cho biết: Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Rà soát từng bản có thể triển khai trồng cây ăn quả, đề xuất với UBND huyện hỗ trợ xây dựng mô hình điểm để nhân diện rộng trong xã. Chúng tôi còn khảo sát, đánh giá mức độ phù hợp của cây tếch trên đồng đất Mường Bang, vận động bà con trồng 50 ha cây tếch trên diện tích đất đồi bạc màu.

Bên cạnh đó, các đoàn thể của xã đã nhận ủy thác với các ngân hàng trên địa bàn huyện để giúp hàng nghìn lượt hộ dân được vay vốn với tổng nợ gần 26 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, bà con đầu tư trồng mới cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm... Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, với 885 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Chương trình 30a, Chương trình 135, xã đã hỗ trợ giống bò sinh sản cho 77 hộ nghèo để phát triển chăn nuôi.

Tận dụng diện tích đất sản xuất, hàng năm nhân dân trong xã đã gieo trồng 500 ha cây lương thực, năng suất bình quân đạt 53 tạ/ha/vụ. Đồng thời, cải tạo, chăm sóc 160 ha cây ăn quả các loại, như: Xoài, nhãn, dự kiến năm 2022 sẽ cho thu hoạch vụ quả đầu tiên. Với lợi thế có nhiều phiêng bãi có độ dốc không quá lớn, phù hợp với việc phát triển chăn nuôi theo mô hình tập trung, xã đã vận động người dân tiến hành rào chắn các bãi chăn thả; trồng 15 ha cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi. Thực hiện tiêm vắc xin định kỳ phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy, đàn vật nuôi phát triển tốt, hiện xã có gần 5.300 con gia súc và hơn 19.000 con gia cầm các loại, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, ông Phùng Văn Quy, Trưởng bản Sọc, xã Mường Bang, cho hay: Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương, nhiều hộ đã chuyển diện tích ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Hiện nay, nhân dân trong bản đang chăm sóc 16 ha cây ăn quả, duy trì gần 1.000 con gia súc; thâm canh hơn 10 ha lúa nước, trồng hơn 30 ha ngô, sắn, khoanh nuôi bảo vệ hơn 160 ha rừng. Bản đã thống nhất sử dụng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của bản hàng năm khoảng 150 triệu đồng và vận động bà con đóng góp tiền, công lao động, cùng với số tiền được Nhà nước hỗ trợ để bê tông hóa hệ thống kênh mương thủy lợi, bảo đảm nước cho sản xuất...

Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, sự quyết tâm của người dân, xã Mường Bang đang từng ngày thay đổi, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-bang-phat-huy-truyen-thong-cach-mang-46330