Mường La tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm

Trên địa bàn huyện Mường La hiện có 220 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 90 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 21 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, 40 bếp ăn tập thể, 357 cơ sở nấu rượu thủ công và kinh doanh rượu. Từ đầu năm đến nay, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quán triệt, triển khai các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng trong thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Nhân viên y tế bản Hua Trai, xã Hua Trai phát tờ rơi tuyên truyền VSATTP cho người dân.

Nhân viên y tế bản Hua Trai, xã Hua Trai phát tờ rơi tuyên truyền VSATTP cho người dân.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP, huyện đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo VSATTP huyện và các tổ kiểm tra liên ngành VSATTP xã, thị trấn; tham mưu cho UBND huyện tổ chức “Tháng hành động vì ATTP năm 2019”; phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tổ chức 870 buổi truyền thông, nói chuyện trực tiếp cho trên 21.600 chủ cơ sở, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng; tuyên truyền 312 lượt trên hệ thống loa truyền thanh tại các xã, thị trấn, tổ, bản, tiểu khu, ban quản lý chợ về Luật An toàn thực phẩm; hướng dẫn lựa chọn và bảo quản, sử dụng thực phẩm; cách phòng, chống ngộ độc thực phẩm; phòng, chống ngộ độc do sử dụng rượu; tác hại của việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo VSATTP... Tại tuyến xã, công tác truyền thông về VSATTP cũng được các đơn vị chuyên ngành tích cực phối hợp triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, như: Phát tờ rơi, tuyên truyền tại nhà văn hóa bản, tiểu khu, vận động bà con “ăn chín, uống sôi”, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát 60 nhà hàng, cơ sở chế biến kinh doanh trên địa bàn, phát hiện 15 cơ sở vi phạm VSATTP, xử phạt trên 15 triệu đồng; thẩm định đủ điều kiện VSATTP cho 10 cơ sở; lấy 65 mẫu thực phẩm test thử nhanh đều có kết quả âm tính với các chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm (hàn the, fooc mon, ethanol, phẩm màu, lugol, nitrit...), không có dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả...

Ông Lò Văn Soạn, Trưởng Khoa vệ sinh ATTP, Trung tâm Y tế Dự phòng huyện cho biết: Ngoài những kết quả đạt được, công tác quản lý về vệ sinh ATTP còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, chủ yếu là việc thực hiện Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế - Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công Thương về việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về ATTP còn chồng chéo; trên địa bàn vẫn còn xảy ra ngộ độc thực phẩm do người dân sử dụng thực phẩm không an toàn.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về VSATTP, Ban chỉ đạo về VSATTP tiếp tục tham mưu cho huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhận thức của cộng đồng về ATTP; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Về phía người tiêu dùng, cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, nói không với thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin những cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo VSATTP trên địa bàn tới các cơ quan chức năng xem xét, xử lý, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho cộng đồng.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-la-tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-ve-an-toan-thuc-pham-26519