Mường Chanh nỗ lực thoát nghèo
Gần 10 năm qua, Nhân dân xã Mường Chanh, huyện vùng cao biên giới Mường Lát vẫn còn nhớ như in hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) đến thăm bà con trong dịp Tết Độc lập năm 2011.
Mường Chanh hôm nay đã có nhiều đổi thay đáng mừng.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Mường Lát - một trong những huyện khó khăn nhất của cả nước, Tổng Bí thư đã đi kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Riêng xã Mường Chanh với nhiều tiềm năng phát triển, cần quyết tâm cao để nơi đây trở thành xã điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM), Tổng Bí thư mong muốn, cùng với sự quan tâm của Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, bà con các thôn, bản cần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không ngừng nỗ lực vươn lên để thoát khỏi đói nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng khá giả hơn. Bên cạnh phát triển kinh tế, cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo cho trẻ em được học hành, đào tạo nguồn cán bộ phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương... Thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, suốt gần một thập kỷ qua, Nhân dân Mường Chanh luôn coi đó là động lực tinh thần to lớn, để không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Chúng tôi có dịp trở lại Mường Chanh trong tâm trạng háo hức, chộn rộn niềm vui, bởi mang theo nhiều hy vọng 10 năm xây dựng NTM của xã. Đồng chí Vi Văn Hiện, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, hồ hởi thông tin nhanh cho chúng tôi được biết: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, toàn xã đã đạt 9/19 tiêu chí NTM. Nổi bật nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa thôn bản..., đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống Nhân dân. Đã hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của xã, đưa thu nhập người dân tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững ổn định...
- Để đạt được chừng ấy tiêu chí, ắt phải có sự nỗ lực rất lớn từ phía chính quyền và cả người dân? Tôi tò mò hỏi đồng chí Hiện.
- Đúng vậy - đồng chí Hiện gật đầu rồi phân trần: Quả thật đối với Mường Chanh, để xây dựng NTM là một thách thức rất lớn, bởi nền kinh tế của xã còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí và thu nhập còn thấp... Tuy nhiên, nếu giải được bài toán đói nghèo bằng việc xây dựng chương trình NTM thì chắc chắn Mường Chanh sẽ có một diện mạo khác.
Với quyết tâm lớn như vậy, nên khi bắt tay vào thực hiện chương trình NTM, UBND xã đã xây dựng đề án NTM giai đoạn 2010 - 2020. Sau khi đề án được UBND huyện phê duyệt, ban quản lý xây dựng NTM xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm, phân công cụ thể cho từng thành viên tham gia các nhóm chuyên đề thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm phát huy tốt nhất vai trò, năng lực của các thành viên. Trong công tác tuyên truyền đã thực hiện sâu rộng từ xã đến thôn dưới nhiều hình thức như: hệ thống loa truyền thanh, các hội nghị, tập huấn... qua đó khơi dậy tinh thần thi đua, cùng nhau đóng góp vật chất, công sức, tiền của trên nguyên tắc tự nguyện để xây dựng các tiêu chí NTM. Và hơn hết để mọi người dân thấy rõ ý nghĩa, quyền lợi, nghĩa vụ, từ đó có cách nghĩ, cách làm mới và đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương.
Có thể nói, cái được lớn nhất trong chương trình xây dựng NTM ở Mường Chanh là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Trong đó, MTTQ tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng đóng góp vật chất, công sức, tiền của để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Hội nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, khai thác tốt tiềm năng kinh tế lâm nghiệp và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, sản xuất hàng hóa, đưa khoa học - kỹ thuật, cây, con giống mới vào sản xuất. Hội phụ nữ thực hiện chương trình “5 không 3 sạch”, giữ gìn môi trường lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho chị em, hội viên. Đoàn thanh niên đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, đi đầu trong xây dựng xã hội học tập, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tích cực tham gia phong trào an ninh trật tự và an toàn xã hội, thành lập các trang trại và các doanh nghiệp trẻ trong sản xuất nông nghiệp để liên kết làm ăn có hiệu quả. Hội cựu chiến binh phát triển các ngành nghề truyền thống; phối hợp tổ chức các hoạt động quần chúng tự quản ở khu dân cư; tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, hiến đất và ngày công làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng. Khối dân vận chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân xây dựng NTM”... Tất cả đã tạo thành phong trào thi đua sôi nổi lan tỏa rộng khắp trong mọi tầng lớp Nhân dân trong toàn xã.
Trong phát triển kinh tế, cơ cấu sản xuất từng ngành của xã được chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Trình độ canh tác không ngừng được nâng cao; năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản ngày càng cao; sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng. Nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu như: mô hình thâm canh lúa lai tại bản Cang, bản Bóng với diện tích 10 ha, có 200 hộ tham gia, năng suất đạt 50 tạ/ha; mô hình chăn nuôi bò của chi hội phụ nữ bản Chai với tổng đàn 80 con... đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM, ổn định kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Toàn xã hiện có 815 hộ, với 3.600 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm. Nhờ có các chính sách phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc miền núi, nhiều hộ gia đình đã khấm khá hơn, như: hộ gia đình ông Vi Văn Nường ở bản Chai; hộ gia đình ông Lương Văn An ở bản Lách, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng...
Mường Chanh đã và đang đổi thay từng ngày, nhưng vẫn còn nhiều lo âu, trăn trở, bởi các tiêu chí đạt chuẩn còn thấp và nhiều tiêu chí khó đạt theo quy định. Đơn cử như: tiêu chí về hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) hiện nay xã còn cao chiếm 34,5%. Do là xã biên giới không có tiềm lực phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng gần như kém nhất cả nước, do vậy đến năm 2020 xã Mường Chanh mới đạt thu nhập bình quân đầu người 21 triệu đồng. Hơn nữa, hiện tại xã chưa có chợ theo quy định, do là xã biên giới, nhu cầu giao lưu trao đổi hàng hóa trên địa bàn ít, vậy nên nếu đầu tư chợ đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định sẽ không phát huy hết được công suất chợ thiết kế và hiệu quả kinh tế. Nguồn lực cho chương trình xây dựng NTM còn hạn chế; sự huy động nguồn lực tại chỗ chưa được phát huy mạnh mẽ; sự đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài huyện vào xây dựng NTM hầu như chưa có. Việc lồng ghép các chương trình, dự án khác với chương trình NTM còn bất cập, chưa có sự điều tiết tổng thể, hợp lý giữa các chương trình, dự án cho xây dựng NTM. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng với yêu cầu, việc phân bổ vốn kinh phí từ Trung ương đến địa phương còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình. Trong 2 năm 2018 và 2019 do ảnh hưởng của mưa bão đã làm cho hàng chục ngôi nhà và các công trình ở Mường Chanh bị hư hỏng, và điều này cũng làm “tụt” mất 2 tiêu chí NTM của xã. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ và Nhân dân nhận thức về mục tiêu, quan điểm, giải pháp, lộ trình xây dựng NTM chưa đầy đủ, tư tưởng trông chờ vào nguồn lực Nhà nước còn cao. Công tác lãnh, chỉ đạo điều hành của địa phương, đơn vị chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa sâu rộng trong Nhân dân...
Để Mường Chanh trở thành xã điểm thoát nghèo gắn với xây dựng NTM theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thiết nghĩ bên cạnh việc tạo cho Mường Chanh một cơ chế, chính sách riêng, cũng rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía ngân sách của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu theo các tiêu chí NTM, để tiếp sức cho cố gắng nỗ lực của cán bộ và Nhân dân Mường Chanh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/muong-chanh-no-luc-thoat-ngheo/126956.htm