Mường Bon khai thác lợi thế để phát triển kinh tế
Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và nguồn nước tưới từ 4 hồ bản Bon, Ỏ Tra, Xa Căn và Tiền Phong, những năm qua, nhân dân xã Mường Bon, huyện Mai Sơn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn mới.
Đồng chí Lường Văn Dương, Bí thư Đảng ủy xã Mường Bon, thông tin: Đảng bộ xã chọn khâu đột phá trong phát triển kinh tế là tranh thủ nguồn lực, hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với dịch vụ ẩm thực. Hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với cây trồng chủ lực, gồm, nhãn, xoài, rau an toàn... Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nhân dân Mường Bon có 160 ha lúa 2 vụ; gần 330 ha mía, 400 ha rau màu và trên 500 ha cây ăn quả các loại. Duy trì ổn định gần 6.000 con gia súc và 20.300 con gia cầm. 9 tháng qua, xã đã xây dựng được 4 mô hình chăn nuôi: Nuôi bò thịt ở bản Lẳm Cút, Xa Căn; nuôi lợn ở bản Tà Xa, Tiến Xa; nuôi dê ở bản Mai Quỳnh và nuôi gà Lạc Thủy ở bản Xa Căn.
Chính quyền xã đã phân công cán bộ phụ trách thường xuyên về cơ sở hướng dẫn, khuyến khích các gia đình cải tạo đất đai; tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn cây, con giống, phân bón, nguồn thức ăn, cách phòng, trị bệnh cho trên 100 nông dân. Phối hợp với Công ty cổ phần Vật tư Sơn La triển khai mô hình phân viên nén nhả chậm trên 3.600 m² lúa tại các bản: Un, Mé, Lẳm, Bon. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên 22 tỷ đồng, cho gần 800 hộ dân vay vốn để nhân rộng các mô hình kinh tế, như: Trồng xoài, nhãn, cà phê, mía, trồng rau sạch, nuôi cá thịt, nuôi bò nhốt chuồng...
Bên cạnh đó, xã tuyên truyền, vận động người dân đầu tư sửa chữa, xây mới hệ thống ao, mương dẫn nước, lựa chọn giống cá phù hợp để đưa vào nuôi, như: Trắm, chép, mè, trôi, rô đơn tính… Hiện, toàn xã có trên 35 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, xã đã nhân rộng 9 mô hình kinh doanh dịch vụ câu cá dã ngoại kết hợp ăn uống quy mô hộ gia đình, trong đó, 1 hộ tại bản Xa Căn, 3 hộ tại bản Ỏ Tra và 5 hộ tại bản Mé.
Đến thăm mô hình trồng rau sạch của gia đình ông Lò Văn Thức, bản Bon. Trên diện tích hơn 5.000 m² đất, gia đình ông đào trên 1.000m² ao thả cá; còn lại cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới tự động để trồng 4.000m² rau theo mùa vụ. Ông Thức, chia sẻ: Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và chủ động được nguồn nước tưới, các loại rau, củ phát triển tốt. Sản lượng đạt hơn 5 tấn/vụ, mỗi năm gia đình trồng gối 3 vụ, thu gần 200 triệu đồng.
Anh Hoàng Văn Hặc, bản Mé, là một trong những nông dân tiên phong nuôi trồng thủy sản kết hợp làm dịch vụ du lịch trải nghiệm. Năm 2013, gia đình anh vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đào ao, dẫn nước từ hồ Tiền Phong và mua cá giống về thả. Anh tích cực tham gia các lớp tập huấn, học nghề nuôi cá nước ngọt do huyện tổ chức để áp dụng vào thực tế gần 2 ha ao nuôi cá trắm, chép, trôi của gia đình. Anh Hặc cho biết: Ngoài duy trì đàn cá nuôi, gia đình còn kết hợp mở dịch vụ câu cá dã ngoại và ăn uống; trồng 1.200 m² nho Hạ Đen phục vụ du lịch trải nghiệm... Tổng nguồn thu nhập cho gia đình gần 300 triệu đồng/năm.
Trong xây dựng nông thôn mới, xã huy động vốn đầu tư, ngày công xây dựng hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, hơn 16,5 km đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện và trên 6,8 km đường trục bản được nhựa hóa và cứng hóa, bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân... Ngoài ra, trụ sở UBND xã, trạm y tế, nhà văn hóa, các trường học cũng được xây dựng khang trang.
Phát huy những kết quả đạt được, xã Mường Bon tiếp tục triển khai các dự án, vận động nhân dân nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện và khả năng sản xuất của các hộ, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2021-2025.