Mường Nhé thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế
ĐBP - Ðược triển khai thực hiện từ tháng 9/2019 (tính từ thời điểm khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh), nhưng đến nay tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến trên địa bàn huyện Mường Nhé đạt rất thấp. Nhiều hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 chưa phát sinh và nhiều đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện chưa thực hiện. Ðiều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh mà còn gây áp lực cho địa phương lẫn người dân, doanh nghiệp về thời gian, chi phí trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Người dân xã Mường Nhé làm thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” UBND xã.
Theo thống kê trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh, từ năm 2020 đến nay, 11/11 xã trên địa bàn huyện Mường Nhé mới chỉ phát sinh 51 hồ sơ trực tuyến, trong tổng số hơn 28.500 hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện, chủ yếu trên các lĩnh vực tư pháp, văn hóa và lao động, thương binh xã hội. Trong đó có 7/11 xã chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến, gồm: Mường Nhé, Sín Thầu, Mường Toong, Quảng Lâm, Leng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Kè. Các xã: Sen Thượng, Pá Mỳ, Nậm Vì, mỗi xã phát sinh một hồ sơ; cao nhất là xã Huổi Lếch với 48 hồ sơ. Ðặc biệt, hiện nay các hồ sơ phát sinh mới đều đang trong quá trình giải quyết và đã quá hạn, chỉ 1 hồ sơ tại xã Huổi Lếch đã được giải quyết xong.
Xã Mường Nhé nằm ngay trung tâm huyện Mường Nhé, có điều kiện thuận lợi về giao thông, hạ tầng thông tin… hơn các địa bàn khác, tuy nhiên đến nay chưa có hồ sơ trực tuyến nào phát sinh qua dịch vụ công trực tuyến.
Ông Vi Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: Nguyên nhân do công tác tuyên truyền còn hạn chế, thói quen sử dụng hồ sơ giấy, đến nộp hồ sơ trực tiếp của người dân vẫn phổ biến; người sử dụng còn e ngại vấn đề bảo mật thông tin; nhiều thủ tục hành chính chưa đơn giản, tinh gọn. Quan trọng hơn, vẫn còn nhiều người dân chưa từng tiếp xúc công nghệ thông tin; khả năng sử dụng, cập nhật internet hạn chế; chưa kể hệ thống mạng đôi khi lỗi, trục trặc. Vì vậy hiện nay người dân trên địa bàn xã mỗi khi thực hiện thủ tục hành chính vẫn trực tiếp đến bộ phận “Một cửa”.
Không chỉ riêng cấp xã, ngay tại UBND huyện Mường Nhé, đa số người dân, doanh nghiệp vẫn trực tiếp đến bộ phận “Một cửa” của UBND huyện để giải quyết các thủ tục hành chính. Theo thống kê, năm 2020 toàn huyện tiếp nhận 29.393 thủ tục hành chính, nhưng phát sinh qua cổng dịch vụ công trực tuyến chỉ có 78 hồ sơ (đến nay đã giải quyết xong, nhưng quá hạn 4 hồ sơ). Ðặc biệt, dịch vụ công mức độ 3 huyện Mường Nhé được giao 26 thủ tục hành chính, hết năm 2020 mới chỉ phát sinh 2 hồ sơ; đối với dịch vụ công mức độ 4, huyện được giao 37 thủ tục hành chính nhưng đến nay chưa phát sinh hồ sơ nào. Có nhiều nguyên nhân, song lý do mà địa phương đưa ra vẫn là: Người dân khó tiếp cận công nghệ, máy móc chưa đảm bảo; người dân, doanh nghiệp vẫn còn thói quen nộp trực tiếp, thậm chí có nhiều người chưa nghe đến khái niệm “dịch vụ công trực tuyến”. Bên cạnh các nguyên nhân trên thì huyện Mường Nhé cho rằng thời gian qua do lỗi trong hệ thống phần mềm chuyển, nhận thủ tục hành chính đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, làm giảm số lượng hồ sơ phát sinh trực tuyến.
Mục tiêu cuối cùng của dịch vụ công trực tuyến vẫn là phục vụ người dân, doanh nghiệp thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các thủ tục hành chính; đồng thời giúp cơ quan Nhà nước giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh, thuận tiện, khoa học hơn; tránh tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà... Ðặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến có rất nhiều tiện ích. Ðể nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện, trước hết cần phải thực hiện từ cán bộ, đảng viên vận động người thân, gia đình, sau đó lan tỏa trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Ðồng thời, để tránh tình trạng thiếu trách nhiệm trong công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị, cần tăng cường gắn trách nhiệm, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động cải cách hành chính nếu đơn vị đó không hoàn thành nhiệm vụ. Ðẩy mạnh công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính trên toàn huyện.