Mường La đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường La nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm trở lên và đến năm 2025, huyện được công nhận thoát nghèo. Sau 1 năm thực hiện, công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn toàn huyện bước đầu thu được kết quả.

Chia sẻ với chúng tôi việc hiện thực hóa Nghị quyết Đảng bộ huyện, đồng chí Lò Văn Bước, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tạ Bú, cho biết: Năm 2021, Đảng ủy xã chỉ đạo triển khai dự án cải tạo 5 ha xoài tại các bản Tạ Bú, bản Mòn và bản Bắc, sau đó nhân rộng trong toàn xã, từng bước xây dựng sản phẩm quả xoài thành sản phẩm OCOP của huyện. Đồng thời, phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao triển khai điểm mô hình trồng 2 ha dứa. Đồng thời, duy trì chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa.

Người dân xã Chiềng Lao (Mường La) khai thác lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La phát triển nuôi cá lồng.

Người dân xã Chiềng Lao (Mường La) khai thác lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La phát triển nuôi cá lồng.

Cũng nói về việc đưa Nghị quyết của Đảng bộ huyện vào thực tế cuộc sống, đồng chí Sùng A Di, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Công, chia sẻ: Nhân dân trong xã duy trì chăm sóc hơn 500 ha cây sơn tra đã cho thu hoạch quả; tiếp tục chuyển hình thức chăn nuôi thả rông hơn 6.000 con đại gia súc sang nuôi nhốt chuồng, mở rộng diện tích trồng cỏ voi lấy thức ăn chăn nuôi. Chăm sóc trên 30 ha cây thảo quả trồng dưới tán rừng...

Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy Mường La đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, UBND huyện cụ thể hóa bằng 8 đề án, trong đó có đề án: “Giảm nghèo bền vững huyện Mường La giai đoạn 2020-2025”. Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Đảng bộ các xã, thị trấn căn cứ điều kiện thực tế về tài nguyên đất đai, địa hình, khí hậu để lựa chọn hướng phát triển phù hợp. Trong đó, vùng trung tâm cụm xã và thị trấn Ít Ong phát triển thương mại dịch vụ, duy trì chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; các xã dọc sông Đà và vùng phụ cận đưa giống cây ngô, sắn, trồng cây ăn quả có giá trị vào thâm canh, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện; các xã vùng cao duy trì chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng...

Điểm nhấn của Đảng bộ huyện trong lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế là tập trung chỉ đạo các xã xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các cơ quan chuyên môn, các xã tập trung hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, cải tạo vườn tạp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn.

Hiện nay, huyện có trên 5.000 ha cây ăn quả các loại; 8 hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; 1 hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ, với trên 200 ha được cấp mã số vùng trồng; hình thành 7 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm (2 chuỗi cây sơn tra; 2 chuỗi cây mận; 3 chuỗi cây xoài). Đầu năm nay, huyện đã kết nối giao thương giữa doanh nghiệp, HTX, tìm hiểu nhu cầu thị trường, giá cả, tìm kiếm đối tác kết nối xuất khẩu các sản phẩm nông sản. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng toàn huyện đã xuất khẩu trên 1.300 tấn xoài; hơn 3.000 tấn chuối; tiêu thụ trên 15.000 tấn nhãn, xoài, chuối, sơn tra tại siêu thị các tỉnh trong nước.

Ngành chăn nuôi được chỉ đạo đầu tư phát triển theo hướng tập trung, trang trại; nâng cao chất lượng và tăng quy mô đàn, hướng tới mỗi bản có 1 điểm chăn nuôi tập trung. Tiếp tục phát huy lợi thế về diện tích mặt nước trên lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển nuôi trồng thủy sản... Hiện, toàn huyện có trên 500.000 con gia súc, gia cầm các loại; trên 800 lồng cá, sản lượng đạt hơn 60 tấn cá/năm.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, đơn vị hỗ trợ xóa nghèo theo địa chỉ các bản. Thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, cán bộ CCVC các cơ quan về cơ sở hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dọn vệ sinh môi trường... Riêng năm 2021, huyện đã huy động xã hội hóa được gần 50 tỷ đồng, hỗ trợ đổ bê tông đường liên bản, nội bản, xây dựng khu vệ sinh các trường học...

Đảng bộ huyện cũng đã chỉ đạo UBND huyện sử dụng các nguồn kinh phí từ chính sách đối với huyện nghèo và chính sách đối với các xã, bản đặc biệt khó khăn, để đầu tư xây mới, duy tu cải tạo nâng cấp đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, công trình y tế, hệ thống nước sinh hoạt, công trình thủy lợi, trường học... với tổng kinh phí dự kiến gần 244 tỷ đồng.

Hiện thực hóa Nghị quyết Đảng bộ huyện thông qua các đề án, chương trình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn trong huyện; cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vươn lên của người dân, tin rằng Mường La sẽ thoát nghèo theo đúng kế hoạch đề ra.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-la-dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song-43734