Mường Khương đưa cán bộ về xã đặc biệt khó khăn: 'Lửa thử vàng…'

Tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn của huyện Mường Khương, đội ngũ cán bộ xã còn thiếu và yếu về năng lực, trình độ chuyên môn. Vì vậy, công tác điều động, luân chuyển cán bộ về cơ sở góp phần củng cố hệ thống chính trị, giúp người dân phát triển kinh tế. Đội ngũ cán bộ được trui rèn ở các xã đặc biệt khó khăn như 'lửa thử vàng…', khi vượt qua khó khăn, thử thách sẽ từng bước trưởng thành và bản lĩnh hơn để đảm đương những công việc lớn mà Đảng giao phó.

>>> Kết nối 3 huyện 30a: Mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân

Việc đưa cán bộ về các xã đặc biệt khó khăn là môi trường tốt để cán bộ rèn luyện, trưởng thành, hiểu biết sâu sắc thêm phong tục, tập quán của đồng bào để sau này hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ ở cương vị mới.

Phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã Lùng Khấu Nhin Đặng Công Huân lúc nào cũng mở cửa. Anh Huân bảo, ở xã vùng cao này, người dân có công việc gì khó khăn, vướng mắc về thủ tục hoặc chưa được cán bộ xã giải quyết thấu tình, đạt lý là tìm đến chủ tịch xã. Điều này xuất phát từ câu chuyện ngày đầu anh nhận công tác, 1 hộ ở thôn Sín Lùng Chải có khu rừng sản xuất đã đến tuổi khai thác nhưng sai khác về tọa độ thực tế và số liệu thể hiện trên giấy tờ không khớp nhau nên gia đình không thể khai thác. Công sức mấy chục năm mà không được hưởng thành quả, bao nhiêu dự định bị gác lại khiến người dân nảy sinh bức xúc, nếu không giải quyết hợp tình, hợp lý sẽ ảnh hưởng đến các chương trình phát triển kinh tế trên địa bàn.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND xã Lùng Khấu Nhin Đặng Công Huân đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tìm hướng giải quyết. Với sự chỉ đạo đó thì những khó khăn, vướng mắc của người dân được tháo gỡ, người dân đã được hưởng thành quả chính đáng từ công sức lao động của mình trong niềm hân hoan, phấn khởi.

Trong các cuộc họp thôn mà mình tham dự, Chủ tịch UBND xã hứa với bà con nếu thấy cán bộ xã chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính có thể trực tiếp gặp chủ tịch. Quan điểm này được quán triệt cả trong các cuộc họp giao ban với đội ngũ cán bộ, công chức xã, nhờ đó đã thay đổi đáng kể tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ.

Ngày đầu nhận công tác, trong kỳ họp HĐND bầu chức danh Chủ tịch UBND xã, anh được 80% phiếu bầu, âu cũng là điều dễ hiểu, bởi cán bộ, bà con chưa hiểu mình nhiều. Điều đó thôi thúc người cán bộ trẻ này phải nỗ lực nhiều hơn nữa bằng những việc làm thiết thực đóng góp cho địa phương. Chủ tịch Huân đã chọn cho mình 2 nhiệm vụ đột phá cần cùng tập thể cấp ủy, chính quyền tập trung thực hiện: Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm, chuyên môn, phục vụ Nhân dân; hai là, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Muốn giảm nghèo bền vững không có cách nào khác là phải chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các cây có giá trị kinh tế cao hơn. Gắn với quy hoạch các cây trồng của huyện, Lùng Khấu Nhin xác định chè là cây trồng chủ lực, xã đặt mục tiêu mỗi năm trồng từ 50 ha - 60 ha chè. Cùng với việc ưu tiên nguồn lực thông qua các chương trình hỗ trợ người dân, Lùng Khấu Nhin đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của đồng bào. Diện tích chè trồng mới tăng qua từng năm, đến nay có 300 ha. Người dân vẫn truyền tai nhau câu nói “búp chè trong tay là có tiền”, hứa hẹn đây trở thành cây giảm nghèo, mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Những nỗ lực của người cán bộ trẻ được cán bộ, người dân ghi nhận. Trong kỳ họp HĐND nhiệm kỳ mới, Chủ tịch UBND xã Đặng Công Huân đã nhận được 100% phiếu bầu của các đại biểu.

