Mường Khương: Vì sao diện tích trồng chuối giảm mạnh?

Có thời điểm, huyện Mường Khương là địa phương dẫn đầu tỉnh về diện tích trồng chuối. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, diện tích chuối của huyện vùng biên này liên tục giảm mạnh, việc phát triển, mở rộng diện tích cũng gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Mường Khương là địa phương có địa hình dốc, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho cây chuối sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, chuối là cây trồng dễ sống, không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khắt khe như những cây trồng khác nên phù hợp với trình độ canh tác của người dân vùng cao. Chuối cũng được chứng minh là cây trồng phù hợp, đem lại giá trị thu nhập cao cho nông dân huyện Mường Khương. Đây cũng là địa phương nhiều năm dẫn đầu tỉnh về diện tích trồng và sản lượng chuối thu hoạch của tỉnh.

Nậm Chảy là địa phương trồng nhiều chuối của huyện Mường Khương. (Ảnh: Cao Chung)

Năm 2019, toàn huyện có 1.372,7 ha chuối, diện tích cho thu hoạch là 1.191,7 ha, sản lượng thu hoạch đạt 23.834 tấn, giá trị ước đạt 166,8 tỷ đồng; năm 2020, toàn huyện có 2.003 ha chuối, diện tích cho thu hoạch là 1.810 ha, sản lượng thu hoạch đạt 45.250 tấn, giá trị ước đạt 248,8 tỷ đồng; năm 2021, diện tích trồng chuối của huyện giảm còn 1.310 ha, diện tích cho thu hoạch là 939,25 ha, sản lượng thu hoạch đạt 28.177 tấn, giá trị sản lượng đạt 144 tỷ đồng… Đến đầu năm 2023, theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích chuối trên địa bàn huyện Mường Khương hơn 1.400 ha. Tuy nhiên, qua rà soát thực tế, diện tích chuối hiện có của Mường Khương chưa đến 500 ha.

 Chuối quả được giá nhưng nông dân Mường Khương không có sản phẩm bán vì diện tích giảm mạnh.

Chuối quả được giá nhưng nông dân Mường Khương không có sản phẩm bán vì diện tích giảm mạnh.

Thực tế tại các xã có diện tích trồng chuối lớn của huyện Mường Khương như Bản Lầu, Lùng Vai, Bản Sen, Nậm Chảy,… cho thấy, nhiều hộ trồng chuối đã chuyển diện tích trồng chuối trước đây sang trồng chè, quế vì các loại cây trồng này có thị trường ổn định hơn.

Lý giải về việc diện tích chuối trên địa bàn giảm mạnh, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương – Lê Ngọc Dương cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến diện tích chuối giảm mạnh, nhất là trong hai năm (2021 - 2022), bệnh vàng lá Panama bùng phát trên diện rộng, làm thiệt hại nhiều diện tích. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều trận gió lốc, khiến không ít diện tích chuối bị gãy đổ. Đặc biệt, đại dịch Covid -19 xảy ra, kéo dài, Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch khiến việc xuất khẩu quả chuối gần như “đóng băng”. Giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá bán quả chuối có thời điểm rớt thê thảm, khiến người trồng chuối không còn mặn mà, chuyển sang trồng cây trồng khác.

Người dân Mường Khương chuẩn bị thu hoạch chuối. (Ảnh: Cao Chung)

Cây chuối được xác định là cây trồng chủ lực theo Nghị quyết 10 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050. Hơn nữa, sau đại dịch Covid -19, giá chuối xuất khẩu tăng cao, trong khi diện tích giảm, không có đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Điều đó cho thấy, việc duy trì cây chuối rất quan trọng, bởi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương, giá trị thu nhập từ trồng chuối đạt từ 70 - 75 triệu đồng/ha, cao gấp khoảng 2 lần so với trồng ngô.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương - Lê Ngọc Dương đề nghị ngành nông nghiệp cần phối hợp với địa phương để rà soát chính xác diện tích chuối hiện có, trên cơ sở đó, thay vì để tự phát như trước, cần tổ chức lại sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, từ việc lựa chọn giống chống chịu được sâu bệnh, đến việc cân đối sản lượng, đảm bảo được cung - cầu hợp lý.

Trả lời ý kiến đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu trồng chuối của huyện Mường Khương, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng: Không chỉ huyện Mường Khương mà các địa phương khác cần nghiên cứu thật kỹ Kế hoạch số 363/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn 2021 - 2025. Ngành nông nghiệp đã có khuyến cáo cây chuối là cây trồng dễ nhiễm bệnh vàng lá Panama nên không thể trồng thâm canh nhiều năm trên cùng một thửa đất. Do đó, cứ 3-5 năm, người trồng chuối phải thực hiện luân canh với đất canh tác các loại cây trồng khác. Các địa phương có thể chuyển đổi các diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng chuối.

Cây chuối là cây trồng rất có giá trị, thời gian thu hoạch ngắn, một lần trồng có thể thu hoạch trong 5 năm nên hiệu quả kinh tế cao, giá trị thu nhập bình quân đạt 130-150 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy, không có lý do gì không phát triển vùng trồng chuối. Hiện, ngành nông nghiệp đang phối hợp với một doanh nghiệp để thay một phần diện tích chuối tiêu hồng bằng giống chuối tây, đây là giống chuối có khả năng kháng bệnh vàng lá Panama. Doanh nghiệp này cũng cam kết thu mua quả chuối với giá 5.500 đồng/kg, 350.000 đồng/tấn đối với cây chuối để sản xuất sợi tơ chuối. Vì vậy, các địa phương, đặc biệt là Mường Khương vẫn nên duy trì, phát triển cây chuối, tránh tình trạng khi giá chuối quả lên cao, nông dân không có sản phẩm để bán như hiện nay.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/muong-khuong-vi-sao-dien-tich-trong-chuoi-giam-manh-post368593.html