Mường Lát (Thanh Hóa): Xã vùng biên Quang Chiểu nỗ lực giảm nghèo
Quang Chiểu là xã vùng cao, biên giới, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), có nhiều khó khăn vì xuất phát điểm về kinh tế-xã hội thấp. Song, những năm gần đây, xã Quang Chiểu luôn dẫn đầu huyện về giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Người dân xin rút khỏi hộ nghèo
Trước kia, gia đình ông Lương Văn So (ngoài 60 tuổi), ở bản Poọng là hộ nghèo của xã. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn, ông So mạnh dạn đăng ký trồng 2ha xoan xóa đói giảm nghèo.
Với phương thức “lấy ngắn nuôi dài” từ việc nuôi gà, vịt, đào ao thả cá…Mỗi năm, trừ chi phí, nguồn thu tích lũy được đến đâu, ông đầu tư mở rộng diện tích trồng xoan, lát.
Đến nay, gia đình ông So đang sở hữu số tài sản gồm 10,5ha xoan và lát. Trong đó, có 8ha chuẩn bị thu hoạch, dự kiến mỗi ha cho thu nhập vài chục triệu đồng.
Một trang trại nuôi gà, vịt khoảng 300 con, 1.500m2 ao cá và hàng chục con dê, trâu, bò. Theo tính toán của ông So, thu nhập hàng năm của gia đình ông có thể lên tới hàng trăm triệu đồng từ mô hình rừng - vườn - ao - chuồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Hằng - Trưởng bản Poọng, cho biết: “Từ mô hình của gia đình ông So, nhiều hộ dân trong bản đã học tập cách làm của ông ấy. Bà con dân bản cũng dần thay đổi tư duy, không còn trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước mà mạnh dạn vay vốn theo điều kiện, khả năng của gia đình để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Bây giờ, nhiều gia đình đã trở thành hộ khá giả trong bản rồi”.
Nhắc đến chuyện giảm nghèo trong xã, ông Ngân Trọng Hiệp – Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho hay: “Cách đây vài năm, anh Thao Văn Nhia, ở bản Pù Đứa đã đi bộ 9 km từ nhà lên UBND xã để xin rút tên khỏi danh sách hộ nghèo.
Với lý do: Bây giờ nhà mình biết cách làm ăn kinh tế rồi. Nhà ta đã có nhiều trâu, nhiều bò và thóc lúa. Ta bán trâu, bò đi là có tiền, sẽ không lo đói nghèo nữa nên mình xin rút khỏi hộ nghèo để khỏi mang tiếng với bà con”.
Cũng theo ông Hiệp, việc anh Nhia xin rút khỏi danh sách hộ nghèo vào thời điểm đó đã tác động rất lớn đến tư duy, nhận thức của đồng bào nơi đây.
Từ hành động của anh Nhia, tinh thần tự giác vươn lên thoát nghèo, không còn trông chờ ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước trong bà con đã thay đổi rõ rệt, góp phần đưa công tác xóa đói giảm nghèo của xã đạt được những kết quả tích cực.
“Hiện nay, địa phương chúng tôi đang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống thấp hơn nữa. Chính quyền xã cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa nhiều mô hình kinh tế mới phù hợp vào sản xuất để giúp họ cải thiện đời sống và thu nhập từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, do địa phương có hơn 300 hecta cây lúa nước, nên bà con chủ động được nguồn lương thực. “Vừa qua, xã phối hợp Hội Nông dân huyện mở các lớp trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, được cấp trên hỗ trợ cây con giống, bò, dê và trồng hơn 20 ha luồng, cây ăn quả”, ông Hiếp nói.
Tập trung phát triển kinh tế
Nói về phong trào bà con đua nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của địa phương, ông Hiệp, cho biết: Trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng nguồn lực hàng chục tỷ đồng đầu tư xã hội từ các chương trình, dự án của Chính phủ, các tổ chức đã giúp Quang Chiểu cải thiện cơ bản về cơ sở hạ tầng, như: đường giao thông, hệ thống điện lưới quốc gia, trường học, thủy lợi và các công trình phúc lợi.
Từ đó, đảng bộ, chính quyền nơi đây đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào tham gia phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, là việc triển khai hỗ trợ tín chấp cho đồng bào vay vốn sản xuất, mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Hướng dẫn đồng bào thay đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao hơn. Đồng thời, tăng cường cán bộ hỗ trợ một số địa bàn, hộ dân xây dựng mô hình điểm trong chăn nuôi, trồng trọt để bà con học tập làm theo….
Từ những giải pháp nói trên, hàng chục hộ trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây lâm nghiệp cho thu nhập hàng chục triệu đồng trở lên.
“Ở thời điểm năm 2010, trên địa bàn xã còn tới trên 43%, cá biệt có bản hộ nghèo chiếm tới trên 80%. Vì vậy, đảng bộ, chính quyền xã xác định công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân là nhiệm vụ then chốt.
Theo đó những năm qua, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể phối hợp với các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn rà soát đánh giá thực trạng về tình hình thực tiễn tiềm năng, lợi thế của địa phương; thực trạng hộ nghèo; nguyên nhân cốt lõi của cái nghèo… có giải pháp kế hoạch khắc phục cụ thể đến từng thôn bản, từng hộ dân…
Hiện nay, ở Quang Chiểu có hơn 1.300 hộ dân, với 5744 nhân khẩu. Đến năm 2019, Quang Chiểu giảm được 12,5% hộ nghèo, hiện chỉ còn 28,6% hộ nghèo và hơn 200 hộ cận nghèo. ” - ông Hiệp nói.