Con đường xẻ núi nối từ La Pan Tẩn xuống Bản Sen (Mường Khương) vừa hoàn thành giúp việc kết nối giữa các xã vùng thấp và vùng cao của Mường Khương thuận lợi hơn. Đây cũng là tuyến đường mà Bí thư Đảng ủy xã La Pan Tẩn Hoàng Văn Thủy đã đi đi lại lại gần 3 năm qua kể từ ngày được luân chuyển. Trên đỉnh núi La Pan Tẩn, những ngày trời nắng to có thể nhìn thấy cả thung lũng Bản Sen với đồi chè, đồng lúa trù phú và người cán bộ luân chuyển ấy hy vọng kiến thức, kinh nghiệm mình tích lũy được qua nhiều năm công tác, từng bước giúp người dân ở mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn này vươn lên.

Năm 2019, khi đang giữ cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bản Sen, anh Thủy được Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Khương điều động lên làm Bí thư Đảng ủy xã La Pan Tẩn. So về địa lý, khoảng cách từ Bản Sen lên La Pan Tẩn không quá xa, nhưng về mức độ phát triển thì La Pan Tẩn đi sau cả chục năm. Anh Thủy chia sẻ: Những việc mà La Pan Tẩn đang tập trung làm giai đoạn này như hoàn thiện các tuyến đường giao thông nông thôn, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung vào cây chè… thì ở Bản Sen đã thực hiện cách đây gần hai chục năm.

Tuy nhiên, ngay khi về nhận nhiệm vụ, Bí thư Thủy nhận thấy rào cản lớn nhất không phải là điều kiện phát triển kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của người dân như trong nhiều báo cáo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường đề cập. Yếu tố then chốt ở đây là năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ xã còn hạn chế, dẫn đến việc giải quyết công việc cho người dân còn chậm, chưa đạt hiệu quả cao. Bí thư Thủy đã cùng tập thể cấp ủy đảng, chính quyền trao đổi, hướng dẫn cán bộ trong xử lý hành chính, văn bản cũng như hiểu đúng chính sách, nghị quyết để áp dụng linh hoạt trong công việc. Chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ xã đúng giờ, thay đổi thái độ khi giải quyết công việc cho dân.

Bí thư Thủy cho biết: Trước đây, giao một việc cho cán bộ xã phải mất 3 - 4 ngày mới xong thì nay chỉ cần nửa ngày đã hoàn thành. Nhìn chung, cán bộ xã từng bước nâng cao trình độ, thành thục sử dụng công nghệ thông tin. Đảng ủy xã đã tạo điều kiện, động viên cán bộ người dân tộc thiểu số học tập nâng cao trình độ, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Huyện ủy Mường Khương, thực hiện Quy định 98 ngày 7/10/2017, nay là Quy định 65 ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, để cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Khương đã ban hành Quy định 28 ngày 28/12/2021 về phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (trước đây là Quy định 11 ngày 21/11/2016). Trong Quy định của Ban Thường vụ Huyện ủy chú trọng công tác luân chuyển cán bộ từ huyện về cơ sở, từ cơ sở về huyện, từ phòng, ban này sang phòng, ban khác; đặc biệt chú trọng luân chuyển cán bộ về các xã đặc biệt khó khăn giữ chức vụ bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND.

Đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Khương đã luân chuyển 21 cán bộ từ huyện về cơ sở và từ xã sang xã giữ các chức vụ chủ chốt tại 13 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã đặc biệt khó khăn, cụ thể: Từ huyện về cấp xã 11 đồng chí (trong đó 3 đồng chí giữ chức vụ bí thư đảng ủy, gồm Nấm Lư, Cao Sơn, thị trấn Mường Khương; giữ chức vụ chủ tịch UBND có 6 đồng chí, ở các xã Tả Gia Khâu, Nậm Chảy, Thanh Bình, Lùng Vai, Lùng Khấu Nhin, Tả Thàng; 2 đồng chí giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy ở các xã Tả Ngài Chồ, Tung Chung Phố). Luân chuyển từ xã sang xã 10 đồng chí giữ chức vụ bí thư đảng ủy, gồm 5 đồng chí tại các xã: Dìn Chin, Tả Ngài Chồ, Bản Sen, La Pan Tẩn, Tả Thàng; giữ chức vụ chủ tịch UBND có 3 đồng chí, gồm các xã Tung Chung Phố, Nấm Lư, Cao Sơn; giữ chức vụ phó chủ tịch UBND có 2 đồng chí tại xã La Pan Tẩn, Cao Sơn.

Đồng chí Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương cho biết: Việc đưa cán bộ về các xã đặc biệt khó khăn đã giúp cơ sở giải quyết những vấn đề khó mà tự cơ sở chưa giải quyết được trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị, nhất là trong giai đoạn hiện nay huyện đang tích cực chỉ đạo các xã tập trung phấn đấu thực hiện Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Những cán bộ trẻ được luân chuyển đảm nhận các vị trí chủ chốt ở cơ sở góp phần hình thành một lớp cán bộ trẻ có năng lực, bản lĩnh và thực tiễn công tác trở thành nguồn kế cận để Đảng lựa chọn, giao gánh vác những trọng trách lớn hơn.

Mới cuối thu nhưng ở xã vùng cao Tả Thàng (Mường Khương), sương mù đã bao phủ khắp triển núi. Trở về sau chuyến đi nắm tình hình ở thôn, quần áo của Bí thư Đảng ủy Doãn Cao Cường ướt đẫm sương. Anh bước vội vào phòng họp, hội ý với các đồng chí Thường trực Đảng ủy xã để kịp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và thôn thực hiện những công việc lớn phải hoàn thành từ nay đến cuối năm. Trước đó, dù đã nghe báo cáo từ các cán bộ chuyên môn, cán bộ phụ trách thôn, bản, Bí thư Cường vẫn chưa thực sự yên tâm.

Ở xã Tả Thàng, cả 2 đồng chí Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã đều là cán bộ luân chuyển từ nơi khác đến. Đồng chí Chủ tịch UBND xã Thào Páo Dình là Phó Bí thư Huyện đoàn luân chuyển về, còn Bí thư Đảng ủy Doãn Cao Cường trước khi nhận nhiệm vụ ở đây, từng giữ cương vị là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Chảy, rồi Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã La Pán Tẩn. Những địa bàn trước đây công tác đều là các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy khi nhận nhiệm vụ ở địa bàn mới, Bí thư Cường không mất quá nhiều thời gian để bắt nhịp với công việc. Cốt lõi vẫn là làm sao để dân hiểu và tin cán bộ, vì thế những ngày đầu nhận nhiệm vụ ở xã, anh dành cả tuần đi các thôn gặp gỡ những người đứng đầu thôn, người có uy tín trong cộng đồng để nắm tâm tư, nguyện vọng và phong tục, tập quán của bà con. Phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân để từ đó xây dựng mối quan hệ gắn bó Nhân dân với chính quyền, tạo niềm tin với Đảng và Nhà nước. Còn Chủ tịch Thào Páo Dình, là con em đồng bào dân tộc Mông nên khi công tác ở địa bàn có tới hơn 90% là dân tộc Mông, mỗi cán bộ, mỗi hộ nơi đây đều coi anh là người nhà.

Trước khi về nhận công tác ở Lùng Khấu Nhin, Chủ tịch UBND xã Đặng Công Huân đã làm cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lý cấp phòng ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Thanh tra huyện. Công việc đặc thù, anh thường xuyên đi cơ sở thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nên rất thuận lợi khi vừa nằm tình hình ở cơ sở vừa có cái nhìn tổng thể về các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn. Sau hơn 2 năm giữ vị trí chủ chốt ở xã khó khăn Lùng Khấu Nhin, Chủ tịch Đặng Công Huân tự hào bởi mình đã góp một phần thay đổi tư duy của bà con từ chỗ trông chờ Nhà nước cho không thì nay người dân chủ động thực hiện các phần việc của mình trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế gia đình. Từ tư duy thay đổi mà ở thôn Chu Lìn Phố, bà con đã tự góp sức làm đường bê tông liên gia đến tất cả các hộ trong thôn; ở thôn Nậm Đó gần như toàn bộ 69 hộ trong thôn trồng chè, nhà nhiều thì vài ba ha, nhà ít cũng gần 1 ha. Anh Huân chia sẻ, mình là cán bộ huyện luân chuyển về xã có thêm thuận lợi là khi có khó khăn, vướng mắc có thể tìm đến các phòng, ban hỏi ngay để giải quyết cho bà con, chứ nhiều cán bộ xã dù giữ vị trí chủ chốt cũng có tâm lý “ngại lên huyện”.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tả Thàng Thào Chớ cho biết: Nhiều năm qua, xã Tả Thàng luôn có cán bộ chủ chốt là người được luân chuyển, điều động, những cán bộ này có nhiều sáng kiến cùng với cấp ủy đảng, chính quyền giúp người dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Mường Khương, việc lựa chọn cán bộ phù hợp cả về trình độ chuyên môn, tuổi tác đôi khi huyện cũng gặp khó khăn, do cán bộ có trình độ được đào tạo chuyên môn chuyên sâu về lĩnh vực nông - lâm nghiệp, nhất là cán bộ trẻ của huyện ít. Mặt khác, số cán bộ có chuyên môn, kỹ năng công tác lại quá tuổi.

Huyện ủy Mường Khương xác định chọn người đúng nhưng cần xác lập môi trường tốt để cán bộ được luân chuyển ngày càng hoàn thiện phẩm chất, kỹ năng làm việc hiệu quả. Cán bộ chọn kỹ đến mấy nếu môi trường không tốt, bị cám dỗ, cạnh tranh thiếu lành mạnh cũng sẽ khó phát huy. Vì vậy, trước khi thực hiện việc luân chuyển cán bộ về cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy giao các đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ (Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ) trực tiếp xuống cơ sở, tổ chức buổi làm việc và xin ý kiến ban chấp hành đảng bộ xã, thường trực đảng ủy, HĐND, UBND xã dự kiến về công tác cán bộ của huyện, từ đó tạo sự thống nhất trong công tác cán bộ. Do vậy, cơ bản không có tư tưởng cục bộ trong công tác cán bộ tại các địa phương trên địa bàn huyện. Việc giới thiệu cán bộ luân chuyển ứng cử bầu giữ các chức vụ chủ chốt như chủ tịch HĐND, UBND, phó chủ tịch UBND xã đều nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, cử tri nơi cán bộ được luân chuyển đến với số phiếu ủng hộ cao.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy tạo thuận lợi cho cán bộ luân chuyển đi cơ sở, kết thúc thời hạn luân chuyển sẽ bố trí, sắp xếp công việc phù hợp cho cán bộ, tạo được niềm tin, phấn khởi của cán bộ luân chuyển. Nhờ đó, huyện luôn sẵn sàng đội ngũ cán bộ kế cận vững về chuyển môn, trải qua rèn luyện thử thách từ cơ sở.

Đồng chí Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương cho biết: Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Khương tiếp tục lựa chọn cán bộ có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng để đưa về các xã đặc biệt khó khăn, với mong muốn vừa giúp cán bộ rèn luyện, trưởng thành, vừa bổ sung nguồn lực chất lượng, tạo thuận lợi cho cơ sở giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tế.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362847-muong-khuong-dua-can-bo-ve-xa-dac-biet-kho-khan-lua-thu-vang