Mường Khương - Rẻo cao biên giới nỗ lực thoát nghèo
Mường Khương huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai có 86,5 km đường biên giới. Rẻo cao này đang nỗ lực từng bước thoát khỏi nhóm huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Những năm gần đây, đời sống người dân đã đổi thay, kinh tế - xã hội từng bước đi lên. Hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang tính chuyện vươn lên làm giàu.
Xã biên giới Dìn Chin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai vốn có tiếng là “xã khô khát”. Nguồn nước khan hiếm đã tác động đến sinh hoạt của người dân trong xã với phần lớn là bà con dân tộc thiểu số, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của toàn địa bàn và khiến nơi đây trở thành xã đặc biệt khó khăn của Mường Khương. Nhiều người dân đã “ly hương, ly nông” đi làm thuê ở nơi khác.
Trăn trở trước cái đói, cái nghèo của bà con, cấp ủy và chính quyền huyện Mường Khương đã điều động đảng viên là cán bộ, công chức xã, giáo viên xuống sinh hoạt trực tiếp tại các chi bộ thôn và làm Bí thư ở những thôn có từ 3 đảng viên chính thức trở lên. Trách nhiệm của những đảng viên này, ngoài gây dựng phong trào, phát triển đội ngũ đảng viên ở các thôn vùng cao, thể hiện rõ tính tiền phong, gương mẫu trong các phong trào ở cơ sở, còn là nghiên cứu, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Đặc biệt, việc Bộ đội Biên phòng Mường Khương đã điều động cán bộ, chiến sỹ về “ba bám, bốn cùng” với bà con Dìn Chin. Những chiến sỹ quân hàm xanh phối hợp với cấp ủy, chính quyền đã tìm hiểu thổ nhưỡng, thế mạnh đất đai và định hướng cho người dân đưa các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp vào sản xuất với điều kiện của từng thôn bản. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động, thay đổi các tập quán lạc hậu của người dân.
Sự hỗ trợ của chính quyền và những chiến sỹ Biên phòng “cắm bản” đã tiếp thêm sức mạnh để bà con ở các người Thu Lao, người Mông, người Tày và người Nùng nỗ lực vận động, “thoát nghèo”. Bà con trong xã không ngừng tìm tòi, học hỏi những cách làm kinh tế mới, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm, đưa giống lúa lai, lúa Séng Cù năng suất cao, ngô lai hàng hóa K66, CP 111 trồng trên diện tích nương, ruộng của gia đình.
Đến nay, toàn xã Dìn Chin có 100 ha diện tích lúa, 560 ha ngô đạt kế hoạch. Năm 2019, sản lượng lúa đạt gần 500 tấn, sản lượng ngô cũng xấp xỉ 2.500 tấn, đều tăng mạnh so với năm trước. Tính tổng đàn gia súc gia cầm là trên 12.600 con trong đó có hơn 2.000 con trâu, bò, Ngoài ra, người dân đã trồng 60 ha gừng cho sản lượng đạt gần 60 tấn và 4,5 ha cây ớt, hơn 10 ha nghệ xanh...
Nói về những nỗ lực thoát nghèo của Dìn Chin, ông Nguyễn Đăng Kiều, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dìn Chin cho hay: Là xã vùng sâu, vùng xa vô cùng khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn nỗ lực vượt qua. Giúp dân thoát nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng ủy xã quan tâm chỉ đạo. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ thói quen, tập quán lạc hậu trong sản xuất. Nhờ đó, các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước như cây, con giống...được triển khai thực hiện hiệu quả, từng bước giúp nhân dân cải thiện đời sống.
Diện tích đất canh tác dần bớt hoang hóa không chỉ ở Dìn Chin. Sự khởi sắc cũng diễn ra ở nhiều địa phương tại Mường Khương khi huyện này nghiên cứu, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu nội ngành, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chú trọng phát huy thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa. Các cây trồng được Mường Khương lựa chọn đưa vào canh tác phải đảm bảo những yếu tố: Thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, phù hợp với trình độ canh tác của người dân và quan trọng nhất là giá trị kinh tế cao, ổn định. Chỉ nhìn mầu xanh của quýt, dứa, chuối phủ xanh thị trấn Mường Khương, xã Bản Lầu, Lùng Vai, Nậm Chảy… cũng có thể hình dung cuộc sống nhiều hộ dân tộc thiểu số ở đây đã bước đầu thoát nghèo bền vững, bắt đầu nghĩ đến việc có của ăn, của để.
Theo UBND huyện Mường Khương, năm 2020, huyện có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, nhằm tạo sự ổn định cho sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Dù vẫn nằm trong danh sách huyện 30a nhưng những kết quả đạt được của Mường Khương về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là minh chứng rõ nét nhất cho sự vượt khó, vươn lên của chính quyền và người dân nơi dải đất biên cường này.