Mường La hướng tới phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Huyện Mường La hiện có 8 hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; 2 hợp tác xã được cấp 6 mã số vùng trồng; 700ha cây ăn quả được cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP; hình thành 7 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Những kết quả này minh chứng cho sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, HTX và người dân, hướng tới phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Công nhân HTX Tinh dầu dược liệu Mường La chưng cất tinh dầu sả java.

Công nhân HTX Tinh dầu dược liệu Mường La chưng cất tinh dầu sả java.

Ông Lù Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các xã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ các nguồn kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách huyện, nguồn của doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình... từng bước phát triển nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên, phù hợp với từng loại hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện tăng cường hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, cải tạo vườn tạp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn. Từ năm 2021 đến nay, từ các nguồn kinh phí, huyện đã hỗ trợ 300 triệu đồng cho 3 hợp tác xã xây dựng nhà xưởng, kho lạnh, nhà sấy nhãn. Hỗ trợ trên 590.000 giống cây xoài Đài Loan, xoài GL4, mận tam hoa, giống dứa Queen... cho nông dân các xã Tạ Bú, Mường Chùm, Nặm Giôn, thị trấn Ít Ong, Nặm Păm... đưa vào sản xuất.

Theo kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, cùng với việc duy trì 5.850 ha cây ăn quả hiện có, Mường La sẽ hỗ trợ giống cây trồng để hình thành và phát triển 500ha trồng chuối; 100ha trồng xoài áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm quả xoài hôi; hỗ trợ tổ chức đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP đối với quả xoài hôi tại xã Tạ Bú. Riêng cây sơn tra, phấn đấu trồng mới 230 ha, nâng tổng diện tích lên 2.255 ha, sản lượng khoảng 14.305 tấn quả/năm. Quy hoạch vùng trồng tập trung tại các xã Ngọc Chiến, Chiềng Công, Chiềng Ân. Thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng nhà máy chế biến rượu sơn tra, trà sơn tra...

Đồng chí Sùng A Di, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Công, thông tin: Từ điều kiện thực tế của địa phương, xã đã vận động nhân dân chăm sóc tốt diện tích cây sơn tra hiện có và mở rộng thêm diện tích ở các bản có điều kiện phù hợp với cây trồng này. Hiện, toàn xã có trên 455ha cây sơn tra, mang lại thu nhập hơn 11 tỷ đồng/năm cho các hộ trồng. Chúng tôi rất mong có nhà máy chế biến trên địa bàn để nâng cao giá trị sản phẩm quả sơn tra, cũng như nâng cao thu nhập cho người dân từ cây trồng đa mục tiêu này.

Nông dân xã Tạ Bú, huyện Mường La, đóng gói xoài xuất khẩu.

Nông dân xã Tạ Bú, huyện Mường La, đóng gói xoài xuất khẩu.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 450ha cây dược liệu. Trong đó, 150ha cây sả, 160ha cây thảo quả, 33ha cây sa nhân. Các loại cây dược liệu này đã mang lại nguồn thu khá cho người dân. Riêng cây thảo quả trồng dưới tán rừng có thu nhập từ 60-100 triệu đồng/ha. Với mục tiêu đến năm 2025, huyện có 650 ha cây dược liệu trồng dưới tán rừng, huyện đã và đang chỉ đạo các xã khai thác tiềm năng về đất đai, nguồn gen quý sẵn có và nhập nội giống mới chất lượng tốt, giá trị cao, như atisô, tam thất, sa nhân tím, ý dĩ... sử dụng phân vi sinh, hữu cơ, phun thuốc trừ dịch bệnh tự động hoặc bán tự động; áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp; thực hiện tốt quy trình bảo quản, sơ chế, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

Đối với các loại cây lương thực ngắn ngày, như ngô, lúa, huyện định hướng phát triển các cánh đồng lúa áp dụng phương thức sản xuất cánh đồng một giống, cánh đồng an toàn dịch, tổ dịch vụ bảo vệ sản xuất tự nguyện. Gắn với áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, như kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), “3 giảm 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả), sử dụng phân viên nén dúi trên cây lúa, quản lý dịch hại tổng hợp IPM... đầu tư một số mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP. Phát triển vùng sản xuất lúa nếp tan, gạo tẻ đỏ chất lượng cao để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận hữu cơ, chứng nhận sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nếp tan Ít Piệng, xã Nặm Păm, Ngọc Chiến. Đồng thời, chuyển đổi 500 ha cây ngô lấy hạt sang trồng cây ngô ngọt, ngô rau làm thực phẩm tiêu thụ trong nước, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu.

Ông Lò Văn Xây, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, cho biết: Trên địa bàn xã đã và đang thực hiện mô hình 50 ha lúa nếp tan theo hướng hữu cơ, năng suất đạt từ 6-6,5 tấn/ha. Đây là giống nếp có hạt gạo trắng trong, dẻo, hương thơm dịu, vị ngậy bùi, đã khẳng định chất lượng và giá trị trên thị trường. Năm 2020, nếp tan Ngọc Chiến đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Xã tiếp tục vận động, hướng dẫn nông dân mở rộng diện tích thâm canh giống lúa nếp tan này, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đối với ngành chăn nuôi, huyện định hướng đầu tư phát triển công nghệ chuồng kín, công nghệ tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp; ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAP trong chăn nuôi bò thịt, lợn, gia cầm, tạo sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Phấn đấu đến năm 2025, ngoài tăng quy mô, chất lượng đàn vật nuôi, huyện có thêm 5 trang trại, gia trại nuôi bò thương phẩm tập trung, quy mô từ 100 con trở lên; phát triển chăn nuôi các giống gia cầm, thủy cầm bản địa, hướng đến phát triển chăn nuôi tập trung gắn với áp dụng quy trình chăn nuôi tốt (VietGAPH).

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tin rằng Mường La sẽ tạo được sự chuyển biến tích cực trong ngành kinh tế nông nghiệp, góp phần đưa huyện sớm thoát nghèo.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-la-huong-toi-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-52366