Mường Khương chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Là huyện vùng cao, biên giới, công nghiệp và đô thị chưa phát triển nên công tác bảo vệ môi trường của huyện Mường Khương cơ bản tập trung trong khu dân cư và sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, với đặc thù về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, Mường Khương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.
Cũng như các huyện khác trong tỉnh, vấn đề khó khăn nhất hiện nay tại Mường Khương là thảm thực vật che phủ rất thấp; diện tích đất trống, đồi núi trọc chiếm 32,63% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, khiến tác dụng phòng hộ bảo vệ môi trường kém. Đất đai bị xói mòn, rửa trôi, làm giảm tầng dày, độ phì nhiêu, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, năng suất cây trồng không cao. Bên cạnh đó, đời sống và sản xuất của người dân cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ các loại hình thiên tai nguy hiểm như mưa đá, giông lốc, sạt lở, ngập lụt…
Trên địa bàn huyện Mường Khương hiện có một số khu vực đang có dấu hiệu bị sa mạc hóa cao, mực nước ngầm hạ thấp, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất của người dân. Điển hình là tại các thôn vùng cao như thôn Lồ Cố Chin, xã Pha Long (18 hộ); các thôn Dìn Chin, Ngài Thầu, Cùng Lũng, xã Dìn Chin (240 hộ); thôn Tả Gia Khâu, xã Tả Gia Khâu (23 hộ)… thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt là vào các tháng mùa khô. Người dân các xã vùng cao chủ yếu dùng nước mưa hoặc bơm từ các nguồn khe suối gần…
Để thích ứng với tình trạng này, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã khảo sát, tìm kiếm nguồn nước mới, bổ sung phục vụ nhu cầu dùng nước của người dân. Giải pháp đang thực hiện là xây dựng hệ thống bể trữ nước mưa, bơm dẫn từ các khu vực khe suối có nguồn nước, bước đầu cũng giải quyết được một phần nhu cầu của người dân.
Những năm qua, Mường Khương đã quan tâm xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã thực hiện lồng ghép biến đổi khí hậu vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội huyện, tiếp tục trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Đặc biệt, huyện chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, vùng, miền. UBND huyện cũng chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công lãnh đạo, cán bộ thường trực phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn huyện, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để kịp thời cung cấp thông tin khi có tình hình diễn biến bất thường về thời tiết xảy ra. Trên địa bàn huyện đã thực hiện 1 mô hình, 8 dự án phát triển nông nghiệp kết hợp ứng phó với biến đổi khí hậu, thích ứng với thời tiết cực đoan.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Mường Khương xác định cây chè là cây trồng hàng hóa chủ lực, đồng thời có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì lẽ đó, những năm qua, diện tích chè của huyện Mường Khương liên tục được mở rộng. Đến nay, toàn huyện có hơn 4.000 ha chè. Cây chè được quy hoạch trồng tại 16/16 xã, thị trấn.
Theo ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương thì cây chè có khả năng thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên của huyện, có nhiều giống chè phù hợp với nhiều đai khí hậu khác nhau. Trên địa bàn huyện có nhiều nhà máy chế biến chè, nên việc tiêu thụ chè búp tươi sẽ thuận lợi. Hơn nữa, cây chè có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, chịu ít tác động của các loại hình thời tiết cực đoan. Chè là cây trồng lâu năm, ví dụ gặp nắng nóng, mưa đá, giông lốc… thì cây chè cũng chỉ bị ảnh hưởng lứa chè đó, những lứa sau vẫn có thể thu hái bình thường chứ không thể gây mất trắng sản lượng như cây trồng khác. Bởi vậy, cây chè được lựa chọn là một trong những cây hàng hóa chủ lực của huyện.
Bên cạnh các giải pháp tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện Mường Khương cũng quan tâm cải thiện môi trường như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên;giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn, trong đó nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là một trọng tâm. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 400 hộ sử dụng hệ thống bể biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi; triển khai dự án trồng rừng và xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Từ năm 2013 đến hết tháng 4/2022, huyện đã trồng được gần 4.000 ha rừng, trong đó hơn 1.000 ha rừng phòng hộ; gần 2.800 ha rừng sản xuất và 153 ha rừng trồng lại sau khai thác.
Theo ông Vũ Hồng Chuyên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Khương, những năm qua, nhiệm vụ xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu luôn được huyện chú trọng. Cụ thể, Mường Khương quan tâm giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó, đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng, xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia; quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia. Ngoài ra, Mường Khương thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống, phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân…