Mường Chà kiểm soát dịch viêm da nổi cục trên trâu bò

ĐBP - Bệnh viêm da nổi cục ở đàn bò xuất hiện trên địa bàn huyện Mường Chà từ ngày 28/7/2021. Đến nay dịch đã lây lan ra 24 thôn bản thuộc 7 xã (Huổi Lèng, Sa Lông, Nậm Nèn, Pa Ham, Na Sang, Mường Mươn và thị trấn Mường Chà), làm 130 con bò bị mắc bệnh. Trong đó, 8 con bò bị chết và đã tiêu hủy với trọng lượng 997kg; số gia súc khỏi triệu chứng lâm sàng 68 con. Nhằm kiểm soát, từng bước khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, huyện Mường Chà đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nên đến nay cơ bản kiểm soát, hạn chế sự lây lan của dịch.

Tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng để phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Ở địa bàn có trâu bò bị chết do mắc viêm da nổi cục, chính quyền địa phương chỉ đạo tiêu hủy, khoanh vùng kiểm soát dịch. Đồng thời, tổ chức phun tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi; tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, không để tiếp xúc với mầm bệnh. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò.

Na Sang là xã có đàn bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục nhiều nhất huyện với tổng số 55 con; trong đó 5 con đã bị chết và tiêu hủy. Ông Lường Văn Thanh, bản Hin 1 là một trong những hộ dân có bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục cho biết: Gia đình tôi có 3 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Khi thấy dịch bệnh lây lan nhanh tôi cũng có phần hoang mang. Tuy nhiên, tôi thấy yên tâm hơn khi được chính quyền địa phương, ngành chức năng của huyện, xã quan tâm tuyên truyền, khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh miễn phí cho đàn gia súc; phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại trên địa bàn toàn xã, dịch bệnh được khống chế. Gia đình tôi cũng thường xuyên rắc vôi bột quanh khu vực chăn nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc.

Bà Lâm Thị Thương Huyền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà cho biết: Tiêm vắc xin phòng bệnh và phun hóa chất chống dịch là một trong những biện pháp quan trọng, hữu hiệu giúp ngăn chặn dịch bệnh không lây lan ra diện rộng, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, góp phần ổn định sản xuất chăn nuôi trên địa bàn huyện. Ngay sau khi tiếp nhận vắc xin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm đã bàn giao 4.900 liều vắc xin cho các xã, thị trấn tổ chức phun cho gia súc. Trước mắt ưu tiên tiêm vắc xin cho bò khỏe mạnh, trường hợp còn dư vắc xin thì chuyển sang tiêm cho đàn trâu ở vùng dịch. Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng cơ bản đạt gần 100% diện tiêm.

Trước khi triển khai tiêm phòng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã hướng dẫn thú y xã, thị trấn cách sử dụng, bảo quản, kỹ thuật tiêm vắc xin và cách xử lý phản ứng sau khi tiêm phòng. Đồng thời, cử cán bộ thú y xuống cơ sở phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân tiêm triệt để đàn bò trong diện phải tiêm phòng; thông báo cho các hộ chăn nuôi mang bò từ trên nương, trang trại về chuồng nuôi để cán bộ thú y đến tiêm phòng trực tiếp tại gia đình hoặc đến địa điểm tập trung theo thực tế của từng thôn, bản. Thành lập đoàn kiểm tra của xã, thị trấn kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện tiêm phòng đối với lực lượng thú y cơ sở để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định. Bên cạnh việc triển khai tiêm phòng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp còn cấp 402 lít hóa chất sát trùng chống dịch, tổ chức phun vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại 7 xã, thị trấn có dịch nhằm tiêu diệt các loại ký sinh trùng gây bệnh và mầm bệnh tồn tại trong môi trường tự nhiên.

Theo bà Lâm Thị Thương Huyền, mặc dù dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn đã được kiểm soát; tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn cao. Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng để diệt mầm bệnh, muỗi và các loại côn trùng khác. Cần nuôi nhốt, cách ly trâu, bò bị bệnh hoặc nghi mắc bệnh để điều trị, tránh lây nhiễm cho những con khác. Phải thực hiện điều trị dứt điểm, tiêm đủ liều kháng sinh (tiêm từ 7 - 10 mũi) đối với những con bò bị nhiễm bệnh để đảm bảo bệnh không tái phát.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/191551/muong-cha-kiem-soat-dich-viem-da-noi-cuc-tren-trau-bo