Mường Chà khôi phục sản xuất kinh doanh
ĐBP - Một tháng trở lại đây, sau khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Mường Chà bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, huyện Mường Chà nỗ lực triển khai các phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân.
Tiểu thương tại chợ Trung tâm thị trấn Mường Chà thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, từ ngày 16/6/2021, UBND huyện Mường Chà đã có Văn bản số 847 cho phép các cơ sở sản xuất, kinh doanh một số loại hình dịch vụ trên địa bàn huyện được mở cửa hoạt động trở lại. Song phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn như: Bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc, không tập trung đông người.
Mở cửa hoạt động trở lại, nhà hàng Tiến Liễu chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống tại tổ dân phố 4, thị trấn Mường Chà vẫn đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Bà Nguyễn Thị Liễu, chủ nhà hàng chia sẻ: Hơn một tháng đóng cửa, những hộ kinh doanh như chúng tôi bị ảnh hưởng khá nhiều về kinh tế, bởi vậy, việc được mở cửa hoạt động trở lại là điều rất mừng. Nhà hàng chúng tôi bán cơm phở bình dân phục vụ chủ yếu cho khách vãng lai vì vậy tôi đã chuẩn bị nước sát khuẩn tay ngay từ cửa vào, bố trí khách ngồi giãn cách.
Phấn khởi khi được mở cửa kinh doanh trở lại, anh Phạm Công Dũng, chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tại tổ dân phố 3, thị trấn Mường Chà cho biết: Trước khi xảy ra dịch bệnh, cửa hàng của gia đình tôi giao dịch hàng hóa trung bình khoảng 100 triệu đồng/tháng. Trong 40 ngày phải tạm dừng kinh doanh, tôi gặp nhiều khó khăn do không có doanh thu, trong khi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh và tiền thuê nhân công. Bởi vậy, khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được nới lỏng, tôi đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, tìm thêm đơn đặt hàng, nhập thêm hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Doanh thu tháng đầu mở cửa hoạt động trở lại đạt khoảng 70% so với trước đây.
Hoạt động kinh doanh, mua bán khởi sắc góp phần tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ (theo giá hiện hành) trong tháng trên địa bàn huyện Mường Chà lũy kế đến hết tháng 6 là hơn 279 tỷ đồng, tăng 11,34% so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân, trên cơ sở quy mô dân số của huyện (gần 51.000 người) và mức tiêu dùng bình quân 1 người/tháng đối với một số mặt hàng thiết yếu, huyện Mường Chà đã lên phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong 6 tháng cuối năm với 3 kịch bản ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, dự kiến nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn huyện đối với nhóm hàng lương thực khoảng 2.700 tấn, khả năng đáp ứng của huyện vào khoảng 7.850 tấn; nhóm hàng thịt gia súc, gia cầm và thủy sản dự kiến trên 1.100 tấn, khả năng đáp ứng hơn 700 tấn; nhóm hàng rau, củ, quả dự kiến khoảng 915 tấn và mặt hàng nhiên liệu (xăng dầu, gas) dự kiến nhu cầu tiêu thụ khoảng 5.200m3. Để tăng khả năng phục hồi ngay sau dịch Covid-19, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, huyện sẽ ưu tiên sử dụng nguồn cung và dự trữ từ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn huyện. Trường hợp nguồn cung dự trữ trong huyện bị đứt gãy ngắn hạn, để đáp ứng tạm thời thì huy động nguồn cung từ các huyện lân cận và hỗ trợ từ tỉnh để đảm bảo cân đối cung cầu.
Ngoài chỉ đạo các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện chủ động khai thác, dự trữ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát việc bán hàng nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, nâng giá hoặc đầu cơ tăng giá gây “sốt” hàng; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Riêng đối với các cửa hàng kinh doanh mặt hàng xăng dầu yêu cầu đảm bảo nguồn hàng, thực hiện việc duy trì bán hàng theo đúng thời gian đăng ký, thông báo, bán đúng giá quy định; trường hợp tạm dừng bán hàng phải thông báo bằng văn bản gửi tới Phòng Kinh tế và Hạ tầng (UBND huyện) nêu rõ lý do, thời gian cụ thể dừng bán hàng.